Đặc biệt, với vinh dự có 5 lần được đón Bác về thăm, những người con trên mảnh đất Cố đô lịch sử hiểu sâu sắc những tình cảm thiết tha mà Bác đã dành cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân Ninh Bình; nhận thức được trách nhiệm của mình phải chung sức, chung lòng, chung trí tuệ để lời Bác vang vọng đến ngàn năm; để hiện thực hóa mong muốn “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” như trong Bản Di chúc Người đã nhấn mạnh.
Theo dấu chân Bác Hồ
Từ năm 1946 đến năm 1960, Bác Hồ đã 5 lần về thăm Ninh Bình. Ngày 13/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Giám mục Lê Hữu Từ và cán bộ, nhân dân thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn. Ngày 10/2/1947, Bác về dự và chủ trì Hội nghị Điền chủ toàn tỉnh Ninh Bình do Bộ Canh Nông tổ chức tại thôn Sào Thượng, xã Lạng Phong, huyện Nho Quan. Ngày 15/3/1959, Người về kiểm tra và động viên công tác chống hạn tại xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh. Ngày 18/10/1959, Bác về dự và chỉ đạo Hội nghị sản xuất vụ đông xuân năm 1959-1960. Ngày 20/7/1960, Người về thăm Nông trường quốc doanh Đồng Giao. Mỗi địa danh, mỗi miền quê trên mảnh đất Cố đô lịch sử, nơi Người đã đặt chân đều lưu dấu những kỷ niệm không bao giờ quên, những lời thăm hỏi ân cần, những bài học sâu sắc, đầy tính nhân văn cao cả, được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Ninh Bình qua các thế hệ trân trọng, nâng niu gìn giữ.
Trong 5 lần Bác về thăm, dịp Bác về dự và chỉ đạo “Hội nghị sản xuất vụ đông xuân năm 1959-1960” do Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh tổ chức ngày 18/10/1959 là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. 65 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Ninh Bình luôn khắc ghi hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đỗi gần gũi, giản dị, ân cần nói chuyện với hơn 1.300 đại biểu về dự Hội nghị. Bác đã nêu ra và tóm tắt 8 khâu liên hoàn cần thực hiện để đảm bảo vụ đông xuân giành được thắng lợi vượt bậc. Bác tin tưởng, vụ đông xuân 1959-1960 ở Ninh Bình sẽ giành thắng lợi. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhắc nhở, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân Ninh Bình “Phải đoàn kết toàn dân, đoàn kết trong Đảng và ngoài Đảng, đoàn kết lương giáo… Đoàn kết chặt chẽ để thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.
Một trong những người vinh dự trực tiếp được gặp Bác Hồ trong lần Bác về kiểm tra và động viên công tác chống hạn tại xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh tháng 3/1959 là cụ Phạm Thị Hạnh ở thôn Yên Cư 4. Năm nay đã 96 tuổi, trí nhớ không còn minh mẫn nhưng nhắc đến Bác Hồ, đến kỷ niệm được gặp Bác thì cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào, khi còn là cô gái 20 tuổi. Cụ Hạnh nghẹn ngào: “Vui lắm, xúc động lắm, Bác Hồ giản dị, thân mật và thương dân lắm. Tôi vô cùng tự hào vì đã được nhìn thấy Bác bằng xương bằng thịt, rất gần với tôi. Kể chuyện về ngày hôm đó, tôi kể đến mai không hết…”. Ông Nguyễn Quang Đại, Trưởng thôn Yên Cư 4, xã Khánh Cư đỡ lời cụ Hạnh: Theo những bậc cao niên trong làng kể lại ngày 15/3/1959, khi được tin Bác Hồ về thăm, từ sớm, người dân đã đổ ra cánh đồng Chằm rất đông. Bác Hồ xắn quần, lội ruộng, ân cần thăm hỏi, động viên, khích lệ bà con nông dân hăng hái làm thủy lợi, chống hạn cứu lúa vụ đông xuân. Người căn dặn đồng bào “cố gắng làm thủy lợi để lấy nước cứu hàng vạn mẫu lúa và cày hết số diện tích còn lại”. Bác còn trao cho lãnh đạo xã Khánh Cư 5 chiếc huy hiệu để thưởng cho những cá nhân có thành tích chống hạn xuất sắc.
Mỗi lời căn dặn của Người đã trở thành kim chỉ nam cho hành động của các thế hệ cán bộ, Nhân dân xã Khánh Cư 65 năm qua. Khánh Cư hôm nay đã thay da đổi thịt, vươn mình mạnh mẽ với một diện mạo mới từ chính nội lực và sự năng động, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây. Nhưng trong lòng mỗi người đều khắc ghi hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh, lời dạy của Người luôn còn vang vọng “tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau”. Dẫn tôi đi thăm Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã, đồng chí Nguyễn Văn Nghị, Bí thư Đảng ủy xã tự hào: Đây là nơi mỗi người dân Khánh Cư tưởng nhớ về Bác, báo công với Bác mỗi dịp lễ, Tết hay sinh nhật Bác, ngày Quốc khánh… Mỗi lần ra đây thắp hương chúng tôi đều “tự soi, tự sửa”, học tập và làm theo lời Bác, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, quyết tâm, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển như mong muốn lúc sinh thời của Bác.
Nhớ Bác lòng ta trong sáng hơn
Để xứng đáng với tình cảm và những lời dạy của Bác 65 năm qua, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, Ninh Bình đã đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, quân và dân trong tỉnh, làm nên một dáng vóc Ninh Bình ngày càng rạng rỡ với thế và lực mới, khát vọng mới, niềm tin mới, hành động mới.
Nhớ Bác lòng ta trong sáng hơn; niềm tin giữa dân với Đảng ngày càng khăng khít, bền chặt. Nhớ Bác, để lời Bác dặn vang vọng đến ngàn năm, Ninh Bình tiếp tục đổi mới phương pháp, phong cách lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng toàn diện, chủ động, sâu sát, khoa học, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, bản lĩnh, kiên trì, quyết liệt. Lựa chọn những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, cốt lõi, tháo gỡ điểm nghẽn để thực hiện có hiệu quả cao hơn 3 khâu đột phá, 6 chương trình công tác trọng tâm đã được xác định. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, hiệu quả trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các quy định về trách nhiệm nêu gương và Chủ đề công tác hàng năm của Tỉnh ủy. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp với phương châm “Chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, từng bước khắc phục hiện tượng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thi hành công vụ. Kiên định các mục tiêu, phát triển kinh tế-xã hội theo hướng “Xanh, bền vững và hài hòa”, phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội; tập trung cao độ cho việc thực hiện “Bốn đẩy mạnh” đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định; tiếp tục thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020-2025. Phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, hài hòa, trọng tâm là xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ. Tập trung đầu tư các dự án, công trình trọng tâm có tính kết nối vùng, liên vùng, phát triển mở rộng không gian đô thị, tạo dư địa và động lực phát triển kinh tế-xã hội. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Tăng cường thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án công nghệ sạch, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ có giá trị gia tăng cao. Thực hiện tốt các giải pháp tăng thu ngân sách, bảo đảm việc tự cân đối ngân sách tỉnh có điều tiết về ngân sách Trung ương. Triển khai có hiệu quả các giải pháp tổng thể về phát triển du lịch, hướng đến du lịch xanh và bền vững. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; hoàn thành các tiêu chí để phấn đấu tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn nông thôn mới vào đầu năm 2025 theo kế hoạch.
Quỳnh Thu