Là tỉnh nằm ở vị trí giao thoa giữa ba khu vực địa lý là Tây Bắc, châu thổ Sông Hồng và Bắc Trung Bộ của Việt Nam, Ninh Bình có địa hình đa dạng, gồm vùng đồi núi và bán sơn địa phía Tây Bắc, vùng đồng bằng ven biển phía Đông Nam, xen giữa hai vùng lớn là vùng chiêm trũng chuyển tiếp. Điều kiện tự nhiên trên là cơ sở để cư dân vùng đất Ninh Bình tạo dựng một không gian văn hóa đặc sắc.
Cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, mang những giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo, người dân Ninh Bình qua nhiều thế hệ bằng các sáng tạo và biểu đạt văn hóa của mình đã bồi tụ, tích lũy cho Ninh Bình nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, được phát triển, lan tỏa đến ngày nay, với một khối lượng lớn các di sản văn hóa gồm gần 2.000 di sản văn hóa vật thể, gần 500 di sản văn hóa phi vật thể, phản ánh tương đối toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người Ninh Bình nói riêng, người Việt Nam nói chung từ xưa đến nay, là tiềm năng và động lực để Ninh Bình xây dựng và phát triển một cách nhanh và bền vững.
Các danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn thiên nhiên, hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Ninh Bình có giá trị đặc sắc đã được xếp hạng, ghi danh cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế.
Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang sở hữu 3 danh hiệu được UNESCO công nhận. Đó là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại-Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và Khu dự trữ sinh quyển châu thổ Sông Hồng.
Bên cạnh những danh hiệu đã được UNESCO công nhận, tỉnh Ninh Bình đang phối hợp tỉnh Hòa Bình và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh Mo Mường là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại; phối hợp với tỉnh Thái Bình và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Chèo đồng bằng Sông Hồng” là di sản văn hóa đại diện của nhân loại.
Đồng thời, tỉnh Ninh Bình cũng định hướng đề xuất Chính phủ cho phép Ninh Bình nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh đối với Nghệ thuật hát Xẩm là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại; hệ thống văn bia núi Non Nước là Di sản tư liệu thế giới.
Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa và thách thức của biến đổi khí hậu cùng các vấn đề xã hội khác, tỉnh Ninh Bình luôn xác định mục tiêu phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần và định hướng của Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012.
Trong đó, xác định quan điểm phát triển bền vững dựa trên nền tảng các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là về hệ thống di sản văn hóa và thiên nhiên, các danh hiệu UNESCO, coi việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư là nhiệm vụ quan trọng.
Theo đó, tỉnh Ninh Bình tập trung vào các định hướng như: Xác định con người là trung tâm, là mục tiêu của phát triển bền vững, tăng cường sinh kế bền vững cho người dân trong vùng di sản. Đối với cộng đồng sống trong khu vực di sản, bên cạnh việc tạo điều kiện, khuyến khích cộng đồng vận dụng những kinh nghiệm, tri thức truyền thống mà họ tích lũy được trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản, cần có cơ chế chia sẻ lợi ích với cộng đồng từ hoạt động bảo tồn di sản và phát triển du lịch bền vững, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các hoạt động bảo vệ di sản, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, các di sản văn hóa phi vật thể đang nắm giữ, phát triển đa dạng sinh học, tạo việc làm và thu nhập bền vững cho cộng đồng sống trong khu vực di sản.
Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện mô hình hợp tác công-tư trong quản lý, phát huy giá trị di sản, tạo động lực cho phát triển bền vững. Cùng với đó, tăng cường năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực phát triển bền vững.
Mục tiêu hướng tới của việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản là xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn có tính chuyên nghiệp cao, được trang bị và nắm vững những quy định của Luật Di sản văn hóa và những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, cũng như những quy định của Công ước và Hiến chương quốc tế về Di sản thế giới.
Các mục tiêu phát triển bền vững của Ninh Bình luôn đặt con người là trung tâm, là mục tiêu cho sự phát triển. Quản lý di sản nhằm trao truyền cho các thế hệ tương lai theo đúng tinh thần Công ước Di sản thế giới gắn với phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, để di sản thực sự là tài sản của cộng đồng, do cộng đồng bảo vệ và vì cộng đồng. Đây đã và đang là mục tiêu mà các cơ quan quản lý Di sản tỉnh Ninh Bình hướng đến.
Bài, ảnh: Hạnh Chi