Du lịch về nguồn là hành trình văn hóa mang rất nhiều ý nghĩa. Đây là dịp du khách có cơ hội trải nghiệm, hiểu biết thêm nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa, cách mạng tại các di tích. Từ đó, hiểu hơn về cội nguồn tiên tổ, thấm thía hơn công lao to lớn của các bậc tiền nhân đối với quê hương, đất nước.
Sắp đến kỷ niệm 1100 năm ngày sinh Vua Đinh Tiên Hoàng, vì vậy, trong những ngày này, lượng người tới tham quan, tưởng nhớ, tri ân công đức của vua Đinh Tiên Hoàng ở Động Thung Lau và Đền Thung Lá (xã Gia Hưng) – khu di tích gắn với một thời chăn trâu nuôi chí lớn của Vua Đinh Tiên Hoàng càng thêm tấp nập.
Em Đào Thị Thanh Thủy, học sinh Trường THPT Gia Viễn B cùng với các bạn học đã lựa chọn Động Thung Lau và Đền Thung Lá là nơi thực hiện chuyến đi về nguồn. Thanh Thủy thích thú: Em quê ở xã Gia Phương, nơi có đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng. Những ngày này, em và các bạn muốn tìm về động Thung Lau để tìm hiểu thêm về nơi vua Đinh từng chăn trâu cắt cỏ, cờ lau tập trận lập nên nghiệp lớn. Đây là lần đầu em được tới đây. Không chỉ được ngắm cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, em còn được nghe kể nhiều câu chuyện thú vị về sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng. Đây là những tư liệu quý đối với thế hệ trẻ như chúng em.
Ông Bùi Trọng Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hưng cho biết: Trên nền dinh lũy xưa kia của vua Đinh Tiên Hoàng, nhân dân xây lên ngôi đền nhỏ 3 gian để thờ vua Đinh Tiên Hoàng cùng với thánh Nguyễn Minh Không. Ngày nay, với sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương và sự đóng góp con em quê hương, ngôi đền đã được tôn tạo và trở thành Khu di tích lịch sử cấp quốc gia.
Hàng năm, vào ngày mùng 10 tháng giêng, làng đều mở lễ hội động Hoa Lư. Những dịp này, chuẩn bị kỷ niệm 1100 năm ngày sinh vua Đinh Tiên Hoàng, đã có rất nhiều con em địa phương, du khách thập phương tìm về đây, vừa là để chiêm bái vừa là để tìm hiểu những câu chuyện lịch sử về vị quân vương có công thống nhất 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối. Đặc biệt, trong hành trình về nguồn này có nhiều đoàn là các em học sinh ở các trường trong và ngoài tỉnh. Nhiều nhà trường đã lựa chọn động Thung Lau là nơi để trải nghiệm, nơi về nguồn.
Trên địa bàn huyện Gia Viễn có 38 lễ hội. Trong đó, có 1 lễ hội cấp tỉnh (Lễ hội chùa Bái Đính), 2 lễ hội cấp huyện (Lễ hội Đền Thánh Nguyễn – xã Gia Thắng, Gia Tiến và lễ hội Đền Vua Đinh – xã Gia Phương), 9 lễ hội cấp xã và 26 lễ hội cấp làng.
Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Lễ hội đầu xuân là hoạt động văn hóa tâm linh mang tính cộng đồng, là một trong những loại hình di sản độc đáo, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, địa phương. Thông qua đó thể hiện lòng tri ân, ôn lại lịch sử, công đức của các bậc tiền nhân có công dựng nước và giữ nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc qua các thời kỳ lịch sử.
Phát huy lợi thế là địa phương giàu di tích lịch sử, huyện Gia Viễn đã triển khai chương trình giới thiệu Tour du lịch trải nghiệm gắn với bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa địa phương với chủ đề “Tìm về cội nguồn”. Tour du lịch trải nghiệm này là chuỗi các hoạt động phát triển du lịch của huyện trong những năm tới, hướng đến đối tượng là học sinh, sinh viên với 2 tuyến: “Theo dấu chân Vua Đinh Tiên Hoàng” và “Tìm về cội nguồn Đức Thánh Nguyễn”. Hoạt động này nhằm giáo dục học sinh, sinh viên hiểu hơn về giá trị lịch sử văn hóa truyền thống của quê hương và đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư và phát triển du lịch bền vững…
Núi Non Nước là địa danh gắn với nhiều sự kiện lịch sử của đất nước. Đây là trạm tiền tiêu của kinh thành Hoa Lư thế kỷ thứ X. Nơi hiệu triệu tinh thần đấu tranh của nhân dân chống thực dân, đế quốc ngoại xâm… Và là nơi lưu giữ hàng chục áng thi văn của nhiều vị vua, công hầu khanh tướng, các danh nhân, thi sĩ nổi tiếng từ hàng nghìn năm trước. Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt này luôn có sức thu hút lớn với đông đảo nhân dân và du khách thập phương
Dành ngày cuối tuần để đến tham quan, vãn cảnh núi Non Nước đã trở thành thói quen từ lâu của cô giáo Dương Thị Vân, Trường THCS Trường Yên (Hoa Lư). Cô Vân chia sẻ: Tôi cùng gia đình đến đây rất nhiều lần. Mỗi lần đến thăm địa danh này, trong tôi ngập tràn niềm tự hào vì quê hương mình có ngọn núi ghi nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa. Tôi rất mong rằng các dịch giả, các nhà nghiên cứu sẽ khai thác trọn vẹn ý nghĩa của các bài thơ các bậc tiền nhân để lại, qua đó truyền thụ cho thế hệ trẻ có thể hiểu và cảm nhận hết vẻ đẹp của những bài thơ này.
Ninh Bình tự hào là kinh đô đầu tiên của Việt Nam thế kỷ X, nơi khai sinh Nhà nước Đại Cồ Việt, mảnh đất gắn với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba triều đại Đinh – Tiền Lê – Lý với các dấu ấn lịch sử oai hùng của dân tộc, cùng với đó là hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng.
Toàn tỉnh có 1.821 di tích được kiểm kê, có 395 di tích đã xếp hạng, trong đó có 314 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia (có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới), 5 bảo vật quốc gia. Nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã và đang được đầu tư, trùng tu, nâng cấp phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu và du lịch.
Đây là lợi thế lớn để tỉnh ta phát triển du lịch về nguồn. Về với những di tích lịch sử, văn hóa này, du khách được tham quan, tìm hiểu điểm đến lịch sử, từ đó khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và thể hiện sự tri ân, tưởng nhớ với các bậc tiên đế, tiền nhân.
Để du lịch về nguồn thực sự hấp dẫn, các địa phương sở hữu di tích cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các chương trình tham quan phù hợp, lồng ghép các hoạt động vui chơi, giải trí mang tính trải nghiệm phù hợp các đối tượng tham gia. Qua đó, truyền tải các kiến thức, thông điệp ý nghĩa vốn có của di tích. Đồng thời, tăng cường quảng bá và xúc tiến sản phẩm du lịch mới, bắt kịp với xu thế, thu hút sự chú ý của du khách trong và ngoài nước.
Đào Hằng – Minh Quang