Những năm qua, lực lượng lao động nữ tham gia vào thị trường XKLĐ ngày càng nhiều. Nhưng làm thế nào để lao động nói chung, phụ nữ nói riêng có những cuộc di cư an toàn, đến được thị trường lao động phù hợp, an toàn để có việc làm, tăng đáng kể nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống thì vẫn còn nhiều việc phải làm.
Chị Nguyễn Thị Truyền ở xã Gia Trấn (huyện Gia Viễn) đi lao động ở Đài Loan trong thời hạn 3 năm. Công việc của chị Truyền là điều dưỡng, mức lương chị nhận mỗi tháng trung bình 15 triệu đồng. Mức lương tuy không cao so với nhiều ngành nghề khác, nhưng lại khá ổn định và quan trọng nữa là giúp chị Truyền trau dồi thêm kỹ năng, nghiệp vụ để làm việc lâu dài với ngành nghề này. Cách đây gần 2 năm, chị Truyền trở về nước sau khi kết thúc thời hạn làm việc tại Đài Loan.
Chị Truyền cho biết: Tôi đã ly hôn, một mình chăm sóc cho cô con gái nhỏ. Vì vậy, tôi quyết định đi lao động ở nước ngoài để tích lũy vốn, lo cho con gái ăn học sau này. Sau khi về nước, tôi sẽở lại với con thêm vài năm cho cháu cứng cáp hơn rồi sẽ tiếp tục đi xuất khẩu. Với những kiến thức, kỹ năng nghề đã được đào tạo và tích lũy, việc quay trở lại thị trường lao động Đài Loan đối với tôi sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Năm 2011, qua người quen giới thiệu, chị Đinh Thị Hưng, ở xã Khánh Dương, (huyện Yên Mô) đã nhận lời sang đảo Sip làm thuê giúp việc gia đình. Hơn 10 năm làm việc ở xứ người, trở về quê cuộc sống của chị Hưng đã được cải thiện rất nhiều. Chị Hưng bảo, chị là người gặp nhiều may mắn, bởi không phải ai khi đi XKLĐ cũng đạt được như mong muốn.
Theo chị Hưng, người lao động Việt Nam ở nước ngoài gặp nhiều cám dỗ bởi có nhiều đối tượng môi giới tiếp cận và mời chào bằng những hứa hẹn hấp dẫn nếu người lao động bỏ nơi làm việc theo hợp đồng để đi làm việc ở nơi khác. Bởi vậy, trước khi đi XKLĐ, người lao động nên tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình khỏi vấn nạn buôn bán người. Quan trọng nhất, là người lao động phải tuyệt đối tuân thủ những nguyên tắc đã được ký kết trong hợp đồng lao động.
Ông Bùi Văn Vợi, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Mô cho biết: Thời gian qua, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bà con hiểu, XKLĐ là một hướng đi rất hiệu quả để xóa đói giảm nghèo, song phải bằng con đường chính ngạch, phải qua những đơn vị có đủ năng lực, uy tín trong hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở một số địa bàn, việc tuyên truyền về XKLĐ ở địa phương vẫn còn nhiều khó khăn do đặc thù địa bàn rộng, nhận thức người lao động còn có mức độ … Trong khi đó, việc tổ chức những buổi tuyên truyền, tư vấn trực tiếp từ những đơn vị đã được thẩm định, lựa chọn thực hiện chức năng đưa người đi XKLĐ hợp pháp thì vẫn còn hạn chế. Vì vậy, vẫn còn những trường hợp tin tưởng vào lời hứa hẹn của những người môi giới.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh ước tính giải quyết việc làm cho gần 60 nghìn lao động, trong đó đưa trên 4.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tính riêng từ đầu năm 2023 tới nay, toàn tỉnh có 1.541 lao động đi xuất khẩu, trong đó số lao động nữ xuất cảnh là 560 người, chiếm gần 40% lượng lao động đi xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo phản ánh từ các địa phương, thực tế con số người đi lao động ở nước ngoài còn lớn hơn, bởi vì có những lao động đi theo con đường không chính ngạch. Họ dễ dàng tin tưởng vào sự giới thiệu của những nguồn tin khác do người quen, thậm chí người thân giới thiệu. Sự chủ quan, cả tin ấy của lao động nữ đang có nhu cầu tìm việc làm chính là điểm yếu để bọn tội phạm buôn bán người nhắm tới. Đi XKLĐ “chui”, người lao động, nhất là lao động nữ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Nhiều người đã phải trả giá bằng tiền bạc, thời gian và sức khỏe, tương lai…
Thực tế cho thấy, các đối tượng lừa đảo ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi hòng qua mắt cơ quan chức năng. Đặc biệt, trong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ như hiện nay, nếu không được trang bị kỹ năng sử dụng mạng an toàn, thì người lao động dễ dàng trở thành “con mồi” của các đối tượng lừa đào.
Vì vậy, để đảm bảo cho lao động nói chung, lao động nữ nói riêng có những cuộc di cư an toàn, thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh ta đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức để nâng cao nhận thức, trang bị thêm kiến thức cho người lao động, nhất là tới các nhóm đối tượng nguy cơ cao để thêm hiểu biết về XKLĐ an toàn.
Người lao động khi có nhu cầu đi xuất khẩu đều được các địa phương kết nối với các ngành chức năng, các đơn vị doanh nghiệp để tư vấn, hỗ trợ về thông tin về thị trường, việc làm, thu nhập và trang bị các kỹ năng trước khi di cư, cách tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần…
Đặc biệt, thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh tích cực vào cuộc, đẩy mạnh nhiều hoạt động để đồng hành, hỗ trợ hội viên phụ nữ. Điển hình như diễn đàn “di cư an toàn, phòng, chống mua bán người’ được tổ chức rộng rãi ở các địa phương trong thời gian qua.
Tại các diễn đàn, các đại biểu là lãnh đạo phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ huyện, chính quyền địa phương, công an xã, người từng đi xuất khẩu lao động… đã cùng trao đổi về công tác XKLĐ; tình hình mua bán người diễn ra hiện nay; những nguy cơ khi xuất cảnh lao động trái phép…
Với ý nghĩa thiết thực đó, các diễn đàn đã thu hút sự quan tâm của đông đảo hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn, góp phần nâng cao nhận thức, hạn chế các tệ nạn xã hội xảy ra đối với lao động nữ.
Bài, ảnh: Đào Hằng