Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đồng chủ trì buổi làm việc.
Cùng dự có đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan của tỉnh; đại diện một số doanh nghiệp thuộc ngành Thông tin và Truyền thông.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn trân trọng cảm ơn đồng chí Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã quan tâm dành thời gian làm việc với tỉnh. Chúc mừng những thành tựu và đóng góp quan trọng của Bộ đối với sự phát triển của đất nước trong thời gian qua, đồng chí cũng cảm ơn và đánh giá cao sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ tích cực từ Bộ để Ninh Bình giành được nhiều kết quả quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.
Nhấn mạnh nội dung của buổi làm việc là về đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư để Ninh Bình trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo, vì vậy tỉnh rất mong Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục quan tâm phối hợp, gợi mở, giúp đỡ tỉnh giải đáp các khó khăn, vướng mắc về cách thức, phương pháp, tổ chức thực hiện. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng cho biết buổi làm việc hôm nay chỉ là sự khởi đầu để định hình quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn, nhu cầu địa phương và khả năng hỗ trợ của Bộ đối với tỉnh, vì vậy thời gian tới Ninh Bình rất mong có những buổi làm việc tiếp theo tại địa phương để cụ thể hóa các vấn đề đã được đặt ra.
Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Ninh Bình năm 2023 và đề xuất nội dung đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư để tỉnh Ninh Bình trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc khẳng định: Với tinh thần đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm, bản lĩnh, tập trung chỉ đạo những việc mới, việc khó, kiên trì mục tiêu, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, cùng nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, năm 2023, Ninh Bình đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/17 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Kinh tế duy trì phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 88,03 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Từ năm 2022, Ninh Bình đã trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách.
Về kết quả thực hiện chính quyền số, chuyển đổi số, lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, đến hết năm 2023, Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển hạ tầng, nền tảng số. Đã hoàn thành việc triển khai, đưa vào khai thác sử dụng ổn định, hiệu quả các nền tảng số, hệ thống thông tin dùng chung tạo tiền đề thúc đẩy công tác xây dựng, phát triển chính quyền số, chuyển đổi số. Cơ bản hoàn thành triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp huyện, thí điểm chuyển đổi số cấp sở, ngành; có 92 xã (đạt tỷ lệ 64,3%) hoàn thành chuyển đổi số cấp xã theo tiêu chí mô hình phiên bản 1.0; 193 doanh nghiệp công nghệ số, 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số.
Chia sẻ mục tiêu, tầm nhìn, phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực của tỉnh trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Ninh Bình phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; một trung tâm hàng đầu đất nước về công nghiệp cơ khí, giao thông hiện đại; một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các tỉnh Nam đồng bằng sông Hồng. Địa bàn vững chắc về quốc phòng, an ninh. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, trong sạch toàn diện, kinh tế phát triển, xã hội phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.
Để hiện thực hóa được định hướng phát triển, Ninh Bình đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ và hỗ trợ tỉnh Ninh Bình xây dựng cơ chế, chính sách, mô hình hoạt động để trở thành một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo; hỗ trợ xây dựng các định hướng, chiến lược, kế hoạch, chương trình để thu hút đầu tư tập trung phát triển những lĩnh vực có hàm lượng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu hút các dự án thông minh để phát triển công nghiệp, văn hóa, y tế, giáo dục, hạ tầng số và nguồn nhân lực chất lượng để phát triển các ngành, lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao cho tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng mong muốn được hỗ trợ phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; hỗ trợ các nhiệm vụ phát triển ngành Thông tin và Truyền thông, trong đó có nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ 4G trên địa bàn, công nghệ kiểm soát thông tin trên mạng xã hội…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu đã chúc mừng những thành tựu mà tỉnh Ninh Bình đạt được trong thời gian qua, đồng thời đánh giá cao mục tiêu, tầm nhìn, khát vọng của tỉnh, đặc biệt là quyết tâm xây dựng tỉnh trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo.
Phân tích những tiềm năng, lợi thế cũng như những khó khăn, thách thức, cơ hội đặt ra cho Ninh Bình khi xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng và các đại biểu cho rằng tỉnh cần phải mạnh dạn đi trước, làm trước để tạo đột phá. Cần tăng ngân sách cho các sản phẩm mới, công nghệ mới, tạo ra thị trường hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp số, doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo về đầu tư, tìm kiếm cơ hội phát triển. Bên cạnh việc quan tâm đầu tư một số yếu tố nền tảng, hạ tầng, nguồn nhân lực thì yếu tố quan trọng có tính quyết định đó là phải có lãnh đạo số để dẫn dắt toàn bộ quá trình phát triển.
Trước tiên, Ninh Bình cần ưu tiên thực hiện chuyển đổi số toàn diện các lĩnh vực đang là thế mạnh, ưu tiên phát triển của tỉnh như: du lịch, công nghiệp ô tô, công nghiệp bán dẫn, nông nghiệp công nghệ cao…
Nhấn mạnh một lần nữa vai trò, ý nghĩa của việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số sẽ tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững, đồng chí Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng buổi làm việc hôm nay đã mở ra những định hướng lớn để hình thành chương trình hành động, kế hoạch chi tiết để xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo. Đồng chí cũng khẳng định, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng tỉnh, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ để tỉnh giải quyết các khó khăn, vướng mắc có liên quan đến lĩnh vực ngành phụ trách.
Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn trân trọng cảm ơn những chia sẻ, những góp ý của đồng chí Bộ trưởng và các đại biểu tại buổi làm việc. Đồng thời khẳng định kết quả của buổi làm việc đã giúp lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành có tư duy, phương pháp, cách tiếp cận mới để xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục giúp đỡ, nghiên cứu, gợi mở những lĩnh vực mà tỉnh có thể thu hút các doanh nghiệp số, doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo về đầu tư. Đồng chí chúc cho mối quan hệ tốt đẹp giữa tỉnh Ninh Bình và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ngày càng được thắt chặt, hiệu quả vì sự phát triển của tỉnh, của Bộ, đóng góp vào sự phát triển đi lên của cả nước.
Hồng Giang – Trường Giang