Nhiều quyết sách đột phá
Ngay sau khi tái lập tỉnh năm 1992, Ninh Bình đã tiến hành lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 1995-2010 và được điều chỉnh năm 2007 cho giai đoạn đến năm 2020. Năm 2018, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái Tràng An; khu du lịch Tam Cốc-Bích Động; khu du lịch Kênh Gà-Vân Trình…Các quy hoạch chuyên ngành đang triển khai thực hiện gồm: Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An; Quy hoạch phân khu Khu vực trung tâm Ninh Hải-Ninh Thắng (khu 4-4); Quy hoạch phân khu xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An các khu 3-1; 3-2; 3-3 trong Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thành công tác cắm mốc giới phân định vùng đệm, vùng lõi và quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của Quần thể danh thắng Tràng An.
Tỉnh dự kiến lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Tràng An-Tam Cốc-Bích Động trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tích hợp và cập nhật, bổ sung Quy hoạch, Đề án tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2030 vào Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để triển khai thực hiện.
Hạ tầng du lịch được đầu tư nâng cấp; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch được tăng cường; một số sản phẩm dịch vụ du lịch mới được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác phục vụ khách ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, đã tạo điểm nhấn mới thu hút khách đến, lưu trú lại Ninh Bình dài ngày hơn như khu Phố cổ Hoa Lư, khu nghỉ dưỡng Minawa Kênh Gà, Emeralda Tam Cốc…
Nhiều dự án, công trình du lịch với số vốn hàng nghìn tỷ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tiêu biểu như: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch sinh thái Tràng An; Dự án tu bổ tôn tạo di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư; Dự án xây dựng Quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế… Ninh Bình hiện có gần 20 khu, điểm du lịch hấp dẫn, quy mô quốc gia và quốc tế, tiêu biểu như khu du lịch sinh thái Tràng An, Cố đô Hoa Lư, khu du lịch Tam Cốc- Bích Động, chùa Bái Đính…
Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đã không ngừng được đầu tư phát triển mạnh mẽ, đa dạng cả về số lượng, chất lượng và loại hình. Năm 1992, toàn tỉnh chỉ có 1 cơ sở lưu trú du lịch, đến hết tháng 8 năm 2024, toàn tỉnh có hơn 820 cơ sở lưu trú, với trên 10.500 phòng nghỉ, 16.800 giường; trong đó có 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 8 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3-4 sao, 29 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1-2 sao. Loại hình cơ sở lưu trú homestay, trải nghiệm, cung cấp hoàn chỉnh các dịch vụ cho khách từ ăn, nghỉ, vui chơi giải trí, tham quan… ngày càng được mở rộng, nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.
Đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội
Được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sau gần 30 năm thành lập, ngành Du lịch tỉnh Ninh Bình có những bước phát triển mạnh mẽ: Hạ tầng du lịch được đầu tư đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho khách đến tham quan du lịch; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng; một số khu, điểm du lịch, khách sạn cao cấp được đầu tư hoàn thiện đưa vào phục vụ khách du lịch có hiệu quả; các chỉ tiêu: lượt khách, doanh thu du lịch, số lao động trong ngành du lịch… ngày càng tăng.
Năm 2023, toàn tỉnh đón 6,598 triệu lượt khách, tăng 77% so với năm trước; doanh thu đạt 6.516 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2022. 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh ước đón trên 7,38 triệu lượt khách, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch ước đạt trên 7.251 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương luôn tích cực, chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, xây dựng môi trường du lịch văn minh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đã tạo điểm nhấn quan trọng đưa Ninh Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam (nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước), được nhiều chuyên trang du lịch uy tín trong nước và quốc tế (TripAdvisor, 2 Telegraph, Business insider…) đánh giá và bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, được yêu thích.
Với nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc, phong phú và đa dạng, tỉnh Ninh Bình đã từng bước đầu tư khai thác và hình thành các sản phẩm du lịch có lợi thế, bao gồm: Du lịch văn hóalịch sử-tâm linh; du lịch tham quan thắng cảnh thiên nhiên; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, ngành Du lịch đang tập trung phát triển đa dạng hóa các sản phẩm du lịch như: du lịch MICE, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, nông thôn (gắn với nông nghiệp công nghệ cao), du lịch làng nghề, du lịch biển, du lịch du thuyền trên sông, du lịch vui chơi giải trí, du lịch giáo dục và đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế du lịch về đêm trên 4 lĩnh vực dịch vụ: văn hóa, vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm và tham quan du lịch.
Công tác nghiên cứu thị trường, quảng bá, xúc tiến du lịch được quan tâm thực hiện, chú trọng đầu tư cả về kinh phí, phương thức tổ chức có nhiều đổi mới, đạt hiệu quả tích cực. Chú trọng đẩy mạnh liên kết nội vùng, liên vùng trong phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt tập trung liên kết trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù gắn với đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch Ninh Bình. Tổ chức thành công các sự kiện, hoạt động về văn hóa, thể thao của tỉnh góp phần giới thiệu, quảng bá tới người dân, du khách về văn hóa, lịch sử, mảnh đất và con người Cố đô Hoa Lư-Ninh Bình.
Du lịch phát triển có những đóng góp lớn trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, bước đầu tạo được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng khối dịch vụ; đồng thời thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực phát triển.
Để du lịch phát triển xứng tầm
Mặc dù có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng ngành Du lịch Ninh Bình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Những yếu tố về hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất phục vụ du lịch thiếu đồng bộ và hiện đại cùng với lực lượng lao động du lịch phần đông còn thiếu chuyên nghiệp. Sản phẩm và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch tuy đã được cải thiện nhưng còn thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, nghỉ dưỡng nhất là dịch vụ chất lượng cao. Chưa khai thác được các giá trị văn hóa, lịch sử, tri thức bản địa để tạo nên các sản phẩm du lịch đặc thù, đặc trưng riêng có của tỉnh. Hệ thống doanh nghiệp du lịch được hình thành và mở rộng nhưng chưa có doanh nghiệp lữ hành đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh vươn đến các thị trường xa để thu hút khách. Công tác xúc tiến quảng bá, thông tin du lịch đã có nhiều cố gắng nhưng còn thụ động, chưa nhắm đúng thị trường mục tiêu và chưa có chiến lược thu hút rõ nét. Doanh thu từ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương và đóng góp còn thấp trong cơ cấu giá trị ngành dịch vụ…
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế của ngành Du lịch Ninh Bình, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ của các cấp, các ngành. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030 định hướng đến năm 2045; bảo tồn Di sản thế giới Tràng An gắn với phát triển du lịch, kế hoạch chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch giai đoạn 2023-2030.
Tập trung nguồn lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng (Tràng An, Bái Đính, Kênh Gà, Quảng trường Đinh Tiên Hoàng, Công viên Văn hóa Tràng An….) làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù mang thương hiệu riêng của tỉnh. Đầu tư xây dựng tuyến du lịch đường thủy kết nối thành phố Ninh Bình với Tràng An và Cố đô Hoa Lư. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới theo hướng gắn với công nghiệp văn hóa (phim trường, phục dựng kinh thành Hoa Lư…). Khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, phố đi bộ, chợ đêm tại các địa bàn du lịch trọng điểm; các dự án đầu tư xây dựng khách sạn từ 4-5 sao (đặc biệt là khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp), hệ thống nhà hàng đạt chuẩn, nhà hàng cao cấp phục vụ khách du lịch. Phát triển đa dạng hóa các sản phẩm du lịch như: du lịch văn hóa, tâm linh, thể thao, nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, du lịch nông nghiệp, các sản phẩm du lịch về đêm.
Quan tâm bảo tồn và khai thác các giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch. Ưu tiên triển khai nghiên cứu xây dựng hồ sơ đề cử trình UNESCO công nhận di tích Núi Non nước là di sản tư liệu của nhân loại. Nghiên cứu xây dựng đề cử di tích Quần thể nhà thờ đá Phát Diệm là di sản thế giới. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Bình trên các phương tiện thông tin đại chúng; gắn với các sự kiện văn hóa, lễ hội, hội chợ, hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến du lịch. Tổ chức các sự kiện để kích cầu thu hút khách du lịch; tổ chức xúc tiến du lịch qua các đoàn famtrip, presstrip, đoàn làm phim, các đoàn ngoại giao…
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Du lịch; tập trung, ưu tiên đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thực hiện chuyển đổi số du lịch để kết nối nhằm hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch và phuc vụ công tác quản lý; xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh để kết nối hạ tầng dịch vụ du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và cơ sở lưu trú du lịch. Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực du lịch, xác định điểm nghẽn và nhu cầu đào tạo. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch, trước mắt tập trung vào các nghề: lễ tân, buồng, bàn, bar….
Huy Hoàng-Ngọc Phong
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/du-lich-ninh-binh-but-pha-sau-hon-30-nam-tai-lap-tinh/d20241017214049803.htm