Sáng 17/10, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do đồng chí Bùi Hoàng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn thực hiện giám sát “Công tác quản lý Nhà nước về xử lý chất thải theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” tại Sở Tài nguyên và Môi trường.
Cùng dự có thành viên đoàn giám sát;lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường; đại diện Văn phòng UBND tỉnh…
Tại buổi giám sát, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thời gian qua, các Sở, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nông thôn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2020-2025 theo Quyết định số 249/QĐ-UBND ngày 6/2/2020 của UBND tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về thu gom, xử lý chất thải. Thường xuyên đôn đốc các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo các đề án, kế hoạch và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra,hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật. Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, tập huấn về công tác bảo vệ môi trường cho người dân, doanh nghiệp…
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, từ năm 2020 đến năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện 25 cuộc thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.Qua đó, phát hiện và xử lý, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm đối với 7 doanh nghiệp, tổng số tiền xử phạt là 811,5 triệu đồng. Chủ trì phối hợp kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với 36 trường hợp, phát hiện, xử lý và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với 21 đơn vị vi phạm với tổng số tiền phạt trên 2,9 tỷ đồng.
Do đó, giai đoạn 2020-2023, việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng và thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nói chung trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng môi trường tại các khu dân cư. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý tăng nhiều so với năm 2020, nhất là tại khu vực nông thôn. Hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã được các địa phương triển khai hiệu quả tại nhiều khu dân cư. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có nhiều nỗ lực thực hiện các giải pháp thu gom, xử lý chất thải theo cam kết.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý Nhà nước về xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít hạn chế, vướng mắc như: Một số địa phương còn tình trạng vứt rác thải không đúng quy định; việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại một số địa bàn khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn; việc quá tải trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh; trên địa bàn tỉnh chưa có khu xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, bùn thải, chất thải rắn xây dựng; còn 2 khu công nghiệp, 6 cụm công nghiệp chưa được đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung…
Tại buổi giám sát, thành viên Đoàn giám sát đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề: Phân loại chất thải rắn tại nguồn đối với rác thải sinh hoạt ở các khu dân cư; trang bị phương tiện cho các Trung tâm dịch vụ môi trường; quản lý các cơ sở sản xuất, chăn nuôi tại các hộ cá thể trong khu dân cư; đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp; việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục theo quy định của pháp luật; việc kiểm soát, xử lý xả thải của các cơ sở y tế công lập; các chính sách về xử lý nước thải, rác thải trên địa bàn; bố trí ngân sách cho hoạt động môi trường; nâng cao ý thức của doanh nghiệp, người dân đối với công tác bảo vệ môi trường…
Tiếp thu các ý kiến của thành viên Đoàn giám sát, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi, giải trình, làm rõ các vấn đề Đoàn giám sát quan tâm. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh ban hành kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh và quy định về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh; cho phép áp dụng các định mức kinh tế – kỹ thuật đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành để thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường không khí; điều tra, đánh giá các vùng đất ngập nước quan trọng trên địa bàn tỉnh; điều tra, đánh giá các loài ngoại lai xâm hại và đề xuất diệt trừ; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường. Tăng cường thu hút các nguồn lực để tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.
Đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh; kịp thời phát hiện và xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Đề nghị UBND các huyện, thành phố bố trí đủ kinh phí để thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; rà soát các điểm tập kết chất thải để cải tạo, xây mới; đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung theo quy hoạch được phê duyệt…
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Bùi Hoàng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao vai trò của Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý Nhà nước về xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh; việc chuẩn bị các báo cáo, tài liệu và điều kiện phục vụ cho Đoàn giám sát cũng như tham gia Đoàn khảo sát.Thống nhất một số nội dung, đồng chí đề nghị thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường cần khắc phục khó khăn, tập trung tháo gỡ các vấn đề còn tồn tại đã được chỉ ra trong buổi giám sát; sớm tham mưu cho tỉnh xây dựng nhà máy xử lý rác thải; cần tăng cường tuyên truyền,vận động các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, nhân dân tự giác thực hiện công tác bảo vệ môi trường; tích cực phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện quản lý môi trường tại các doanh nghiệp…
Đồng chí cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương bổ sung các ý kiến tại buổi giám sát, thống nhất số liệu để hoàn thiện báo cáo. Yêu cầu Đoàn giám sát, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp thu đầy đủ các nội dung, ý kiến tại buổi làm việc để tham mưu xây dựng báo cáo giám sát; xây dựng Tờ trình, dự thảo Nghị quyết để trình HĐND tỉnh. Đồng chí cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu một số cơ chế xã hội hóa, cơ chế hợp tác công – tư và phân bổ dự toán, để thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về xử lý chất thải.
Kiều Ân – Trường Giang
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/doan-giam-sat-cua-hdnd-tinh-lam-viec-tai-so-tai-nguyen-va/d2024101715002293.htm