Những ngày tháng Tám, chúng tôi về xã Yên Mỹ (huyện Yên Mô) – là nơi Chi bộ Đảng thứ hai, cái nôi của phong trào cách mạng tỉnh Ninh Bình được thành lập (Chi bộ Côi Trì), nơi đây đang hiện hữu một “bức tranh” xã nông thôn mới khang trang, sạch đẹp, giàu mạnh, minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ, phát triển của một vùng đất gian khó năm nào.
Xã Yên Mỹ trước đây là làng Côi Trì, quê hương của người chiến sĩ cách mạng ưu tú Tạ Uyên – Bí thư Chi bộ Côi Trì, sau này ông là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Người chiến sĩ cộng sản kiên trung Tạ Uyên đã hy sinh trong Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Với truyền thống cách mạng quê hương, phong trào cách mạng ở Yên Mỹ phát triển mạnh mẽ.
Nhớ lại khí thế của những ngày cách mạng và sự đổi thay của quê hương hôm nay, ông Tạ Xuân Biền, 92 tuổi, năm nay đã gần 70 năm tuổi Đảng, nguyên là Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ hơn 20 năm và tham gia nhiều cương vị công tác của các Hội, MTTQ xã cho biết: Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân đói khổ, nghèo nàn. Trong không khí sôi sục của những ngày khởi nghĩa, thực hiện Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh toàn dân cả nước đứng dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, các đoàn thể cứu quốc, tự vệ chiến đấu, quần chúng nhân dân xã Yên Mỹ tay cầm gậy guộc, giáo mác, cờ đỏ sao vàng hòa cùng đoàn quân cách mạng của địa phương kéo về Quảng Phúc (trung tâm huyện lỵ Yên Mô bấy giờ) tham gia khởi nghĩa giành chính quyền.
Từ khi giành được chính quyền, nhân dân Yên Mỹ tự hào với truyền thống quê hương, tích cực lao động sản xuất, phát triển quê hương đổi thay theo từng năm, từng giai đoạn. Người dân Yên Mỹ kiên cường trong kháng chiến, cần cù sáng tạo trong công cuộc đổi mới.
Trong quá trình xây dựng xã đạt tiêu chí NTM nâng cao, xã Yên Mỹ thực hiện dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng đấu giá giá trị quyền sử dụng đất” có khoảng 10,4 ha với 57 hộ trong diện thu hồi đất, với tổng số tiền dự án trên 89 tỷ đồng. Bằng sự thống nhất, đồng lòng, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, xã Yên Mỹ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo tiến độ thực hiện giai đoạn 2021-2024, cơ bản hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ cho những hộ dân có đất nằm trong dự án. Kỳ vọng dự án hoàn thành góp phần giải quyết vấn đề về nhà ở, ổn định cuộc sống cho nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Ông Phạm Mạnh Toàn, xóm trưởng xóm 6, xã Yên Mỹ cho biết: Xóm 6 là xóm có số hộ diện thu hồi đất nhiều với 44 hộ trong dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng đấu giá giá trị quyền sử dụng đất” xã Yên Mỹ. Xác định việc thực hiện dự án là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên ban đầu gặp khó khăn khi xóm có 63% lao động làm nông nghiệp, nên khi thu hồi đất người dân lo ngại không có ruộng canh tác, không có việc làm, thu nhập…
Tuy nhiên, khi có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã tới xóm, tuyên truyền qua hội nghị, phổ biến dự án của cơ quan chuyên môn cấp trên, đưa ra các cơ chế chính sách hỗ trợ tiền, gạo, việc làm, gợi mở đầu tư, tạo nguồn đất cho người dân sản xuất lương thực, giúp nhân dân hiểu và đồng thuận, nhận bồi thường, hỗ trợ từ dự án nhanh gọn.
Năm 2002, xã Yên Mỹ được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và năm 2019 đạt xã nông thôn mới. Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Yên Mỹ đã giành được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Đồng chí Tạ Văn Thoan, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Yên Mỹ nhiệm kỳ 2020-2025, xác định mục tiêu phát triển kinh tế trên địa bàn xã là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo đời sống vật chất cho nhân dân ngày càng được cải thiện. Xã Yên Mỹ đã thực hiện việc chuyển đổi mô hình canh tác truyền thống sang mô hình kinh tế nuôi trồng thủy sản kết hợp cấy lúa, nông nghiệp hữu cơ, hướng tới mô hình nông nghiệp hiện đại nhà lưới, mô hình kinh tế theo chuỗi liên kết giá trị sản xuất.
Tổng giá trị lương thực có hạt 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 1.885 tấn, đạt 57% kế hoạch; giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác đạt 64,04 triệu đồng, tăng 1,53 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, xã quan tâm quy hoạch vùng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển làng nghề mộc truyền thống, tạo việc làm, hướng tới phát triển du lịch.
Hiện toàn xã có 6 doanh nghiệp, 435 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 17,5 tỷ đồng, tăng 1,5 tỷ đồng so với cùng kỳ, đạt 65% kế hoạch năm. Công tác xây dựng nông thôn mới được duy trì và phát triển.
Năm 2023, tập trung rà soát các tiêu chí theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ. Đẩy mạnh thực hiện kế hoạch nâng cấp, xây dựng bê tông hóa đường trục xóm, đường dong xóm, đã tiếp nhận xi măng và thi công đường bê tông gần 1km đường cho 3 xóm; tiếp tục hoàn thiện các hạng mục công trình điểm trường mầm non khu xóm 2; triển khai thực hiện từng bước dự án nước sạch nông thôn trên 12 đơn vị xóm.
Cùng với đó, công tác văn hóa- xã hội, giáo dục của xã đạt nhiều thành tích cao tại các cuộc thi, giao lưu văn hóa, văn nghệ, TDTT, các kỳ thi, cuộc thi học sinh giỏi các cấp. Năm học 2022- 2023, có 100% học sinh tiểu học hoàn thành chương trình lớp học; 100% học sinh lớp 9 được công nhận tốt nghiệp THCS; học sinh THCS đạt loại giỏi chiếm trên 24%, không có học sinh kém.
Toàn xã có trên 88% gia đình văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo còn 3,2%, giảm 0,99% so với năm 2021 (theo tiêu chí đa chiều).
Bài, ảnh: Tiến Minh