Sau thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hiệu quả, Hội thảo “Phát triển các sản phẩm cho thị trường quà lưu niệm, quà tặng du lịch mang tính chuyên nghiệp, độc đáo, bản sắc địa phương miền Cố đô” đã nhận được hơn 20 ý kiến tham luận tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn với nhiều ý tưởng, sáng kiến hay, có giá trị cả về mặt khoa học và thực tiễn.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham luận của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Đồng chí khẳng định: Các tham luận đã làm sâu sắc hơn các vấn đề, nội dung đã đặt ra như: thực trạng thị trường sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch của Ninh Bình, đề xuất giải pháp để Ninh Bình phát triển thị trường này trong thời gian tới. Thông qua những ý kiến chia sẻ đã gợi mở cho Ninh Bình những định hướng, chương trình, kế hoạch trong thời gian tới. Đồng thời làm sâu sắc hơn những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất, con người Ninh Bình, tiếp tục bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An.
Trao đổi về những định định hướng, chiến lược của Ninh Bình trong phát triển kinh tế, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trong những năm qua, Ninh Bình luôn xác định mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và quốc gia. Định hướng này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng hợp lý, 90% cơ cấu kinh tế là công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Như vậy, dịch vụ, du lịch chiếm một vị trí quan trọng, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, tạo cho Ninh Bình có một môi trường sống bình yên, nhân dân có việc làm, đời sống ấm no. Thu nhập bình quân đầu người của người dân Ninh Bình năm 2022 đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố; là một trong 16 tỉnh của cả nước tự cân đối ngân sách và điều tiết về Trung ương.
Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh mẽ, du lịch của tỉnh tiếp tục tăng trưởng hai con số, năm 2022 là 15,15%; năm 2023 là 13,23%. Những kết quả trên đã khẳng định định hướng, chiến lược đúng đắn của Ninh Bình trong việc phát huy vai trò của ngành dịch vụ, du lịch.
Mục tiêu lớn trong thời gian tới của tỉnh Ninh Bình đó là: Phát huy mọi tiềm năng lợi thế, nguồn lực, động lực để đưa tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững, đến năm 2030 là tỉnh khá và cơ bản đạt các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương theo tính chất đô thị Di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; trung tâm du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản gắn với những dịch vụ đặc sắc, thương hiệu mang tầm quốc gia và quốc tế.
Ninh Bình cũng xác định, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng đó là phát triển các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm chất lượng, chuyên nghiệp, độc đáo, mang bản sắc riêng của vùng Cố đô nhằm khẳng định và lan tỏa những giá trị văn hóa dân tộc, tăng thêm dịch vụ và chi tiêu của khách tại Ninh Bình. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn, bằng những giải pháp phát triển sản phẩm quà tặng du lịch Ninh Bình cùng sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, các đơn vị sản xuất, kinh doanh quà tặng, các nhà thiết kế, sự phối hợp chặt chẽ giữa các làng nghề, điểm đến du lịch và doanh nghiệp lữ hành sẽ tạo ra những sản phẩm quà tặng độc đáo, mới lạ, tinh tế, phù hợp với đặc trưng điểm đến và mang dấu ấn của vùng Cố đô.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Trên cơ sở kết quả Hội thảo, các cấp, các ngành và đơn vị liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch phát triển thị trường các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch; nghiên cứu đề xuất tổ chức các cuộc thi sáng tác mẫu sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm; nghiên cứu bổ sung một số chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, nghệ nhân trong việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm mang giá trị và dấu ấn văn hóa, lịch sử, thủ công truyền thống để khuyến khích phát triển du lịch.
Nguyễn Thơm- Minh Hải- Anh Tuấn
⇒ Hội thảo phát triển các sản phẩm cho thị trường quà tặng, quà lưu niệm du lịch mang tính chuyên nghiệp, độc đáo, bản sắc địa phương miền Cố đô
⇒ Hội thảo phiên thứ nhất: Đánh giá thực trạng thị trường sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch của Ninh Bình
⇒ Hội thảo phiên thứ hai: “Giải pháp nghiên cứu, thiết kế mẫu sản xuất, phát triển các sản phẩm quà tặng du lịch Ninh Bình và cơ chế, chính sách thúc đẩy”