Những ngôi nhà mái bổi được làm từ cây cói với kiến trúc độc đáo, giản dị nhưng gần gũi, như lưu giữ nét văn hóa riêng có của đất và người vùng biển Kim Sơn những thập niên trước.
Gắn bó với ngôi nhà mái bổi từ thời thơ ấu đến nay, với anh Vũ Văn Phi, xóm 7A, xã Lai Thành luôn coi ngôi nhà mái bổi như “báu vật” của gia đình.
Anh Vũ Văn Phi chia sẻ: Ngôi nhà mái bổi của gia đình đã trải qua 5 đời cha ông, có tuổi đời, 160 năm nay. Nhà mái bổi được lợp bằng cây cói-cây trồng đặc trưng của vùng đất mặn, lợ ven biển. Cây cói lợp mái nhà được chọn những cây cói thân to, ngắn được phân loại sau khi thu hoạch (những cây cói dài thân nhỏ, nuột, dài hơn mét rưỡi, mét sáu dùng để dệt chiếu). Cói được phơi khô trên bờ bãi rồi đem về dùng để lợp mái nhà.
Ngôi nhà rộng với kiến trúc từ kèo cột, đến khung nhà được làm từ những cây gỗ to nguyên khối vô cùng chắc chắn được chạm khắc tinh xảo với hoa văn cộng với mái bổi được lợp dày từ 70cm đến 1m, rất ấm mùa đông, mát mẻ trong mùa hè. Nóc mái nhà có những ụ cói nhỏ được bện chặt vào xà nhà để giữ chặt mái, vừa để đảm bảo an toàn mỗi khi gió bão và cũng là để trang trí cho ngôi nhà.
Ngôi nhà không chỉ lưu giữ những kỷ niệm thời thơ ấu của tôi cùng gia đình mà chất chứa cả nếp sống, nét văn hóa thôn quê của người Việt. Hàng năm vào ngày lễ, Tết, con cháu về sum vầy dưới ngôi nhà rất vui vẻ, ấm cúng, nên tôi luôn chăm chút, lưu giữ ngôi nhà mái bổi cho con cháu sau này.
Ngôi nhà mái bổi ảnh hưởng bởi thời tiết nắng mưa, heo may hàng năm sẽ rụng xuống và xoăn lớp cói trên cùng mái nên phải thuê thợ về dặm, chải mái; sau 3 năm tu sửa nóc nhà và khoảng 20-30 năm phải dỡ ra lợp lại toàn bộ mái. Chi phí mỗi lần tu sửa khá đắt đỏ mất hàng trăm triệu đồng (bởi giá cói đắt do ít người trồng và thợ lợp mái bổi không có nhiều nên công thợ rất cao). Do đó, không còn nhiều gia đình lưu giữ nếp nhà mái bổi mà thay thế bằng những ngôi nhà mái bằng theo xu thế phát triển nhà ở đô thị, nông thôn mới hiện nay.
Ông Bùi Đình Hài, 93 tuổi, xóm 13, xã Lai Thành cho biết: Ngôi nhà mái bổi được tôi cất nóc hơn 50 năm nay. Trước kia, tôi chọn lợp nhà mái bổi bởi muốn dựng nếp nhà từ sản phẩm cói truyền thống của quê hương, từ đó lưu giữ nét văn hóa của vùng đất Kim Sơn cho thế hệ con cháu sau này. Trung bình mỗi ngôi nhà mái bổi có tuổi thọ khoảng trên 50 năm nếu được thường xuyên cạo sạch lớp mùn, cát trên mái, phòng chống chuột cắn. Tuy nhiên, ngôi nhà mái bổi thường chi phí bảo trì cao nên việc giữ mái nhà rất khó khăn với người cao tuổi như tôi. Do đó, tôi luôn dặn dò con cháu chăm lo phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện kinh tế tốt để nỗ lực gìn giữ ngôi nhà mái bổi làm kỷ niệm cho muôn đời sau.
Những ngôi nhà mái bổi được xây dựng kiến trúc chính gồm 3 gian (dùng làm phòng khách và nơi sinh hoạt chung của gia đình), 2 chái lồi ra bên ngoài làm buồng ngủ hay cất giữ những thứ quan trọng của gia đình. Những ngôi nhà mái bổi có kiến trúc tương đồng với nhà mái ngói. Quá trình tồn tại gắn bó với đời sống, sinh hoạt của người dân, nhà mái bổi đã vượt lên công dụng che mưa, che nắng, trở thành nét văn hóa đặc sắc của cư dân vùng biển.
Chị Nguyễn Thị Hồng, công chức văn hóa-thông tin xã Lai Thành cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã Lai Thành không còn nhiều nhà mái bổi. Đây không chỉ là kiểu nhà đặc trưng, là hiện thân “vàng son” của một thời đã xa của Nhân dân vùng biển. Do đó, để bảo tồn nét đặc sắc văn hóa của ngôi nhà mái bổi, xã Lai Thành đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho Nhân dân lưu giữ những ngôi nhà mái bổi gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Huyện Kim Sơn là địa phương ven biển duy nhất của tỉnh. Nơi đây nổi tiếng với nghề thủ công mỹ nghệ về cây cói, cũng chính vì thế ở nơi đây một thời đa số các nhà dân đều được lợp mái bằng thân cây cói, thay vì lợp bằng rơm rạ như nhiều nơi khác.
Theo đại diện lãnh đạo Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kim Sơn: Hiện huyện Kim Sơn còn khoảng 10 nhà mái bổi, tập trung chủ yếu ở xã Lai Thành, Đồng Hướng, Kim Mỹ. Những ngôi nhà mái bổi còn lại tại các vùng quê ven biển là dấu ấn của phong tục tập quán sinh hoạt của cư dân ven biển cần được bảo tồn, lưu giữ để đọng lại trong tâm thức những người con xa quê một nét hồn quê sâu lắng mà còn là sản phẩm du lịch mang tính riêng biệt, nếu được khai thác tốt sẽ trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch trên mảnh đất vùng biển Kim Sơn.
Bài, ảnh: Phương Anh