Công tác kiểm tra, giám sát là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, bảo đảm cho mục tiêu, lý tưởng, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Xác định vai trò đặc biệt quan trọng của công tác này, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng.
Năm 2023, cấp ủy các cấp trong Đảng bộ tỉnh đã kiểm tra 734 tổ chức đảng và 381 đảng viên, giám sát chuyên đề 334 tổ chức đảng và 549 đảng viên. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy triển khai thực hiện và hoàn thành có chất lượng một số việc mới, việc khó, việc chưa có trong tiền lệ. Từ đó đã lan tỏa, định hướng, tác động đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của UBKT các cấp.
Trong năm 2023, UBKT các cấp trong Đảng bộ tỉnh đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 280 tổ chức đảng và 454 đảng viên; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng đối với 278 tổ chức đảng; thực hiện 315 cuộc kiểm tra tài chính Đảng. Công tác thi hành kỷ luật đảng viên và tổ chức đảng được thực hiện nghiêm minh, hình thức kỷ luật tương xứng với nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, không có khiếu nại kỷ luật Đảng. Các tổ chức đảng có thẩm quyền trong Đảng bộ tỉnh đã thi hành kỷ luật 3 tổ chức đảng (cảnh cáo 1, khiển trách 2) và 291 đảng viên (cảnh cáo 57, khiển trách 182, cách chức 1, khai trừ 51).
Những kết quả của Ngành Kiểm tra Đảng bộ tỉnh đã góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tập trung phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội đảng các cấp đã đề ra.
Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, công tác kiểm tra, giám sát vẫn còn một số những khó khăn, hạn chế. Đó là một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy chưa coi trọng đúng mức công tác kiểm tra, giám sát; chưa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Việc xác định đối tượng, nội dung kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn dàn trải, hình thức, chưa thực sự đi vào các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực (như công tác cán bộ, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, mua sắm tài sản công, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo…). Vẫn còn tổ chức đảng thiếu bản lĩnh, chưa mạnh mẽ trong đấu tranh phê bình và tự phê bình đối với cán bộ, đảng viên có sai phạm. Việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý vi phạm trong nội bộ còn hạn chế; có những khuyết điểm, sai phạm của tổ chức đảng, đảng viên chậm được phát hiện, xử lý…
Năm 2024 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc để về đích, năm có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Chủ trương của Đảng là tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của toàn Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII cũng xác định tiếp tục “đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng”.
Do vậy, để thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thời gian tới, cấp ủy, tổ chức đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp trong Đảng bộ tỉnh cần đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm hiệu quả, thực chất. Trong đó, tập trung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, nội bộ mất đoàn kết, dư luận xã hội quan tâm, nhất là dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”. Có thể thấy, nhiệm vụ của công tác kiểm tra, giám sát không chỉ là phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương của Đảng mà còn nhằm phát hiện những “điểm nghẽn”, những “nút thắt” về cơ chế, chính sách để đề xuất, kiến nghị các chủ trương, giải pháp hoàn thiện, thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ. Do đó, mỗi cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cần cụ thể hóa vào tình hình, hoàn cảnh thực tế của địa phương, đơn vị mình để có định hướng về các nội dung, lĩnh vực, địa bàn cần tập trung kiểm tra, giám sát phù hợp, khả thi, coi trọng tự kiểm tra, thường xuyên theo dõi, phát hiện, kiểm tra kịp thời tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.
Tiếp tục tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, cần có lộ trình trong đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ làm công tác kiểm tra theo Kết luận số 23-KL/TW ngày 10/12/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ kiểm tra các cấp sang công tác ở các ngành, các cấp và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp về làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là việc thông báo công khai kết quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó góp phần cảnh báo, nhắc nhở, chấn chỉnh, răn đe, giáo dục tổ chức đảng, đảng viên, tạo sức lan tỏa, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Minh Ngọc