Trong chương trình, Đoàn tham dự Kỳ họp thường niên lần thứ 46 của Ủy ban Di sản Thế giới, thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) được tổ chức tại Thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Kỳ họp lần này có sự tham dự của Thủ tướng Ấn Độ, Tổng Giám đốc UNESCO cùng hơn 2.000 đại biểu đến từ hơn 150 quốc gia trên thế giới, trong đó có lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện các tỉnh, thành phố có Di sản thế giới của Việt Nam.
Đoàn công tác của tỉnh đã tiếp xúc với các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các cơ quan tư vấn của UNESCO nhằm nắm bắt các chủ trương, quan điểm và các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong tình hình mới, nắm bắt các sáng kiến, kinh nghiệm quản lý và bảo tồn di sản từ thực tiễn quản lý Di sản thế giới trên phạm vi toàn cầu; tranh thủ ý kiến tham vấn của các chuyên gia UNESCO về công tác quản lý Di sản thế giới; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An với các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý và du khách quốc tế.
Tiếp đó, Đoàn đã có các buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Bộ Du lịch Ấn Độ. Trong buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ, kiêm nhiệm Vương quốc Bhutan chủ trì tiếp và làm việc với Đoàn.
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, chia sẻ thông tin về tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của tỉnh Ninh Bình; tình hình hợp tác Việt Nam-Ấn Độ; thông tin về một số địa phương của Ấn Độ có tiềm năng thúc đẩy quan hệ hợp tác với tỉnh Ninh Bình, trọng tâm các lĩnh vực: du lịch, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa, bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Lãnh đạo tỉnh và đồng chí Đại sứ thống nhất tăng cường phối hợp chia sẻ thông tin, góp phần thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Trong buổi làm việc với Bộ Du lịch Ấn Độ, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trao đổi, chia sẻ các thông tin về tỉnh Ninh Bình, nhấn mạnh những đặc trưng nổi bật, lợi thế cạnh tranh của du lịch Ninh Bình, những đặc điểm của Ninh Bình phù hợp và hấp dẫn đối với du khách, nhà đầu tư Ấn Độ; các đại biểu cũng đã tập trung xem các video quảng bá, giới thiệu về tỉnh Ninh Bình và du lịch Ninh Bình.
Hai bên trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, gợi mở các giải pháp thúc đẩy quan hệ phối hợp, thúc đẩy phát triển du lịch, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, tăng cường phối hợp để góp phần thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Trong chương trình, Đoàn đã làm việc với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Mumbai; một số đạo diễn có uy tín và doanh nghiệp du lịch lớn của Ấn Độ. Tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã thông tin về đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội, nhấn mạnh những đặc trưng nổi bật của tỉnh về truyền thống lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên; những kết quả nổi bật trong thu hút du khách, các chuyên trang du lịch lớn xếp Ninh Bình là một trong những điểm đến hàng đầu về sự thân thiện, hấp dẫn… Đồng chí Lê Quang Biên, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Ấn Độ đã thông tin khái quát về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam, những nét nổi bật của tỉnh Ninh Bình so với các địa phương khác của Việt Nam…
Tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các thành viên trong Đoàn đã trao đổi, chia sẻ cung cấp các thông tin, trả lời các câu hỏi, băn khoăn và các gợi ý của các doanh nghiệp lữ hành Ấn Độ về phát triển thị trường du lịch Ninh Bình như: Việc tổ chức Đoàn khảo sát thị trường du lịch đến Ninh Bình; năng lực tiếng Anh của hướng dẫn viên du lịch; đồ ăn chay cho du khách Ấn Độ; thông tin, quảng bá hình ảnh Ninh Bình đến với Ấn Độ, các điều kiện, hỗ trợ của tỉnh Ninh Bình đối với các Đoàn làm phim.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và các đối tác đã thống nhất giao cho các đơn vị làm đầu mối để sớm tổ chức các hoạt động khảo sát trực tiếp thị trường du lịch, điều kiện thực tế để quay phim, thúc đẩy du khách Ấn Độ đến Ninh Bình; sớm có các phim Ấn Độ quay tại Ninh Bình, qua đó góp phần thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Tiếp đó, Đoàn đã có các buổi làm việc với Liên đoàn Du lịch Ấn Độ và Hiệp hội Du lịch Ấn Độ.
Hiệp hội Du lịch Ấn Độ (TAAI) được thành lập năm 1951, 4 năm sau khi Ấn Độ giành độc lập. Hiện nay, TAAI là Hiệp hội du lịch và lữ hành hàng đầu, lớn nhất và lâu đời nhất của Ấn Độ. TAAI có lượng thành viên lớn tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành Du lịch, bao gồm: Bán vé máy bay; du lịch nước ngoài; du lịch trong nước; du lịch nội địa; du lịch hội nghị; du lịch thể thao. Liên đoàn du lịch Ấn Độ (The Travel Agents Ferderation of India-TAFI) là một tổ chức chuyên nghiệp được thành lập vào năm 1986 nhằm đại diện cho các đại lý du lịch và phối hợp các phân đoạn khác nhau của ngành Du lịch.
Tại các buổi làm việc, Đoàn công tác của tỉnh đã trao đổi, chia sẻ các thông tin để quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh, thu hút khách du lịch Ấn Độ; các đại biểu đã xem các video clip giới thiệu về tỉnh Ninh Bình. Các bên trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển du lịch, nhất là những vấn đề về ẩm thực, về truyền thông qua báo chí, mạng xã hội, các bộ phim quay tại Ninh Bình …; thống nhất giao cho các cơ quan làm đầu mối liên hệ để thúc đẩy các hoạt động phối hợp cụ thể. Liên đoàn Du lịch Ấn Độ sớm tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực tế để tổ chức Hội nghị thường niên năm 2024 tại Ninh Bình.
* Làm việc với Tổng Cục du lịch, trực thuộc Bộ Công nghiệp, Thương mại và Lao động Bhutan, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trao đổi, chia sẻ thông tin về tỉnh Ninh Bình và Du lịch Ninh Bình; nhấn mạnh các đặc trưng nổi bật của Ninh Bình, các điểm tương đồng, tương hỗ trong phát triển du lịch giữa Việt Nam và Bhutan, quan điểm phát triển xanh và bền vững của tỉnh Ninh Bình…
Hai bên trao đổi kinh nghiệm trong phát triển du lịch bền vững; tìm hiểu về cơ chế quản lý và phát triển du lịch song song với bảo vệ môi trường, bảo tồn các di sản, di tích lịch sử – văn hóa. Khảo sát thực tế công tác bảo tồn các di tích văn hóa, tôn giáo tại Tu viện Paro Taktsan.
Cũng trong chương trình làm việc tại Ấn Độ và Bhutan, Đoàn đã khảo sát thực tế tại Phim trường Bollywood, học hỏi kinh nghiệm trong xây dựng, quản lý, vận hành và phát triển các phim trường. Khảo sát thực tế về công tác tổ chức, quản lý, vận hành, thu hút du khách, phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản tại một số điểm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh của Ấn Độ và Bhutan.
Mặc dù thời gian ngắn, phải di chuyển nhiều, song được chuẩn bị chu đáo về nội dung, sắp xếp lịch trình phù hợp, khoa học, Đoàn công tác của tỉnh tại Ấn Độ và Bhutan đã hoàn thành tốt đẹp chương trình làm việc, đạt mục đích, yêu cầu đề ra.
Thông qua các hoạt động của Đoàn đã thúc đẩy mạnh mẽ việc quảng bá tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh, truyền thống lịch sử, văn hóa, du lịch Ninh Bình tới các nhà quản lý, doanh nghiệp và du khách Ấn Độ, Bhutan; góp phần tăng cường nền tảng, thiết lập các đầu mối liên hệ, tạo cơ sở thúc đẩy các hoạt động phối hợp phát triển du lịch giữa Ninh Bình và các đối tác, bước đầu thống nhất một số hoạt động cụ thể trong khảo sát thực tế việc thiết lập các tour, tuyến du lịch, làm phim tại Ninh Bình. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức, tầm nhìn, năng lực công tác cho các thành viên tham gia Đoàn công tác.
Kim Huệ
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/doan-cong-tac-tinh-ninh-binh-hoan-thanh-tot-dep-chuong-trinh/d2024072915105439.htm