Trong 2 ngày 18-19/10, Đoàn công tác thành viên Chính phủ theo Quyết định số 435/QĐ-Ttg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ do đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm trưởng đoàn làm việc với tỉnh Ninh Bình về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.
Trong chương trình làm việc, chiều 18/10, đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng đoàn công tác đã kiểm tra thực địa tình hình triển khai, thực hiện một số dự án: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối QL.1A với QL.10 và kết nối QL.10 với QL.12B, tỉnh Ninh Bình; Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Ninh Bình, giai đoạn I và giai đoạn II.
Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Đoàn công tác đã nghe UBND tỉnh, các đơn vị chủ đầu tư và nhà thầu thi công báo cáo quá trình thực hiện dự án và những khó khăn, vướng mắc.
Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến 6.865 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2023-2026.
UBND tỉnh Ninh Bình đã giao các cơ quan chuyên môn tập trung cao thực hiện các trình tự, thủ tục chuẩn bị đầu tư theo quy định; đẩy nhanh tiến độ lập công tác khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoàn thành trong tháng 9/2023 (chỉ sau khoảng hơn 2 tuần khi được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ), hiện đã lấy ý kiến và đang hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo ý kiến của các đơn vị có liên quan.
Đồng thời, tỉnh Ninh Bình đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch điều chỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng do điểm đầu tuyến điều chỉnh từ giao cắt với đường cao tốc Bắc Nam tại nút giao Khánh Hòa, huyện Yên Khánh về nút giao Mai Sơn, huyện Yên Mô, làm cơ sở để thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn cung và kiểm soát giá vật liệu xây dựng và đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối QL.1A với QL.10 và kết nối QL.10 với QL.12B, tỉnh Ninh Bình có quy mô xây dựng 5 tuyến đường với chiều dài khoảng 43,73 km và 7 cầu đi qua 4 huyện, thành phố (Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn và thành phố Ninh Bình). Tổng mức đầu tư: 1.475 tỷ đồng.
Hiện công tác giải phóng mặt bằng đã bàn giao được 37,81/41,63 km. Chủ đầu tư đang tích cực đẩy nhanh tiến độ phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng 2 tuyến ĐT.482B và tuyến ĐT.482G năm 2023; đến hết năm 2024 thi công hoàn thành 3 tuyến còn lại đưa vào khai thác sử dụng theo đúng tiến độ. Đến nay, tổng số vốn đã cấp: 1.079,5/1.475 tỷ đồng, giá trị đã giải ngân đạt 841,7/1.079,5 tỷ đồng, đạt 78%.
Đối với Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Ninh Bình hiện nay đang được triển khai thực hiện cả 2 giai đoạn I và II. Trong đó, giai đoạn I, quy mô xây dựng cầu vượt sông Đáy, tổng chiều 1,187 km và xây dựng 2,063 km phần đường đầu cầu. Tổng mức đầu tư 682,091 tỷ đồng. Địa điểm: Các huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Nghĩa Hưng (Nam Định). Thời gian thực hiện: Năm 2019-2023. Hiện đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Địa bàn huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã bàn giao 1,7/2,15 km, còn lại 450m chưa bàn giao cuối tuyến.
Nhà thầu đang tiến hành thi công phần cầu vượt sông Đáy và phần đường, thoát nước. Giá trị thực hiện ước đạt 53,15%. Giá trị giải ngân đạt 462,361 tỷ đồng. Hiện nay chủ đầu tư đang chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành công trình; tuy nhiên do dự án đi qua địa bàn 2 tỉnh nên trong quá trình lập, thẩm định dự án phải thực hiện nhiều các thủ tục đầu tưnên cần gia hạn thời gian thực hiện đến hết năm 2024.
Giai đoạn II của dự án có quy mô xây dựng cầu vượt sông Càn, chiều dài 726m và xây dựng, hoàn thiện mặt đường trên hiện trạng tuyến cũ đã thi công với tổng chiều dài 11,147 km. Tổng mức đầu tư 398,819 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Địa điểm: Các huyện: Nghĩa Hưng (Nam Định), Kim Sơn (Ninh Bình), Nga Sơn (Thanh Hóa); Thời gian thực hiện từ năm 2021-2024.
Hiện nay, dự án đã được phê duyệt, Chủ đầu tư đang tổ chức lựa chọn xong nhà thầu thi công, bảo hiểm. Số vốn đã cấp cho dự án là 50 tỷ đồng. Dự kiến khởi công công trình trong tháng 10/2023 và giải ngân hết vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh thi công phấn đấu hoàn thành cả 2 giai đoạn trong năm 2024.
Sau khi kiểm tra thực tế và nghe UBND tỉnh Ninh Bình, các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu thi công báo cáo, đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị đầu tư của tỉnh Ninh Bình.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình- Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình, đồng chí yêu cầu tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ thủ tục đầu tư để trình các cấp có thẩm quyền, chuẩn bị chu đáo các điều kiện để sớm triển khai thi công dự án.
Đối với việc thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nói chung và các dự án giao thông trong chương trình kiểm tra nói riêng, đồng chí ghi nhận, để thực hiện các dự án, Ninh Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, hoàn thành sớm các khâu chuẩn bị, GPMB cũng như tiến hành thi công. Do vậy, đến nay các dự án cơ bản thực hiện thuận lợi, tiến độ giải ngân dự án đảm bảo theo kế hoạch đề ra.
Đồng chí Bộ trưởng mong rằng tỉnh Ninh Bình tiếp tục phấn đấu đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, trong đó có các dự án giao thông trọng điểm nhằm thực hiện kết nối liên vùng, mở ra dư địa thu hút đầu tư cho những vùng ven biển còn nhiều khó khăn.
Nguyễn Thơm- Anh Tuấn