Báo cáo do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày trước Quốc hội và các ý kiến phát biểu thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội đã đánh giá một cách cụ thể, khách quan những kết quả kinh tế xã hội của nước ta đạt được trong năm 2023 làm cho cử tri và nhân dân thêm phấn khởi và tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành kịp thời, quyết liệt, hiệu quả của Quốc hội, Chính phủ.
Năm 2023 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức với những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh đó, kinh tế xã hội của đất nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi, quý sau tăng hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra. Chỉ tiêu tăng trưởng GDP là chỉ tiêu quan trọng nhất trong lĩnh vực kinh tế đã minh chứng cho nhận định đó. Số liệu báo cáo năm 2023 cho thấy: GDP quý I tăng 3,32%, quý II tăng 4,14%, quý III tăng 5,33% và ước cả năm đạt trên 5%.
Như vậy là tăng trưởng kinh tế năm 2023 mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra là khoảng 6,5%, nhưng là mức tăng khá cao so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. (Theo báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tháng 10/2023, dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của toàn thế giới là 3%; của các nước đang phát triển và mới nổi là 4%; của Thái Lan là 2,7%, của Malaysia là 4%, của Singapore là 1%, của Trung Quốc là 5%, của Indonesia là 5%, của Philipin là 5,3%; của Mỹ là 2,1%, EU là 0,7%, Nhật Bản là 2%, Hàn Quốc là 1,4%…).
Năm 2023, quy mô GDP của nước ta ước đạt khoảng 435 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Về thu ngân sách nhà nước (NSNN), 9 tháng đạt 75,5% dự toán, ước cả năm đạt và phấn đấu vượt dự toán được giao. Bội chi NSNN và các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết của Quốc hội (bội chi NSNN năm 2023 ước 4% GDP); đồng thời thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560 nghìn tỷ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm (2024- 2026).
Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới. Điều đáng phấn khởi và ghi nhận trong năm 2023 đó là chính trị, xã hội của đất nước ta ổn định.
Các lĩnh vực quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sôi động, liên tục và đạt nhiều thành tựu quan trọng có tính lịch sử, tạo thời cơ, vận hội mới để phát triển đất nước và nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Kết quả lĩnh vực văn hóa xã hội phát triển toàn diện, nổi bật nhất là công tác chăm lo cho đời sống nhân dân.
Trong điều kiện kinh tế khó khăn, song, Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách xã hội, nhất là đối với người có công, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Thực hiện nhất quán chủ trương: “không ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng, Chính phủ đã thực hiện trợ cấp thường xuyên cho trên 1,13 triệu người có công với kinh phí 29 nghìn tỷ đồng/năm. Đẩy mạnh triển khai Đề án xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Đến hết tháng 9/2023, cả nước đã hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô khoảng 20.210 căn; đang triển khai 419 dự án, với quy mô khoảng 392.635 căn. Tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi cho các đối tượng chính sách…. Do vậy mà đời sống nhân dân được cải thiện tốt hơn. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,1%, còn 2,93%.
Lĩnh vực lao động, việc làm chuyển biến tích cực, trong đó kết nối cung cầu lao động được tăng cường; kịp thời hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm giờ làm; thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương…. Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người lao động tăng 6,8%; trên 94% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2022.
Theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới vào tháng 3/2023 của Liên Hợp Quốc, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 77 lên vị trí 65 trong bảng xếp hạng toàn cầu…
Thành quả kinh tế xã hội năm 2023 của đất nước ta đạt do nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân quan trọng là sự đoàn kết, đồng lòng vượt khó của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Thực tiễn đã chứng minh trong bất kể giai đoạn lịch sử nào, trước bất kỳ những khó khăn nào, sức mạnh đoàn kết, đồng lòng của toàn dân tộc đều vượt qua mọi trở ngại và đến đích thành công. Những khó khăn, thách thức thời gian qua chỉ như “luồng gió ngược” cản trở, làm chậm bước phát triển của đất nước trên con đường tiến tới mục tiêu năm 2025; năm 2030 và năm 2045 đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Năm 2024 và những năm tiếp theo, dự báo đất nước ta tiếp tục đối mặt với những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực từ bên ngoài và hạn chế, bất cập từ bên trong. Bằng sức mạnh là sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đất nước ta năm 2023 đã vượt qua khó khăn, “tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu”, thì trong năm 2024 nhất định chúng ta cũng sẽ đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Đối với tỉnh Ninh Bình, do có nhiều khó khăn, thách thức mà một số chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023 đến nay còn đang đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Thời gian còn lại của năm 2023 không nhiều. Do vậy, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cần phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng với ý chí và khát vọng của con người vùng đất Cố đô Hoa Lư, quyết tâm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2023, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển trung bình khá vào năm 2025 và là tỉnh khá của khu vực đồng bằng sông Hồng vào năm 2030.
Nguyễn Đông