PV: Đồng chí có thể cho biết việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của Hội được Hội LHPN tỉnh chỉ đạo, triển khai như thế nào trong thời gian qua?
Đồng chí (Đ/c) Lại Thị Thanh Tâm: Ứng dụng CNTT là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số và trong công tác Hội hiện nay, vì vậy tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã xác định rõ “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội” là một trong những khâu đột phá để thực hiện trong nhiệm kỳ, với chỉ tiêu cụ thể: “Hằng năm, 100% cán bộ Hội các cấp được bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác Hội và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội. Các cấp Hội sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý cán bộ, hội viên và quản lí văn bản điều hành”.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh đã xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện khâu đột phá về “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội” giai đoạn 2021 – 2026. Trên cơ sở đó, hàng năm các cấp Hội đã xây dựng chỉ tiêu cụ thể trong giao ước thi đua, tập trung: Chỉ đạo 100% Hội LHPN cấp huyện thành lập và sử dụng hiệu quả trang fanpage; triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động Hội như: Sử dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành ioffice; phần mềm quản lý cán bộ, hội viên; phần mềm tổng hợp, báo cáo thống kê, tài chính kế toán; phần mềm quản lý thành viên vay vốn và phần mềm quản lý tín dụng; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trang Thông tin điện tử, trang fanpage, trang zalo…
Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn cho 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp sử dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành, sử dụng các phần mềm cơ bản trong công tác Hội, truyền thông trên không gian mạng, thành lập, duy trì các trang fangage, nhóm Facebook, Zalo để trao đổi thông tin trong công tác Hội và phong trào phụ nữ.
Để hướng dẫn và hỗ trợ phụ nữ tham gia ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp tổ chức các hội nghị tập huấn, tuyên truyền về kỹ năng liên kết sản xuất, kinh doanh các đặc sản địa phương, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phụ nữ tham gia thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin với nội dung “Phụ nữ trên hành trình chuyển đổi số” cho hội viên phụ nữ là nữ chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hội viên phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp của 47 xã thuộc 6 huyện trong tỉnh.
PV: Đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật của Hội trong ứng dụng công nghệ thông tin?
Đ/c Lại Thị Thanh Tâm: Trong thời gian qua, với việc tập trung chỉ đạo, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư nguồn lực cho công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động Hội từ khâu chỉ đạo, điều hành đến tuyên truyền, triển khai công tác Hội và phong trào phụ nữ của tỉnh, đã tạo chuyển biến về hiệu quả hoạt động của Hội và đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Nổi bật là trong công tác tuyên truyền, Hội LHPN tỉnh đã khai thác các nền tảng trực tuyến một cách sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả thông qua việc nâng cấp và vận hành hiệu quả Trang thông tin điện tử, trang fanpage. Hiện trang thông tin điện tử của Tỉnh hội đã có gần 16 triệu lượt truy cập, trang fanpage có gần 3.500 lượt theo dõi thường xuyên, gần 223.000 lượt xem, trên 80.000 lượt tương tác với hàng nghìn bài đăng tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới, các hoạt động truyền cảm hứng, các mô hình dân vận khéo, mô hình “5 không, 3 sạch”, “5 có, 3 sạch”, mô hình kinh tế hiệu quả để cổ vũ hội viên phát huy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp, các nội dung xã hội quan tâm hoặc các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, trong đó có nhiều hoạt động được livestream trực tiếp. Cùng với Tỉnh hội, Hội Phụ nữ các cấp trên địa bàn đều có trang fanpage, facebook, zalo, Mocha để đăng tải các thông tin, tuyên truyền hoạt động, các công trình, phần việc được các cấp Hội thực hiện.
Đặc biệt, thông qua việc ứng dụng CNTT, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các cuộc thi trực tuyến trên trang Thông tin điện tử và trang fanpage của các cấp Hội nhằm tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ, văn hóa truyền thống, tìm hiểu kiến thức, pháp luật như: “Tìm hiểu về Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Ninh Bình lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2021-2026”; “Tìm hiểu Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022- 2027”; “Duyên dáng áo dài”, “Ảnh đẹp áo dài”, “Mâm cơm dinh dưỡng mùa COVID”, “Hội thi Dân vũ thể thao trực tuyến trong hệ thống Hội” … đã thu hút được nhiều lượt xem, tương tác và bình chọn, chia sẻ.
Trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức, triển khai hoạt động, Hội LHPN tỉnh đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản (ioffice), quản lý cán bộ, hội viên, cập nhật báo cáo thống kê, công tác thi đua khen thưởng trong hệ thống Hội LHPN liên thông từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Đến nay, các cấp Hội đã thực hiện việc gửi – nhận văn bản qua phần mềm, nhận thông tin chỉ đạo, tổng hợp báo cáo chính xác, khoa học, tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất, hiệu quả công tác.
Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh thực hiện việc khai thác văn bản chỉ đạo điều hành và trao đổi thông tin trên hệ thống văn bản điện tử của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; thực hiện chữ ký số trong giao dịch điện tử và chỉ đạo điều hành hoạt động trong hệ thống Hội. Xây dựng mô hình “Thu hút hội viên trên không gian mạng” cho nhóm nữ tiểu thương, phụ nữ đi làm ăn xa … với các hoạt động trọng tâm: đổi mới hình thức sinh hoạt qua việc sử dụng phần mềm Zoom, Zalo để thực hiện họp nhóm trực tiếp, trao đổi công việc, chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp thông tin chính thống của Hội để học tập và lan tỏa … Cũng thông qua sự hỗ trợ của các cấp Hội, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã và hội viên phụ nữ đã thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong quảng bá sản phẩm địa phương, kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội.
PV: Thưa đồng chí! Trong thời gian tới, để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động Hội, góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh, các cấp Hội tiếp tục có những giải pháp gì?
Đ/c Lại Thị Thanh Tâm: Thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục thực hiện có hiệu quả khâu đột phá “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội” để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 01-NQ/ TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐTTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Trọng tâm là tập trung nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, thực hiện hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động của Hội. Coi trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về công tác chuyển đổi số, về sự cần thiết và tính cấp thiết của việc ứng dụng CNTT, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay. Hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia hoạt động chuyển đổi số của tỉnh, thực hiện giao dịch thương mại điện tử; tiếp cận các dịch vụ công trên nền tảng công nghệ số; sử dụng điện thoại thông minh để tiếp cận thông tin theo hướng hiện đại, thu nhận kiến thức bổ ích theo nhu cầu.
Tăng cường ứng dụng CNTT, các mạng xã hội để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ. Sử dụng hiệu quả các kênh truyền thông trong hệ thống Hội như: Trang Thông tin điện tử của Tỉnh hội; fanpage của Hội LHPN tỉnh; fanpage, các nhóm zalo, facebook của Hội LHPN các cấp để tạo diễn đàn quan trọng lắng nghe tâm tư của hội viên, phụ nữ, đồng thời là nguồn thông tin cung cấp kiến thức, kỹ năng toàn diện cho hội viên, phụ nữ và nhân dân.
Hướng dẫn, vận động hội viên tích cực tham gia các nhóm zalo, facbook của Hội cấp trên, của địa phương, chia sẻ, đăng tải, bình luận những thông tin tích cực với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”; đấu tranh, phản bác những thông tin xấu độc, tiêu cực, làm cho mạng xã hội ngày càng tích cực, lành mạnh.
Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong công tác thu hút, tập hợp phụ nữ tham gia tổ chức Hội với các mô hình: “An toàn cho phụ nữ, trẻ em trên không gian mạng”; “Thu hút hội viên trên không gian mạng”. Nhân rộng những cá nhân, tập thể điển hình trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội.
Các cấp Hội chú trọng tham mưu, đề xuất cơ chế và vận động nguồn lực để thực hiện việc ứng dụng CNTT trong hoạt động Hội, đặc biệt trong vận động các nguồn lực để trang bị máy tính kết nối mạng và tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ Hội các cấp, bảo đảm đến cuối nhiệm kỳ, 100% cơ sở Hội được trang bị máy tính riêng và cán bộ Hội cơ sở sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản phục vụ công tác Hội. Hỗ trợ phụ nữ tiếp cận ứng dụng CNTT để mở rộng mạng lưới tương tác, thúc đẩy hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời đại công nghệ số, góp phần cùng với Đảng bộ, các cấp, các ngành hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Hồng Giang (thực hiện)