Sự gia tăng nhanh chóng lượng khách du lịch cùng môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành ở Ninh Bình phát triển. Tuy nhiên, để “đi xa” hơn, các doanh nghiệp lữ hành cần đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác cùng phát triển.
“Muốn đi nhanh thì đi một mình. Muốn đi xa thì đi cùng nhau” – câu nói này ngày càng đúng với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch nói chung và các doanh nghiệp lữ hành nói riêng. Ông Hoàng Bình Minh, Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành Ninh Bình thuộc Hiệp hội Du lịch tỉnh nhận định: “Du lịch là ngành kinh tế đặc biệt, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Thực tế, không một doanh nghiệp lữ hành nào có thể phát triển bền vững nếu doanh nghiệp đó chỉ biết đến lợi ích cho riêng mình”.
Nhận định này hoàn toàn có căn cứ khi hiện nay, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia, vùng miền, thậm chí là giữa các địa phương thì việc tăng cường mối liên kết, hỗ trợ, hợp tác cùng phát triển là xu hướng tất yếu. Đây không chỉ là hướng đi giúp các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh lớn mạnh hơn, đoàn kết hơn mà còn tạo động lực để quảng bá, giới thiệu, phát triển các sản phẩm của ngành Du lịch.
Những năm gần đây, doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh tăng nhanh số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu cả đón khách trong nước và khách quốc tế. Hiện toàn tỉnh có gần 20 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, trong đó có 2 doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Hoạt động chủ yếu được đa số doanh nghiệp lữ hành thực hiện là xây dựng và quảng bá sản phẩm; thiết kế các tour du lịch; đào tạo hướng dẫn viên; tham gia các chương trình khảo sát, xây dựng sản phẩm, tour, tuyến du lịch…
Vừa qua, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình khảo sát, đánh giá và xây dựng sản phẩm du lịch (famtrip). Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh nắm bắt thông tin về điểm đến, chất lượng dịch vụ, hướng đến xây dựng tour, tuyến phù hợp với nhu cầu của khách du lịch. Mới đây nhất là chương trình khảo sát tại một số khu nghỉ dưỡng, nhà hàng cao cấp được Chi hội Lữ hành tổ chức với sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Ông Hoàng Minh Thành, đại diện Trung tâm Lữ hành Hoàng Sơn cho biết: Thông qua hoạt động khảo sát giúp đơn vị có cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm thực tế các tiện ích, dịch vụ của khu du lịch. Từ đó có thể dễ dàng lựa chọn, sắp xếp tour cho phù hợp với nhu cầu của du khách. Hoạt động famtrip còn giúp các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi về những thế mạnh, thuận lợi của mình. Từ đó tìm cơ hội hợp tác và hỗ trợ đắc lực cho nhau.
Vừa qua, Công ty lữ hành Lala Travel đã cho ra mắt các tour du lịch trải nghiệm “Về quê”. Với tour du lịch này, du khách sẽ được tham gia các hoạt động cắm trại, đạp xe, tự nấu ăn, trải nghiệm cuộc sống đồng quê… Đây là hình thức du lịch đang được nhiều du khách yêu thích khi đến Ninh Bình.
Bà Đinh Phương Linh, đại diện Công ty lữ hành Lala Travel cho biết: “Nếu chỉ mình Lala Travel thì chúng tôi sẽ không thể cung cấp các tiện ích với chất lượng tốt nhất. Thông qua hoạt động khảo sát, tìm hiểu, chúng tôi có thể tìm thấy các cơ hội hợp tác với các khu, điểm du lịch, các đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống và các đơn vị lữ hành để từ đó có thể tiếp cận với nhiều khách và phục vụ tốt hơn”. Mỗi doanh nghiệp lữ hành đều nằm trong mối quan hệ tổng thể với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch khác trên thị trường. Việc tổ chức các đoàn khảo sát, nghiên cứu giúp các đơn vị tăng cường mối đoàn kết và tìm kiếm cơ hội, chào bán sản phẩm dễ dàng, hiệu quả hơn.
Ông Hà Huy Lợi, đại diện Ban Quản lý khu du lịch động Thiên Hà cho hay: Khu du lịch sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho các đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh khi đưa khách về tham quan, trải nghiệm tại đây. Đồng thời sẽ có mức giá ưu đãi nhất, thậm chí không cần đến lợi nhuận miễn làm sao hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh, nhất là những doanh nghiệp trẻ có điều kiện phát triển. “Nhiều năm kinh doanh dịch vụ du lịch, tôi mong muốn các doanh nghiệp lữ hành có thể tạo một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Đó mới là cách để phát triển bền vững, hiệu quả trong bối cảnh hiện nay” – ông Lợi chia sẻ thêm.
Doanh nghiệp lữ hành là một trong những “kênh” đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu điểm đến, dịch vụ du lịch tới du khách trong và ngoài tỉnh. Đồng thời đóng vai trò chủ chốt trong việc kết nối tour, tuyến, góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thúc đẩy sự phát triển du lịch của mỗi địa phương. Do đó, cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp lữ hành tham gia khảo sát, kết nối tour, tuyến, tạo chuỗi sản phẩm du lịch đặc sắc phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu du khách. Về phía các doanh nghiệp lữ hành cũng cần tận dụng cơ hội, nắm bắt xu hướng của thị trường để xây dựng và phát triển sản phẩm, kết nối tour, tuyến phù hợp.
Minh Hải