Chiều 12/9, Đoàn công tác của đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã về kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ gây ra tại tỉnh Ninh Bình.
Cùng đi có đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Làm việc với đoàn có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh.
Đoàn đã đi kiểm tra công tác ứng trực sẵn sàng vận hành tràn Lạc Khoái, xã Gia Lạc; Trạm bơm Gia Viễn (huyện Gia Viễn); thăm, tặng quà các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa bão, các hộ dân bị ngập lụt tại thôn Kênh Gà.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Phạm Quang Ngọc đã báo cáo sơ bộ về tình hình địa hình, thủy văn của tỉnh, diễn biến lũ trên sông Hoàng Long, sông Đáy, các điểm xung yếu, các khu dân cư thường xuyên chịu áp lực xả lũ. Quy trình thực hiện vận hành xả tràn Lạc Khoái, Đức Long-Gia Tường thuộc đê hữu sông Hoàng Long.
Đối với cơn bão số 3, tỉnh Ninh Bình đã tập trung triển khai đồng bộ, kịp thời các phương án ứng phó với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Công tác thông tin, tuyên truyền được quan tâm chỉ đạo để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân chủ động có các biện pháp ứng phó.
Tuy nhiên, bão số 3 không ảnh hưởng trực tiếp trên địa bàn tỉnh, chưa gây thiệt hại về tính mạng cho người dân, tài sản cơ bản đảm bảo, không có thiệt hại lớn, chủ yếu là một số ít tài sản, cây cối, hoa màu. Một số khu dân cư bị ngập úng, tuy nhiên chủ yếu là vùng trũng thấp, ngoài đê, người dân đã thích nghi với cuộc sống ở vùng sông nước.
Về tình hình lũ trên các sông, những ngày qua, do ảnh hưởng của bão số 3 và dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp (suy yếu từ bão số 3) trên địa bàn tỉnh có mưa to và rất to, lượng mưa đo được từ ngày 5/9 đến 12/9 là trên dưới 400 mm. Bên cạnh đó, tại Bắc Bộ cũng liên tiếp xảy ra mưa rất lớn, mực nước trên sông Hoàng Long và sông Đáy liên tục trên mức báo động 3. Dự báo vào 19 h ngày 12/9 mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế có khả năng lên mức 5,3m.
Trước diễn biến phức tạp và mức độ nguy hiểm của nước lũ trên các sông, tỉnh đã có các phương án cụ thể để ứng phó; trong đó, sẵn sàng vận hành xả tràn nếu như mực nước tiếp tục dâng cao. Tuy nhiên, tỉnh cũng sẽ cố gắng đến mức cao nhất, theo dõi sát tình hình thực tiễn để quyết định phương án phù hợp, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nhưng cũng đảm bảo tuyệt đối an toàn cho tuyến đê.
Nhân dịp này, đồng chí cũng thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh kiến nghị Trung ương có dự án đầu tư nâng cấp tuyến đê Hoàng Long lên cao trình 6.0m, đồng thời xóa bỏ vùng phân lũ, chậm lũ trên địa bàn tỉnh; đảm bảo đời sống ổn định cho gần 25.000 hộ dân (khoảng 100 nghìn nhân khẩu), đồng thời tạo điều kiện cho tỉnh sử dụng, phát huy giá trị khoảng gần 15.000ha phục vụ phát triển kinh tế – xã hội theo hướng nhanh, bền vững. Cùng với đó, có chính sách chung hoặc giao cho tỉnh ban hành chính sách để thực hiện di dời các hộ dân thường xuyên bị ngập lụt, nhất là trong vùng di sản.
Chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Ninh Bình cũng như nhiều địa phương phía Bắc khác đang chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, lũ lụt, đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, Bộ Chính trị đánh giá cao tinh thần, sự chủ động của tỉnh trong việc ứng phó với thiên tai, bão lũ.
Nhấn mạnh việc đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu tỉnh tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, đảm bảo tốt công tác “4 tại chỗ”.
Thường xuyên liên hệ, tham vấn Bộ Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường để đưa ra quyết định xử trí phù hợp nhất, vừa đảm bảo an toàn tính mạng của người dân, vừa đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều. Trước mắt, kiên quyết di dời những hộ dân sống trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Bên cạnh đó cần đặc biệt quan tâm đến các đối tượng yếu thế, người già, trẻ em, vấn đề y tế, an toàn dịch bệnh trong mưa lũ. Về các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, đồng chí ghi nhận và sẽ báo cáo với Chính phủ cho ý kiến.
Song Nguyễn – Nhật Phương – Trường Giang
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/dong-chi-truong-ban-to-chuc-trung-uong-le-minh-hung-kiem-tra/d20240912163522757.htm