Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV và góp ý vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chiều 6/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã có buổi khảo sát việc thi hành Luật Di sản văn hóa. Đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi khảo sát.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao: những năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 18/6/2009, các văn bản của Trung ương về công tác quản lý và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được quan tâm, chú trọng.
Hiện toàn tỉnh có 1.821 di tích được kiểm kê, thuộc nhiều loại hình khác nhau, trong đó có 405 di tích đã được xếp hạng (324 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp Quốc gia, trong đó có 3 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 1 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới). Toàn tỉnh có 393 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, có 7 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trong thời gian từ năm 2007-2024 đã có 335 lượt di tích được thực hiện tu bổ chống xuống cấp có hỗ trợ từ nguồn ngân sách của tỉnh với tổng kinh phí 62,1 tỷ đồng. Việc trùng tu, tôn tạo được thực hiện nghiêm túc, dưới sự quản lý, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn và theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Các di tích được tu bổ, tôn tạo cơ bản khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Công tác truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương được đặc biệt quan tâm từ cấp tỉnh tới cơ sở.
Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản; công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng được tỉnh quan tâm thực hiện.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: Một số địa phương còn lúng túng trong việc thành lập và tổ chức hoạt động của Ban Quản lý các di tích, nhất là các di tích đặc thù. Đội ngũ cán bộ quản lý, công chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở cơ sở kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực khác nhau, trình độ chuyên môn, chất lượng tham mưu và hiệu quả quản lý còn hạn chế. Nguồn lực kinh phí và cơ sở vật chất để triển khai thực thi Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật khác có liên quan chưa đáp ứng được thực tiễn yêu cầu đặt ra…
Từ thực tiễn thi hành Luật, Sở Văn hóa và Thể thao kiến nghị: Cần quy định rõ tiêu chí xếp hạng di tích, mang tính định lượng hơn, đặc biệt là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. Cần phân cấp cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thẩm quyền thẩm định đối với hạng mục tu bổ, tôn tạo nhỏ hay các hạng mục phụ trợ thuộc Khu vực bảo vệ I, khu vực bảo vệ II của di tích cấp quốc gia.
Cần làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật, sửa đổi phù hợp để tạo thuận lợi cho công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Cần nghiên cứu, xác định rõ, đảm bảo tính chính xác giữa thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong dự thảo Luật Di sản văn hóa…
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn đã trao đổi làm rõ thêm về một số kết quả đạt được cũng như những hạn chế, khó khăn trong thực hiện Luật. Trong đó làm rõ việc phân cấp quản lý di sản; hoạt động xã hội hóa các nguồn lực để bảo đảm các điều kiện cho việc thực hiện Luật Di sản văn hóa; những vấn đề trong thực hiện Quy chế quản lý bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; công tác kiểm kê, xếp hạng di tích…
Phát biểu tại buổi khảo sát, đồng chí Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Hồng Thanh trân trọng cảm ơn sự quan tâm, phối hợp của Sở Văn hóa và Thể thao và các cơ quan chức năng đã cung cấp thông tin, báo cáo, giúp Đoàn nắm bắt tổng thể, nhất là những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Luật Di sản văn hóa. Đây cũng là kênh thông tin quan trọng để đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia, góp ý vào công tác xây dựng sửa đổi, bổ sung Luật Luật Di sản văn hóa trong kỳ họp tới.
Tiếp thu những kiến nghị của Sở Văn hóa và Thể thao trong thực hiện Luật Di sản văn hóa, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ nghiên cứu, tổng hợp để kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét, giải quyết.
Mai Lan – Đức Lam