Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh) đã động viên, tạo điều kiện để bà con phá bỏ vườn tạp, hình thành những khu vườn mẫu xanh tươi, trù phú.
Về xã Khánh Thành hôm nay, ai cũng sẽ bị thu hút bởi sự khang trang, sạch đẹp, từ những tuyến đường nhựa, đường bê tông trải đến tận các nhà dân, hai bên đường đều trồng những cây hoa rực rỡ sắc màu, hàng rào xanh mát, đặc biệt là những khu vườn kiểu mẫu trù phú với các loại cây trái trĩu quả nối tiếp nhau.
Nhà thì trồng ổi, nhà trồng táo, rồi mít, nhãn,… Ngay cả hàng rào, mương nước giờ cũng là nơi “hái ra tiền” bởi bà con đã sáng tạo trồng các loại cây leo như mướp đắng, lặc lày, gấc, bí xanh trên đó, vừa xanh tươi, vừa có sản phẩm để thu hoạch. Tất cả tạo nên cảnh quan xanh mát, trong lành, một không gian sống đáng mơ ước ở vùng nông thôn
Ghé thăm gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, ở xóm 18, ông đang điều khiển chiếc máy làm đất, chuẩn bị xuống giống cây thuốc nam, thấy khách đến chơi liền nghỉ tay pha ấm trà tiếp đãi.
Trò chuyện với phóng viên, ông Sơn chia sẻ: Toàn bộ khu vực xen kẹt này trước đây bà con chúng tôi cấy lúa nhưng hiệu quả thấp. Được xã tạo điều kiện, năm 2021, tôi cùng hơn chục hộ dân khác mới đầu tư quy hoạch, chỉnh trang lại. Theo đó, trên diện tích 5 sào, tôi trồng táo ở trên kết hợp với cây bạch chỉ ở dưới. Ngoài ra, gia đình còn dành một phần đất để trồng rau xanh và đào một cái ao nhỏ vừa nuôi cá, vừa lấy nước tưới; dọc lối ra vào thì làm cổng vòm, bắc giàn cho mướp đắng, hoa thiên lý leo.
Theo ông Sơn, sau gần 3 năm cải tạo, ngoài các loại rau cho thu nhập hàng ngày, hàng tuần thì năm ngoái táo đã bắt đầu cho quả, tuy mới bói nhưng sản lượng phải được tới 3 tạ. Bạch chỉ thì đều đều 4 tạ củ khô/sào nhân với giá 50 nghìn đồng/1kg khô. Tính ra, trừ chi phí gia đình thu về trên dưới 100 triệu đồng. Năm nay, sản lượng táo dự kiến sẽ tăng gấp đôi thì thu nhập sẽ khá hơn nữa.
Ấn tượng đầu tiên khi thăm khu vườn mẫu của gia đình bà Phạm Thị Lưu (xóm 5) là từng khu vực được quy hoạch chi tiết, bố trí cây trồng, con nuôi một cách khoa học. Bên cạnh những luống ổi, na, mít, táo bà Lưu còn kết hợp nuôi ếch, tận dụng nước ao nuôi để tưới cho cây trồng.
Phụ phẩm nông nghiệp cũng được thu gom cẩn thận, ủ thành phân hữu cơ thay thế phân thuốc hóa học. Đặc biệt, đường đi lối lại trong khu vườn đều được đổ bê tông, hệ thống tưới tự động giúp cho việc làm vườn trở nên nhàn hạ hơn rất nhiều.
“Vệ sinh cảnh quan môi trường là quan trọng nhất, tất cả phải ngăn nắp, sạch sẽ, công cụ lao động sau khi làm xong cũng phải sắp xếp gọn ghẽ. Bên cạnh đó khoa học kỹ thuật cũng là những trợ thủ đắc lực trong việc chăm sóc, vận hành khu vườn trở nên thuận tiện. Không giống như ngày xưa, phải chân lấm tay bùn, giờ làm nông có khác nào đi trải nghiệm du lịch sinh thái đâu” – bà Lưu tự hào nói.
Triển khai xây dựng mô hình từ năm 2017, đến nay, toàn xã Khánh Thành đã có khoảng 40 vườn mẫu. Trong đó, chủ yếu bà con trồng cây ăn quả, kết hợp với rau xanh, cây dược liệu; giá trị thu nhập từ 100-300 triệu đồng/vườn/năm.
Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển vườn mẫu, đồng chí Hoàng Minh Thịnh, Chủ tịch UBND xã Khánh Thành cho biết: Ban đầu, chúng tôi thực hiện rà soát những vườn đảm bảo điều kiện, vận động người dân đăng ký xây dựng vườn mẫu, hướng dẫn các gia đình quy hoạch lại vườn, lựa chọn cây trồng phù hợp. Đồng thời, lồng ghép các chương trình, nguồn vốn tích cực hỗ trợ phát triển sản xuất.
Nhờ vậy nhiều diện tích đất kém hiệu quả đã được chuyển đổi thành những vườn mẫu tập trung, chuyên canh, quy mô lớn. Ngoài tạo nguồn thu ổn định, mô hình vườn mẫu còn tạo được dấu ấn trong bức tranh sinh thái ở các khu dân cư, là nơi chia sẻ kinh nghiệm, cầu nối chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp bà con thay đổi thói quen sản xuất lạc hậu.
Sắp tới, để tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm từ vườn, xã Khánh Thành sẽ nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong việc liên kết, dẫn dắt người dân phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, để đạt được các chứng nhận VietGap, hữu cơ.
Xã cũng đã xác định một số sản phẩm đặc trưng của địa phương như: ổi, táo, bạch chỉ, rau xanh… để xây dựng thành sản phẩm OCOP, trong năm nay phấn đấu có ít nhất 1 sản phẩm được công nhận 4 sao. Qua đó, từng bước tìm kiếm đầu ra ổn định cho các sản phẩm vườn hộ tại các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu