Tuyến đường Cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn sẽ được đầu tư mở rộng lên 6 làn xe thay vì quy mô 4 làn xe hạn chế như hiện nay nhằm tăng năng lực lưu thông.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án mở rộng đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cao Bồ-Mai Sơn.
Theo đó, dự án có tổng chiều dài 15,2km. Điểm đầu kết nối với đường Cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình thuộc địa phận xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Điểm cuối kết nối với dự án Cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 thuộc địa phận xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Tuyến đường Cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn sẽ được đầu tư mở rộng lên 6 làn xe thay vì quy mô 4 làn xe hạn chế như hiện nay. Bề rộng công trình cầu phù hợp với khổ nền đường.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là hơn 1.995 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương. Trong đó giai đoạn 2021-2025 dự kiến bố trí 1.200 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022. Giai đoạn 2026-2030 dự kiến bố trí hơn 795 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng lập kế hoạch thời gian thực hiện dự án chuẩn bị đầu tư năm 2023, hoàn thành năm 2027.
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn (dài khoảng 15,245km) thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được đầu tư theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe hạn chế 17m, một số đoạn đường đầu cầu, công trình cầu và hầm chui dân sinh được mở rộng với 32,25m, giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch 6 làn xe.
Dự án Cao Bồ-Mai Sơn có tổng mức đầu tư 1.607 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội. Giai đoạn hoàn chỉnh dự án sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe, vận tốc 120km/giờ.
Đoạn cao tốc này được đưa vào khai thác từ tháng 2/2022. Sau khi đưa vào khai thác, đoạn Cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn 4 làn xe hạn chế (nền đường rộng 17m, mặt đường rộng 16m, không có làn dừng xe khẩn cấp liên tục) đã bộc lộ nhiều bất cập, thường xảy ra tắc nghẽn vào dịp lễ, Tết, mùa du lịch.
Giải đáp vì sao phải phân kỳ đầu tư cao tốc, tại phiên trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội khóa XV vào chiều 6/11 vừa qua, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc trong bối cảnh nguồn lực có hạn là khó khả thi. Thực tế, nhiều nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia… và một số quốc gia châu Âu đều phải phân kỳ đầu tư với cao tốc.
Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của các nước, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để thực hiện phân kỳ đầu tư theo bốn nguyên tắc để đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh nguồn lực có hạn, nhưng tạo được tiền đề, thuận lợi cho giai đoạn sau, khi có điều kiện nâng cấp.
Nguyên tắc ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh với các đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn và chỉ phân kỳ đầu tư bề rộng mặt cắt nền đường. Các hạng mục kỹ thuật, giải phóng mặt bằng thì chỉ làm một lần. Có nhiều đoạn tuyến đã đầu tư hoàn chỉnh như Hà Nội-Hải Phòng, Bến Lức-Long Thành, Phan Thiết-Dầu Giây…
Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với các bộ ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch nâng cấp các cao tốc 2 làn xe trong thời gian tới, dựa trên thực tế lưu lượng xe và khả năng của ngân sách.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải Ninh Bình đã có văn bản đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xem xét đầu tư xây dựng mở rộng tuyến cao tốc Bắc-Nam đoạn Cao Bồ-Mai Sơn theo quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
Cụ thể, tuyến chính sẽ được mở rộng thêm 15,75m nền đường, đảm bảo quy mô bề rộng nền đường 32,75m; bề rộng mặt đường là 22,5m. Cùng đó, 4 vị trí công trình cầu sẽ đầu tư bổ sung thêm một đơn nguyên gồm cầu Cao Bồ, cầu Cẩm, cầu vượt Quốc lộ 10, cầu Quán Vinh.
(Vietnam+)