Sáng 16/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang, Trần Hồng Hà và Lê Thành Long; đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các đơn vị.
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chủ trì tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025. Đảng, Quốc hội, Chính phủ xác định ưu tiên cho tăng trưởng. Do vậy, cần phải ưu tiên cho các động lực tăng trưởng, trong đó có động lực là đầu tư, nhất là đầu tư công để dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội.
Cùng với đó, thúc đẩy phát triển hạ tầng, với mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, qua đó tăng liên kết, lưu thông, giảm chi phí logistic, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương, vùng và quốc gia, tạo ra không gian phát triển mới, kích hoạt các lĩnh vực khác cùng phát triển.
Chính phủ đã thành lập 5 Tổ công tác và 26 Đoàn công tác về các địa phương để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có thúc đẩy đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia, song vẫn chưa đạt tiến độ so với yêu cầu.
Cụ thể, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị cho biết: Tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 được Quốc hội quyết nghị phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là hơn 669.264 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương hơn 236.915 tỷ đồng (vốn trong nước là hơn 216.915 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 20.000 tỷ đồng), vốn ngân sách địa phương là hơn 432.348 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tính đến hết ngày 30/6 mới giải ngân được 196.669 tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch (cùng kỳ năm 2023 đạt 30,49%). Trong đó: vốn trong nước là 194.270,6 tỷ đồng (đạt 30% kế hoạch), vốn nước ngoài là 2.399,1 tỷ đồng (đạt 12% kế hoạch). Giải ngân nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội là 4.781,7 tỷ đồng, đạt 78,23% kế hoạch; Chương trình mục tiêu quốc gia là 9.644,6 tỷ đồng, đạt 35,43% kế hoạch.
Có 33 bộ, cơ quan Trung ương và 28 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Nhiều bộ, cơ quan Trung ương, địa phương không duy trì được kết quả giải ngân tốt như cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ giải ngân của các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý còn thấp.
Với tỉnh Ninh Bình, tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân tính đến ngày 30/6/2024 đạt 34,6% kế hoạch Thủ tướng giao, đứng thứ 27/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Về nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm trên cả nước chưa đạt kế hoạch đề ra, theo nhiều đại biểu dự hội nghị có những yếu tố mang tính đặc thù của đầu tư công thường thấp những tháng đầu năm và tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, nguồn thu ngân sách địa phương đảm bảo chi cho đầu tư phát triển, phân bổ kế hoạch; hoàn thiện thủ tục đầu tư, triển khai thực hiện dự án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, đồng thời nghiêm túc phê bình các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong những tháng còn lại của năm 2024, cần tập trung thực hiện tốt “5 quyết tâm” gồm: Quyết tâm giữ vững kỷ luật, kỷ cương; giải phóng mặt bằng đảm bảo đúng thời gian bàn giao cho các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án; tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, đề cao tinh thần trách nhiệm; đổi mới phương pháp, cách làm, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và đặc biệt là phải xác định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, sản phẩm, kết quả; bám sát thực tiễn, tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, khắc phục bằng được tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai.
Đồng thời phải thực hiện “5 đảm bảo”: Chủ động về nguyên, vật liệu, các điều kiện cần thiết cho các dự án; nhân lực đủ năng lực, đủ tâm, đủ tầm, có trách nhiệm để thực hiện các công trình, dự án, nhất là các dự án lớn, trọng điểm quốc gia; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp trong giải phóng mặt bằng, tái định cư, làm sao ổn định việc làm, tạo sinh kế cho người dân, đảm bảo cuộc sống nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ; đảm bảo quản lý đúng quy định, không kéo dài đội vốn, gây thất thoát nguồn vốn của Nhà nước; đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ, mỹ thuật, vệ sinh môi trường, an toàn lao động.
Bên cạnh đó, các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên rà soát, đôn đốc kịp thời, phát hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Cá thể hóa trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đề cao kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các đơn vị cố tình gây khó khăn, vi phạm pháp luật. Rát soát kỹ từng khâu chuẩn bị dự án, giao vốn đầu tư, thiết kế; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên, không để tình trạng dự án chờ mặt bằng; khẩn trương thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán vốn đầu tư công dự án đã hoàn thành… Cả nước phấn đấu giải ngân vốn đầu công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch giao.
Nguyễn Lựu-Anh Tuấn
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/day-nhanh-giai-ngan-von-dau-tu-cong-nhung-thang-cuoi-nam/d20240716135751211.htm