* Tại huyện Yên Khánh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và Đoàn đã kiểm tra tuyến đê Hữu Đáy đoạn qua địa bàn xã Khánh Phú. Hiện bị xói lở do dòng chảy áp sát chân đê. Trước mắt, huyện Yên Khánh đã xây dựng phương án bảo vệ; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực để sẵn sàng ứng phó đảm bảo an toàn cho đê điều. Về lâu dài, huyện đề nghị tỉnh quan tâm bố trí kinh phí đầu tư, nâng cấp tuyến đê để đáp ứng yêu cầu trong công tác PCTT.
Đoàn đã đến kiểm tra tình hình thi công Trạm bơm Cống Cái, xã Khánh Phú. Đến nay, nhà thầu đã thi công đạt khoảng 80% khối lượng, gồm các hạng mục: Bể hút, bể xả, cống xả. Hiện phần nhà trạm đang trong quá trình hoàn thiện và đợi lắp đặt máy bơm. Tuyến kênh T1 đang nạo vét bùn, đào bóc phong hóa và phần kè lát mái khoảng 1.700 m, đang triển khai thi công các cống trên tuyến. Tuyến kênh T2 đang đào bóc phong hóa và nạo vét, phần kè lát mái khoảng 1.450 m.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và Đoàn cũng đã tới kiểm tra tại Cống Đọ. Công trình được xây dựng năm 1982, hiện đã xuống cấp; nhiều vị trí bị vỡ, lở, rò qua thân cống; mái kè thượng, hạ lưu cống bị sụt lún, sạt lở; bê tông dàn van bị nổ, khi vận hành rung lắc; kết cấu bê tông mặt cống kết hợp làm đường giao thông rất mỏng và yếu không đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông qua cống cũng như công nhân vận hành cống.
Qua kiểm tra nắm bắt tình hình một số công trình cấp bách, trọng điểm và nghe lãnh đạo huyện Yên Khánh báo cáo phương án PCTT năm 2024, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đánh giá cao sự chủ động của địa phương trong xây dựng kế hoạch từ sớm, đây chính là nền tảng để huyện chủ động phòng chống, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Đồng chí nhấn mạnh: Những năm qua, Trung ương, tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ bản các công trình đê điều, kè, cống, trạm bơm trên địa bàn, đáp ứng ngày càng tốt hơn năng lực, sự chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, đồng chí mong muốn, huyện tiếp tục tổng kiểm tra, rà soát các công trình xung yếu có nguy cơ sạt lở, vận hành không an toàn, kịp thời xây dựng phương án xử lý, khắc phục, sửa chữa, đáp ứng yêu cầu cấp bách trong PCTT.
Riêng đối với Trạm bơm Cống Cái và một số công trình thủy lợi đang triển khai thi công trên địa bàn, đồng chí đề nghị huyện phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, tạo điều kiện cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, thi công đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh sớm xây dựng quy chế phối hợp, nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý, vận hành Trạm bơm đáp ứng yêu cầu PCTT cũng như xử lý nước thải cho KCN. Mặt khác, sẵn sàng phương án “4 tại chỗ”, nhất là phương án cứu nạn, đảm bảo sự chủ động về nhân lực, trang thiết bị ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra.
* Tại huyện Kim Sơn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và Đoàn công tác đã kiểm tra một số công trình PCTT, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn như: tuyến đê biển Bình Minh 4 giai đoạn 1, nghe phương án tuyến, quy mô đầu tư giai đoạn 2; đê biển Bình Minh 3 (đoạn từ K12+475 / K13+075); Trung tâm chỉ huy huy động nhân lực, tàu thuyền tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo và cứu hộ, cứu nạn Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình tại Cồn Nổi.
Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, tuyến đê biển Bình Minh 4 được đầu tư giai đoạn 2016-2020 dài 6,3 km có cao trình thiết kế +5,6m mặt rộng 6,5m, đến nay đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang xây dựng phương án xây dựng mới tuyến đê biển nối tiếp và đồng bộ với tuyến đê Bình Minh 4 (giai đoạn I) đến đê biển Bình Minh 3 theo tuyến ra Cồn Nổi với chiều dài khoảng 1,7 km và nâng cấp cứng hóa mặt đê Bình Minh 4 giai đoạn I với tổng chiều dài khoảng 6,3 km.
Đối với tuyến đê biển Bình Minh 3, đoạn từ K12+475 / K13+075 trên địa phận xã Kim Hải, hiện trạng khoảng 600 m mặt đê xuất hiện vết nứt dọc, làm ảnh hưởng đến an toàn của tuyến đê. Đây là tuyến đê trực biển, chịu ảnh hưởng trực tiếp của sóng biển khi có bão, áp thấp nhiệt đới, vì vậy cần được đầu tư khắc phục xử lý sớm.
Trước mắt, UBND huyện Kim Sơn đã xây dựng phương án bảo vệ và chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực để sẵn sàng ứng phó đảm bảo an toàn tuyến đê. Về lâu dài, cần bố trí kinh phí để xử lý vết nứt bằng giải pháp: Phá dỡ bê tông mặt đê, đào bạt thân đê đoạn sự cố; lu lèn lại thân đê, khoan phụt vữa gia cố thân đê và hoàn thiện mặt đê; trồng cỏ kết hợp kè gia cố chân đê và mái đê phía đồng.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã báo cáo với Đoàn kiểm tra về tiến độ xây dựng Trung tâm chỉ huy huy động nhân lực, tàu thuyền tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo và cứu hộ, cứu nạn Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình tại Cồn Nổi.
Theo đó, đến nay công trình đã hoàn thành thi công các hạng mục cơ bản, ước tính đạt hơn 90% khối lượng thi công theo Quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Dự kiến sẽ thi công hoàn thành dự án trong quý 3 năm 2024. Quá trình thi công đảm bảo đạt yêu cầu về chất lượng, kỹ, mỹ thuật, tiến độ, theo đúng quy trình, luật định hiện hành.
Để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, làm việc khi đưa dự án trên vào sử dụng và thực hiện tốt cho các nhiệm vụ đột xuất, đơn vị đề nghị cần bổ sung các hạng mục hiện nay chưa có, như: đường vào khu trung tâm chỉ huy, cổng, tường rào bao quanh; nước giếng khoan và các hệ thống thiết bị trong nhà chỉ huy. Đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét cho chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng các hạng mục phụ trợ và lắp đặt thiết bị Trung tâm chỉ huy huy động nhân lực tàu thuyền tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo và cứu hộ, cứu nạn Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Ninh Bình.
Tại buổi làm việc, Đoàn cũng nghe lãnh đạo huyện Kim Sơn báo cáo về công tác rà soát, kiểm tra của huyện đối với các công trình PCTT trên địa bàn, phương án “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với các tình huống thời tiết cực đoan trong năm 2024.
Qua kiểm tra thực tế và nghe báo cáo của các cơ quan liên quan, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động, bài bản, sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện Kim Sơn và các đơn vị hiệp đồng trong công tác chuẩn bị ứng phó với các tình huống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Đồng chí nêu rõ, Kim Sơn là địa bàn thường xuyên phải chịu tác động bởi các điều kiện thời tiết cực đoan như: bão, lụt, nước biển dâng…, vì vậy, tỉnh đã tập trung nguồn vốn xây dựng đồng bộ, kiên cố các công trình đa mục tiêu vừa đảm bảo an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai, vừa phục vụ giao thông đi lại và phát triển kinh tế – xã hội. Do vậy, huyện cần chú trọng công tác kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, khai thác phát huy hiệu quả các công trình sau đầu tư để phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế thủy sản, đóng góp vào sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình.
Để chuẩn bị cho mùa mưa bão năm nay, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Kim Sơn phối hợp với các đơn vị quân đội trên địa bàn kiểm tra các điểm xung yếu, trên tinh thần “phòng đi trước”. Nghiên cứu và đề xuất các phương án xử lý các điểm xung yếu đảm bảo tính dài hạn, bền vững và hiệu quả. Đối với các công trình đang thi công, chủ đầu tư và địa phương phải bám sát nhà thầu để theo dõi, chỉ đạo công tác thi công theo đúng thiết kế, yêu cầu về kỹ, mỹ thuật và an toàn trong mùa mưa bão.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý huyện Kim Sơn và các đơn vị hiệp đồng cần thực hiện nghiêm túc các phương án PCTT đã đề ra, bao gồm lực lượng, trang thiết bị, phương án di dân khi cần thiết. Đảm bảo việc xử lý các tình huống phải an toàn, chính xác, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Nguyễn Thơm-Anh Tuấn-Hoàng Hiệp