Tham gia đoàn có các đồng chí: Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh và một số sở, ngành, doanh nghiệp của tỉnh.
Tiếp và làm việc với Đoàn, về phía tỉnh Vĩnh Long có các đồng chí: Bùi Văn Nghiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thành Thế, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lữ Quang Ngời, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh;lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã phát biểu chào mừng Đoàn công tác của tỉnh và giới thiệu với đoàn về các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Vĩnh Long. Các đại biểu cũng được nghe báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Long về kết quả thực hiện chiến lược ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; báo cáo về Xây dựng “Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2020-2030 gắn với tái cơ cấu, xây dựng, phát triển Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long”
Theo đó, thực hiện chiến lược về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tỉnh Vĩnh Long đã ban hành các chủ trương, chính sách; chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và thực hiện kế hoạch phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương về vị trí, vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện trên địa bàn; đồng thời, bố trí ngân sách hàng năm đầu tư để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của ngành công nghiệp văn hóa đúng định hướng chỉ đạo của tỉnh.
Nhờ đó, Vĩnh Long đã đạt được những kết quả ấn tượng. Đặc biệt hiện nay, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long đang sản xuất và phát sóng chương trình trên 4 kênh truyền hình, 1 kênh phát thanh, đăng tải trên hàng chục nền tảng mạng xã hội với các nội dung chuyên biệt được khán giả trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long yêu thích, đón xem, nên luôn có chỉ số khán giả cao và ổn định trong tốp đầu của cả nước.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn bày tỏ cảm xúc rất đặc biệt khi được đến thăm khu ưởng niệm và dâng hương cố Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nhận được sự đón tiếp nồng hậu của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long. Đồng chí cũng đã chia sẻ kinh nghiệm và định hướng lớn trong xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Đồng thời cũng gợi mở một số nội dung để các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, hướng hợp tác phát triển trong thời gian tới nhằm đưa ngành công nghiệp văn hóa của hai tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ về cơ chế, chính sách của tỉnh trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền hình như: chia sẻ kinh nghiệm về phương thức phát triển kinh tế báo chí, mô hình quản trị và những yếu tố để tạo nên giá trị thương hiệu cho Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất các chương trình giải trí, phim truyền hình có chất lượng, thu hút sự quan tâm theo dõi của khán giả, tạo giá trị gia tăng.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đã thông tin kết quả nổi bật về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Bình. Là địa phương có nhiều danh lam, thắng cảnh, các di tích lịch sử, văn hóa thuận lợi cho việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho biết lãnh đạo tỉnh đang rất quan tâm chỉ đạo sát sao về vấn đề này. Trên cơ sở những trao đổi, nghiên cứu tại Vĩnh Long, tỉnh sẽ giao các sở, ngành tiếp tục tham mưu để hoàn thiện đề án về chiến lược xây dựng phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Thay mặt Đoàn công tác của tỉnh Ninh Bìn,h đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn đã trân trọng cảm ơn sự đón tiếp, tạo điều kiện cho đoàn công tác của tỉnh làm việc tại Vĩnh Long. Đồng chí nhấn mạnh: “Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2020-2030” là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đang trở thành xu hướng và được xác định là thành phần quan trọng, bền vững, thu hút nguồn lực, tạo việc làm, phát huy lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy và đóng góp vào tăng trưởng của mỗi địa phương.
Chuyến thăm và làm việc này sẽ mở ra cơ hội để hai bên cùng chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh hợp tác phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đối với Ninh Bình, trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung tìm hiểu, nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế di sản và thế mạnh sẵn có của tỉnh, góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng xây dựng Ninh Bình là đô thị di sản thiên niên kỷ, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của khu vực đồng bằng sông Hồng, cơ bản đạt các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương, đến năm 2035 là thành phố trực thuộc Trung ương.
Thay mặt Đoàn công tác của tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chúc tỉnh Vĩnh Long sớm hiện thực hóa khát vọng và các mục tiêu phát triển mà tỉnh đã đề ra.
Nhân dịp này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long đã trao tặng cho nhau những món quà lưu niệm ý nghĩa, mang đậm dấu ấn văn hóa của hai tỉnh.
* Trước đó, Đoàn công tác của tỉnh Nỉnh Bình và lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã tới dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng tại ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ và Khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, các đại biểu đã dâng hương, dâng hoa và dành một phút mặc niệm tưởng nhớ cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, người cộng sản kiên trung mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long đã có nhiều cống hiến hy sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng có tên khai sinh là Phạm Văn Thiện. Ông sinh năm 1912 tại làng Long Hồ, huyện Châu Thành (nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Vốn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống gia giáo nên từ nhỏ ông đã thể hiện sự uyên bác, tài năng và một lòng hướng về dân tộc.
Năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, hoạt động trong đội ngũ cấp Chi ủy xã, huyện, tỉnh Mỹ Tho. Năm 1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và được kết án tử hình, nhưng do sự đấu tranh của nhân dân trong nước cùng với Đảng cộng sản và nhân dân Pháp, chúng phải giảm án xuống chung thân khổ sai và đày đi Côn Đảo.
Khi Cách mạng tháng Tám thành công, cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng được Đảng và Chính phủ đón về đất liền. Sau đó, ông tiếp tục sự nghiệp cách mạng, tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ với nhiều trọng trách nòng cốt như: Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ, Giám đốc Ty Công an Nam Bộ, Chính ủy Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, Bí thư Trung ương Cục miền Nam.
Năm 1975, khi đất nước thống nhất, ông tiếp tục được Đảng và Nhà nước giao cho những vị trí quan trọng: Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ … Đến tháng 3/1988, ông ra đi đột ngột trước sự tiếc thương vô hạn của nhân dân ta.
Đoàn công tác của tỉnh cũng đã tới dâng hoa, dâng hương tại Khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một người con ưu tú của tỉnh Vĩnh Long, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có nhiều công lao to lớn trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
“Vườn nhà Ông Sáu Dân” là tên gọi thân thương, gần gũi mà các kiến trúc sư dành gọi Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Đây là một công trình văn hóa với không gian mở, thân thiện, gần gũi, thể hiện tính chất trang trọng, thành kính và là nơi vui chơi, giải trí của người dân địa phương phù hợp với ý nguyện của Thủ tướng lúc sinh thời. Điểm nhấn của di tích là nhà tưởng niệm và nhà làm việc lúc sinh thời của Thủ tướng. Nhà trưng bày có nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh thể hiện sống động quá trình hoạt động cách mạng của Thủ tướng.
Ghi sổ lưu niệm tại Khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn công tác xúc động viết: Xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ, tri ân đồng chí Võ Văn Kiệt, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo xuất sắc của nhân dân ta, đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và đổi mới đất nước. Đồng chí để lại những tình cảm sâu đậm trong mọi tầng lớp nhân dân ta, trong đó có đội ngũ trí thức. Những công trình thế kỷ gắn với nhiều quyết định quan trọng của đồng chí trên cương vị Thủ tướng luôn được xem như ví dụ điển hình của bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm của người lãnh đạo khi đứng trước các lựa chọn khó khăn. Các thế hệ mai sau xin học tập, noi gương đồng chí.
* Sáng 13/1, Đoàn công tác của tỉnh đã khảo sát thực tế và làm việc với Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh Vĩnh Long – một trong những đơn vị điển hình, đi đầu và đạt được nhiều kết quả trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2020 – 2030.
Là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Vĩnh Long, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh đã thực hiện tự chủ, hiện tại Đài đã tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. Đài luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan báo chí, không ngừng nâng cao chất lượng về nội dung và kỹ thuật các chương trình phát thanh, truyền hình, mở rộng sản xuất kênh chương trình để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền và nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân.
Với phương châm “Ở đâu có khán giả, ở đó có Truyền hình Vĩnh Long “, hiện nay Đài có 5 kênh chương trình, thời lượng phát sóng 24/24 giờ; Đài cũng đang sở hữu số lượng kênh Youtube nhiều nhất trong số các cơ quan truyền thông báo chí ở Việt Nam với 5 kênh nút vàng, 33 kênh nút bạc, có gần 30 triệu lượt theo dõi, khoảng 20 tỷ lượt xem.
Từ nguồn lực tích lũy được, Đài chủ động trong việc đầu tư phát triển hoạt động sự nghiệp, đóng góp vào nguồn thu ngân sách của địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho viên chức, người lao động; đồng thời tích cực thực hiện các hoạt động an sinh xã hội. Năm 2023, tổng chi tài trợ của Đài theo hình thức nộp tiền vào ngân sách cho các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh là 530 tỷ đồng.
Qua khảo sát thực tế, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành viên Đoàn công tác hết sức ấn tượng và đánh giá cao những kết quả hoạt động của Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh Vĩnh Long. Đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với Ban Giám đốc Đài về một số nội dung như: Cơ cấu tổ chức, biên chế; mô hình quản trị của Đài; công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực; công tác chuyển đổi số và vấn đề quản lý thu, chi tài chính của Đài; những kinh nghiệm trong quá trình sản xuất và liên kết sản xuất chương trình, kiểm duyệt nội dung, nâng cao chất lượng, thu hút đông đảo khán giả quan tâm theo dõi; giải pháp để thu hút quảng cáo, khắc phục tình trạng giảm nguồn thu ở các kênh truyền thống hiện nay.
Lãnh đạo tỉnh cũng gợi mở với Đài về vấn đề phối hợp thực hiện các tác phẩm điện ảnh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, trước mắt có thể thực hiện các tác phẩm về con người, văn hóa, lịch sử của vùng đất Cố đô để quảng bá, giới thiệu đến với khán giả.
Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn Ban Giám đốc, cán bộ, nhân viên của Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh Vĩnh Long đã dành thời gian tiếp đón, làm việc với Đoàn. Những kết quả, kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và phát triển của Đài, nhất là những đóng góp cho ngành công nghiệp văn hóa là những bài học quý báu để Ninh Bình có thể học tập và áp dụng trong thời gian tới.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng gửi lời chúc mừng và mong muốn Đài sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới sẽ tạo ra nhiều sản phẩm truyền hình chất lượng hơn nữa để phục vụ nhiệm vụ chính trị cũng như nhu cầu thưởng thức văn hóa, giải trí của nhân dân.
Tin, ảnh: Nguyễn Giang