Trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc tại Ninh Bình, sáng 11/4, Đoàn công tác Đại sứ quán nước Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào tại Việt Nam đã dự lễ húy nhật, dâng hương và trồng cây lưu niệm tại Đền thờ công chúa Nhồi Hoa (thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan). Đoàn công tác do đồng chí Khamphao Ernthavanh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam làm Trưởng đoàn.
Về phía tỉnh, tiếp đón đoàn có đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Văn phòng UBND tỉnh, huyện Nho Quan.
Theo sử sách cũ ghi lại, vào thế kỷ XV dưới triều vua Lê Thánh Tông, công chúa Nhồi Hoa là con vua Vạn Tượng (Lào), theo lệnh vua cha giao làm Đại sứ, mang một đàn voi sang giúp Đại Việt huấn luyện đội tượng binh. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, trên đường trở về, không may công chúa Nhồi Hoa lâm bệnh và qua đời.
Ghi nhận công lao to lớn của công chúa, vua Lê Thánh Tông đã cho xây dựng khu lăng mộ và lập đền thờ ngay tại nơi công chúa qua đời, nay thuộc thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan. Hiện nay, khu di tích gồm hai phần là đền Thượng-thờ Công chúa Nhồi Hoa và đền Hạ-thờ thánh Quý Minh Đại Vương.
Đền thờ công chúa Nhồi Hoa là di tích văn hóa, tâm linh của Nhân dân trong vùng và được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh vào năm 2007. Hàng năm, Nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày 3/3 âm lịch với những hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống của hai nước Việt-Lào.
Nhân chuyến thăm, làm việc tại Ninh Bình vào đúng lễ húy nhật của công chúa Nhồi Hoa, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam cùng các thành viên trong Đoàn công tác và đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn đã dự lễ rước kiệu, dâng hương và trồng cây hoa Chămpa tại Đền thờ công chúa Nhồi Hoa.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam khẳng định: Câu chuyện xưa cho thấy mối tình hữu nghị, đoàn kết, gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào, đã được xây dựng từ nhiều thế kỷ qua.
Tôi mong muốn trong thời gian tới, các cơ quan của hai nước, các nhà sử học quan tâm, nghiên cứu về lịch sử của ngôi đền; phát triển nơi đây trở thành một khu du lịch văn hóa, lịch sử nổi tiếng, thu hút du khách Việt Nam, Lào cũng như du khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về di tích. Qua đó xây dựng ngôi đền trở thành biểu tượng của truyền thống, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nhà nước và Nhân dân Việt Nam-Lào.
Thái Học-Trường Giang