Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch, thành viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh và huyện Kim Sơn.
Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành bám sát thực tế, đề ra những biện pháp tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác thi đua, khen thưởng.
Công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh đã có nhiều đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua và công tác khen thưởng.
Các phong trào thi đua yêu nước được triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; nội dung thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị; hình thức tổ chức phát động phong phú, đã động viên, thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tham gia và đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Công tác khen thưởng đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, đã chú trọng khen thưởng các tập thể nhỏ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh và khen thưởng đột xuất cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.
Giai đoạn từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/5/2024, UBND tỉnh đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng cho 39 tập thể, 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước; UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng danh hiệu “Cờ thi đua của UBND tỉnh” cho 181 tập thể; tặng danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” cho 299 tập thể; tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh” cho 19 cá nhân; tặng Bằng khen cho 1.242 tập thể, 2.218 cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua của tỉnh (trong đó có 1.478 cá nhân là người trực tiếp lao động, sản xuất, chiếm 66,6%).
Quỹ thi đua, khen thưởng của tỉnh được trích lập, quản lý, sử dụng đúng quy định của pháp luật; đáp ứng đầy đủ, kịp thời việc chi thực hiện các nhiệm vụ về công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh.
Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, đã kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng và có giải pháp chỉ đạo khắc phục nhanh chóng, hiệu quả.
Để công tác thi đua, khen thưởng ngày càng hiệu quả, tỉnh Ninh Bình đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định quy định về đánh giá xếp loại hàng năm đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước theo phân cấp để đảm bảo sự thống nhất trong triển khai thực hiện, làm căn cứ xét tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo Luật Thi đua, khen thưởng.
Đồng thời, đề nghị Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương tiếp tục tăng cường công tác hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn, bồi dưỡng về công tác thi đua, khen thưởng, đặc biệt là hướng dẫn việc tổ chức, sắp xếp, kiện toàn lại các cụm, khối thi đua của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đảm bảo theo quy định hiện hành, phù hợp tình hình thực tiễn.
Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn kiểm tra và lãnh đạo tỉnh, thành viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh đã trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung về: Triển khai thực hiện phong trào thi “cả nước thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước từ nay đến năm 2025”; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; những khó khăn, vướng mắc trong triển khai công tác thi đua, khen thưởng; việc phát động các phong trào thi đua, phát hiện các mô hình, điển hình tiên tiến ở các ngành, lĩnh vực…
Trao đổi, làm rõ thêm những kinh nghiệm của Ninh Bình trong thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình luôn xác định công tác thi đua, khen thưởng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và được đưa vào chương trình công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn khóa và hằng năm.
Hằng năm Ban Thường vụ Tỉnh ủy tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh quyết định 1 chủ đề công tác năm và đây cũng chính là phong trào thi đua trong toàn tỉnh. Các nhiệm vụ trọng tâm công tác thi đua, các hoạt động, phong trào thi đua của nhiệm kỳ, giai đoạn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng thành kế hoạch.
Công tác quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng được tỉnh quan tâm. Các cơ quan quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng đã nâng cao trách nhiệm, chủ động tham mưu, tăng cường kiểm tra, thanh tra; bố trí cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng ở các cấp có năng lực, hiểu biết, tư duy, có khả năng đánh giá, có kiến thức tổng hợp, tham mưu thực hiện phong trào.
Bên cạnh đó, các phong trào thi đua lớn của Chính phủ, Trung ương luôn được tỉnh cụ thể hóa bằng các phong trào, việc làm cụ thể, phù hợp với tình hình của địa phương.
Việc phát động phong trào thi đua luôn đi cùng với việc bố trí nguồn lực, chính sách đi kèm, đảm bảo thực chất, rõ nội dung, rõ kết quả gắn với công tác thi đua, khen thưởng.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng báo cáo với Đoàn về kết quả phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đồng chí cho biết, Ninh Bình hướng tới là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, hài hòa; đây không chỉ là khẩu hiệu mà tỉnh đã kiên định thực thi và đã có kết quả trong suốt 32 năm qua.
Thay mặt tỉnh, đồng chí trân trọng đề nghị Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương tiếp tục quan tâm, chia sẻ để các phong trào thi đua ở Ninh Bình tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần tích cực phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị.
Đồng chí khẳng định, với các phong trào thi đua được triển khai trong thời gian tới, Ninh Bình sẽ sớm cụ thể hóa, hiện thực mục tiêu, khát vọng, tầm nhìn dài hạn phấn đấu đến năm 2030 Ninh Bình cơ bản đạt các tiêu chí và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã ghi nhận, biểu dương và chúc mừng thành tích trong công tác thi đua, khen thưởng của Ninh Bình trong nhiều năm qua, nhất là trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024.
Đồng chí khẳng định: Ninh Bình đã nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và quán triệt triển khai tích cực, đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác thi đua, khen thưởng.
Ninh Bình đã có những cách làm hay, sáng tạo, bám nắm nhiệm vụ chính trị trung tâm, tập trung vào mặt yếu, khâu khó, từ đó nhân rộng điển hình tiên tiến trong phạm vi toàn tỉnh. Các phong trào thi đua do Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát động được tỉnh triển khai tích cực và có hiệu quả.
Trong quá trình xét khen thưởng, tỉnh luôn quan tâm khen thưởng cấp cơ sở, người lao động trực tiếp, bảo đảm khách quan, chính xác, góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua.
Đồng chí đề nghị, thời gian tới tỉnh Ninh Bình tiếp tục quán triệt và triển khai, thực hiện tốt tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hệ thống quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Từ đó tạo đột phá, nhân rộng, lan tỏa các mô hình, điển hình trong toàn tỉnh.
Đoàn kiểm tra cũng ghi nhận và tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của Ninh Bình để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.
Hồng Giang-Hoàng Hiệp