Những ngày cuối tháng Tư, ngôi nhà của cựu chiến binh Nguyễn Hải Chính (đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình) luôn có nhiều đồng đội, người thân đến thăm hỏi, trò chuyện. Họ đến đây để lắng nghe những câu chuyện và cùng sống lại những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc trong chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm về trước.
Ký ức của người lính quân y từng trực tiếp có mặt tại “lòng chảo” Điện Biên trong chiến dịch “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” như ùa về qua từng câu chuyện. Mặc dù đã ở tuổi xưa nay hiếm (87 tuổi), sức khỏe và trí nhớ đã giảm sút nhiều, song mỗi khi chúng tôi hỏi ông về chiến dịch Điện Biên Phủ, đôi mắt của vị bác sĩ quân y như rực sáng.
Ông kể: Năm 1951, khi mới 14 tuổi, chiến tranh loạn lạc, tôi trở thành trẻ mồ côi, được bộ đội cưu mang rồi hướng dẫn làm nhiệm vụ giao liên. Cuối năm 1953, tôi được cử đi học lớp y tá ở Thái Nguyên. Do yêu cầu của cấp trên nên đầu năm 1954, lớp y tá dù chưa học xong khóa đào tạo, song vẫn nhận lệnh hành quân cấp tốc làm nhiệm vụ phục vụ cho chiến trường. Khoảng tháng 4 năm 1954, chúng tôi đã đến được Trạm chuyển thương T59 thuộc Đội Điều trị số 6 (Trạm chuyển thương được dựng ở gần khu vực ở ngã ba Cò Nòi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). “Đến đây tôi mới biết mình vinh dự được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Có thể nói, với chàng thanh niên đang độ tuổi 16 như tôi, đó là cảm xúc vinh dự, tự hào. Với tôi, được tham gia quân đội và được góp sức mình trong chiến dịch Điện Biên Phủ là một vinh dự và là một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời”- ông Chính chia sẻ.
Cũng theo ông Chính, ngã ba Cò Nòi là điểm nút giao thông quan trọng của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ nên thường xuyên bị quân Pháp bắn phá dữ dội nhằm cắt đứt chi viện lực lượng của quân ta cho chiến trường. Tuy vậy, với tinh thần cả nước phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng vạn thanh niên xung phong đã trực tiếp bám trụ, bảo đảm giao thông cho tuyến đường huyết mạch này.
Đó cũng là những ngày tháng mà ông Chính cùng các y, bác sĩ ở Trạm chuyển thương T59 làm việc hết công suất nhằm kịp thời sơ cứu, phân loại, chữa trị và điều chuyển các thương, bệnh binh (đối với trường hợp nặng) lên tuyến trên. Công việc cứu chữa thương binh cứ đều đặn diễn ra hàng ngày, liên tục. Nhiệm vụ đặt ra với quân y lúc bấy giờ không chỉ bảo đảm sức khỏe cho bộ đội, TNXP, dân công, mà còn phải tạo điều kiện bổ sung quân số chiến đấu cho đơn vị ngay tại mặt trận. Do vậy, phải thật khẩn trương để rút ngắn thời gian chữa lành vết thương để giúp các thương binh có thể nhanh chóng trở lại chiến trường.
Trong suốt thời gian tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Chính không thể nhớ nổi mình đã bao lần cứu chữa cho các thương, bệnh binh, chỉ biết rằng đó là những ngày tháng mà ông và các đồng nghiệp đã làm việc giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết, bởi họ vừa phải cứu thương, vừa phải lo tránh sự truy kích của máy bay địch. Thế nhưng, theo ông Chính, tất cả các thương binh cũng như các y, bác sĩ đều không hề nao núng, run sợ, “Bởi chúng tôi đều mang trong mình niềm tin vào sách lược của Đảng, của Bác Hồ kính yêu và sự chỉ huy thiên tài của Tổng tư lệnh-Đại tướng Võ Nguyên Giáp”- ông Chính khẳng định.
Vì vậy, dù tiếng máy bay của địch xé trời hay tiếng bom rơi, đạn nổ cũng chẳng còn là điều bận tâm đối với các y, bác sĩ. Họ vẫn kiên trì bám trụ, miệt mài, nỗ lực, tranh thủ từng phút giành giật sự sống cho đồng đội; động viên các thương binh yên tâm điều trị và hướng về Điện Biên với niềm tin thắng lợi. Có lẽ vì vậy, những năm tháng làm việc ở Trạm chuyển thương T59 trong “chảo lửa” Điện Biên đã trở thành ký ức khó quên với ông Chính.
Ông bảo: Với tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm, mưu trí, sáng tạo và lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu, sự táo bạo thiên tài của Tổng Tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Khi nhận được tin chiều tối ngày 7/5, ngọn cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân ta đã tung bay trên nóc hầm chỉ huy địch. Chúng tôi ôm chặt lấy nhau, vỡ òa trong hạnh phúc. Tuy không trực tiếp cầm súng chiến đấu, song vai trò của các chiến sĩ áo trắng trên mặt trận Điện Biên quan trọng không kém.
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ông Chính tiếp tục theo học chuyên ngành y khoa và tham gia phục vụ trong các đơn vị của quân đội. Năm 1972, ông được cử về công tác Bệnh Viện Quân y 5 (Ninh Bình. Sau này ông được bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm khoa Ngoại của Bệnh viện. Năm 1997, ông nghỉ hưu với quân hàm Thượng tá. Với tinh thần chiến sĩ Điện Biên, sau khi nghỉ hưu, ông Chính luôn nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, tiếp tục có nhiều đóng góp cho các phong trào ở địa phương.
hớ lại những kỷ niệm về chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, ông Chính chia sẻ: Tôi luôn tự hào và hạnh phúc vì những năm tháng thanh xuân tươi đẹp được đóng góp công sức cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước làm nên một chiến dịch “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”- Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó mãi là ký ức không thể nào quên…
Mai Lan