Tiếp tục phát huy truyền thống “Hộ quốc an dân”
Trong những năm qua, tăng, ni, tín đồ Phật tử của Giáo hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình luôn kiên định theo lý tưởng “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội” để “Hộ quốc an dân”, luôn phát huy tinh thần đoàn kết hòa hợp, chung sức, đồng lòng cùng với Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và nhân dân trong tỉnh ra sức thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, góp phần xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh.
Trong đó nổi bật là tham gia đảm bảo an sinh xã hội. Nhiệm kỳ 2019-2024, hưởng ứng lời kêu gọi của MTTQ các cấp, Giáo hội Phật giáo trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ gần 10 tỷ đồng xây nhà đại đoàn kết, nhà ở cho hộ nghèo, ủng hộ các tỉnh miền Trung bị lũ lụt và các hoạt động từ thiện khác.
Trong giai đoạn xảy ra dịch bệnh COVID-19, Giáo hội Phật giáo Ninh Bình có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp, ủng hộ vào Quỹ vắc xin chống dịch bệnh và ủng hộ các vật dụng thiết yếu đến các khu cách ly và phong tỏa giãn cách, thăm hỏi và tặng quà, động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch và tặng quà Nhân dân với tổng trị giá hơn 3,5 tỷ đồng.
Cùng với đó, nhiều hoạt động ý nghĩa khác như: Có một Ni sư tình nguyện tiếp nhận 119 người dân từ TPHCM về cách ly tại chùa, hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn nghỉ cho người cách ly; tín đồ, phật tử cùng với Câu lạc bộ nữ Doanh nhân tỉnh mỗi ngày nấu 400 xuất cơm miễn phí ủng hộ các chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần 2 tháng; đặc biệt là phong trào “Cởi áo nâu, khoác áo blue” đã có 11 tăng, ni tình nguyện đăng ký tham gia.
Đức Phật đã dạy: Cứu một người phúc đẳng hà sa, dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người. Trong nhiệm kỳ 2024-2029, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh với vai trò là một tổ chức thành viên trong mái nhà chung, mái nhà đại đoàn kết của Mặt trận sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động tăng, ni, phật tử tích cực tham gia các phong trào, hoạt động do MTTQ các cấp phát động, nhất là tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội, vì người nghèo… để phát huy và lan tỏa truyền thống “Hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam.
Thượng tọa Thích Minh Quang
Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh
Thực sự là Đại hội của “Đoàn kết-Dân chủ-Sáng tạo-Phát triển”
Tôi vinh dự được nhiều lần tham dự Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh, song có lẽ đây là Đại hội để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc nhất. Đó là những ấn tượng về quy mô tổ chức, công tác chỉ đạo, điều hành được tổ chức bài bản, chặt chẽ và đã áp dụng mạnh mẽ công nghệ trong các khâu tổ chức, đổi mới cách trình bày các báo cáo, tham luận…, tạo sức hấp dẫn, mang lại hiệu quả cao.
Tôi cũng rất ấn tượng với phát biểu chỉ đạo tại Đại hội của đồng chí Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến: Cùng với lãnh đạo đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực, Đảng và cả hệ thống chính trị tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác Mặt trận. Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định nâng tầm Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ trực thuộc Ban Bí thư lên trực thuộc Bộ Chính trị. Điều này cho thấy vai trò, sứ mệnh của MTTQ Việt Nam được đặt lên một tầm mức mới, trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Tôi tin tưởng với những định hướng, mục tiêu cụ thể, rõ ràng, cùng với vai trò, sứ mệnh của MTTQ Việt Nam được đặt lên một tầm mức mới, Mặt trận các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để đạt được những kết quả rõ nét hơn, thành tích cao hơn. Chặng đường 5 năm tới sẽ là bước nhảy vọt của Ninh Bình nói chung, MTTQ nói riêng, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng tỉnh Ninh Bình giàu đẹp, văn minh, đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản, thành phố sáng tạo. Sau Đại hội, tôi sẽ tiếp tục phối hợp, tuyên truyền để lan tỏa tinh thần “Đoàn kết-Dân chủ-Sáng tạo-Phát triển” của Đại hội đến đông đảo bà con giáo dân, qua đó chung tay, góp sức sớm đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XII vào cuộc sống.
Linh mục Nguyễn Hồng Phúc
Giáo xứ Khiết Kỷ, xã Ân Hòa (Kim Sơn)
Tin tưởng và kỳ vọng vào Ủy ban MTTQ tỉnh và Ban Thường trực khóa XII
Tham dự Đại hội, điều tôi cảm nhận rõ nét đó là tinh thần “Đoàn kết-Dân chủ-Sáng tạo-Phát triển” của Đại hội lần này. Các đại biểu đã phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong lựa chọn hiệp thương chọn cử 80 vị ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa XII, có phẩm chất, năng lực, uy tín, đại diện cho các tầng lớp nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XII đã đề ra phương hướng, mục tiêu, các khâu đột phá cùng chương trình hành động mang tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh và đáp ứng niềm tin, sự kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân. Tôi mong muốn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa XII, nhất là Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sâu sát với dân, hướng về cơ sở, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức. Phát huy vai trò tích cực của người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, trong các dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền… Qua đó tiếp tục khơi dậy tiềm năng, nguồn lực, góp phần xây dựng tỉnh Ninh Bình ngày càng phát triền, vững mạnh.
Bà Phạm Thị Mai
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Yên Từ (huyện Yên Mô)
Nâng cao công tác giám sát, phản biện xã hội ngày càng hiệu quả, thực chất
Công tác giám sát, phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ cơ bản, quan trọng hàng đầu của MTTQ Việt Nam. Thực hiện tốt chức năng này, MTTQ các cấp đã phát huy cao nhất vai trò của mình trong tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhận thức rõ điều đó, trong nhiệm kỳ 2019-2024, công tác giám sát, phản biện xã hội đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh rất quan tâm, triển khai, thực hiện có hiệu quả. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì hiệp thương với các đoàn thể chính trị-xã hội xây dựng tốt kế hoạch giám sát, phản biện xã hội. Hình thức thực hiện linh hoạt, phù hợp với nội dung, chủ thể, đối tượng, nội dung… giám sát và phản biện xã hội.
Trong nhiệm kỳ mới, MTTQ tỉnh xác định tiếp tục nâng cao chất lượng ngày càng thực chất và hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội; trong đó chú trọng giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và đảng viên; tham gia ý kiến phản biện xã hội đối với dự thảo chính sách, nhất là những dự thảo có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân. Đây là một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2024-2029. Cá nhân tôi cho rằng giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và đảng viên là một nhiệm vụ khó. Song với quyết tâm chính trị cao, tôi tin tưởng Mặt trận các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ này.
Trong đó giải pháp là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, chặt chẽ; chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội của tỉnh trong triển khai thực hiện; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận có nghiệp vụ, kỹ năng giám sát và phản biện xã hội…
Ông Lê Chí Vịnh
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ-Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh
Chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội
Sau hai ngày làm việc, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XII đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã đánh giá khách quan, thực chất kết quả công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ 2019-2024; đồng thời đề ra phương hướng, mục tiêu, các khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới. Đặc biệt là chương trình hành động của MTTQ tỉnh nhiệm kỳ 2024-2029 đã chỉ rõ 6 nhiệm vụ với các giải pháp cụ thể.
Tôi ấn tượng nhất với nhiệm vụ thứ 6, đó là “Xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”. Nhiệm vụ này đòi hỏi MTTQ các cấp phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần tự quản, chung sức, đồng lòng xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng khu dân cư ngày càng ấm no, hạnh phúc. Qua đó đem lại hiệu quả thiết thực là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Tại thành phố Ninh Bình, từ năm 2023, MTTQ thành phố đã triển khai xây dựng mô hình “Khu dân cư đô thị kiểu mẫu” với 5 nhóm tiêu chí về lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, an ninh trật tự, cảnh quan môi trường, xây dựng hệ thống chính trị; phấn đấu đến hết năm 2025, toàn thành phố có 40% khu dân cư đạt khu dân cư đô thị kiểu mẫu. Mô hình “Khu dân cư đô thị kiểu mẫu” có nhiều điểm tương đồng, hướng đến mục tiêu cuối cùng chính là xây dựng nên những khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.
Trong thời gian tới, Ban Thường trực MTTQ thành phố sẽ khẩn trương xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024-2029 đến toàn thể cán bộ và người làm công tác Mặt trận thành phố. Đồng thời bám sát Nghị quyết, chương trình hành động của MTTQ tỉnh để chỉ đạo, triển khai đầy đủ các nhiệm vụ công tác Mặt trận trên địa bàn; quyết tâm thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ ngay từ những năm đầu nhiệm kỳ.
Ông Nguyễn Nam Giang
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ninh Bình
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/doan-ket-sang-tao-som-dua-nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-mttq/d20240809182346853.htm