Nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông
Với phương châm tăng cường công khai giải quyết TTHC trên cả 3 phương diện: Thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết, phí và lệ phí, tỉnh Ninh Bình đã tập trung đẩy mạnh thực hiện cải cách TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, bảo đảm tính đồng bộ, liên thông trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, nhất là các thủ tục liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, thực hiện các quy định của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã tiếp tục quán triệt, chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại bộ phận “Một cửa” các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng quy trình tiếp nhận, giải quyết TTHC đã được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận “Một cửa” như: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; định kỳ đánh giá chất lượng, hiệu quả trong giải quyết TTHC; tổ chức khai thác có hiệu quả Hệ thống giám sát, điều hành hoạt động của bộ phận “Một cửa” cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh; triển khai thí điểm “Một số dịch vụ không tiếp nhận bản giấy, một số ngày không tiếp nhận bản giấy”; thí điểm “Cung cấp miễn phí chữ ký số công cộng cá nhân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến”…
Công khai đầy đủ các TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận Một cửa các cấp, trên trang web của các cơ quan, đơn vị để tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi tra cứu và áp dụng thực hiện TTHC. Các văn bản liên quan đến hoạt động kiểm soát TTHC được Văn phòng UBND tỉnh cập nhật đầy đủ và gửi cho cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC tại các cơ quan, đơn vị bằng hộp thư điện tử; thông qua hình thức này đã giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong quá trình kiểm soát TTHC giữa Văn phòng UBND tỉnh với các đơn vị, địa phương.
Để nâng cao chất lượng thực hiện cải cách TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn đã thực hiện nghiêm Quy chế hoạt động, quy định, quy trình tiếp nhận, chuyển hồ sơ, xử lý, trình ký; bố trí cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, có năng lực, trình độ làm việc tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông; quan tâm đầu tư các trang thiết bị để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi đến liên hệ… Hiện, toàn tỉnh đã bố trí 5.511 máy tính, 1.659 máy in, 326 máy scan ở bộ phận “Một cửa” các cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC.
Triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã từng bước khắc phục tình trạng chậm trễ, đùn đẩy, né tránh, giảm bớt phiền hà, tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân. Đa số hồ sơ của tổ chức và cá nhân được xem xét giải quyết trước hạn, đúng hạn (năm 2023, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 492.358 hồ sơ, trong đó 485.830 hồ sơ được giải quyết đúng hạn và trước hạn, chiếm 99,95%; số hồ sơ trễ hạn 216 hồ sơ, chiếm 0,05%).
Thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông không những tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đến giao dịch, tiết kiệm thời gian và chi phí thực hiện TTHC mà còn giúp các cơ quan, đơn vị từng bước minh bạch hóa hoạt động công vụ, giúp lãnh đạo các cơ quan kiểm tra, giám sát, quản lý toàn bộ quá trình giải quyết công việc; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường năng lực, trách nhiệm, kỹ năng, nghiệp vụ hành chính cũng như tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức hành chính.
Chú trọng thực hiện TTHC trên môi trường điện tử
Cùng với nâng cao chất lượng giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử giúp người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ ở mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.
Để thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, UBND tỉnh đã ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, danh mục dịch vụ công trực tuyến một phần cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Đồng thời thực hiện triệt để việc gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; đảm bảo hoàn thành việc gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp chính quyền đúng thời gian quy định và chỉ tiêu xử lý hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường điện tử.
Năm 2023, toàn tỉnh có 313.144 hồ sơ thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, trong đó: Dịch vụ công trực tuyến Chính phủ giao có 27.189 hồ sơ; dịch vụ công trực tuyến do tỉnh chủ động triển khai có 285.955 hồ sơ (Dịch vụ công trực tuyến một phần có 154.774 hồ sơ; dịch vụ công trực tuyến toàn trình có 131.181 hồ sơ). Hiện tại có 1.138 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt 62,77%, ngoài ra các dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực đăng ký kinh doanh hiện đã tích hợp và cung cấp trên Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Triển khai Nghị định số 45 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2020-2025. Theo đó, các sở, ban, ngành, địa phương tiến hành rà soát, phân loại, kiểm đếm số lượng kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực cần được số hóa. Trong 2 năm (2022- 2023), toàn tỉnh đã số hóa gần 2 triệu trang A4 kết quả giải quyết TTHC từ giấy sang dữ liệu điện tử để lưu vào Hệ thống phần mềm quản lý, lưu trữ kết quả giải quyết TTHC. Thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC đã góp phần từng bước thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp về giá trị pháp lý của văn bản điện tử, tạo chuyển biến về lựa chọn phương thức giao dịch TTHC trực tuyến bằng hồ sơ điện tử thay cho phương thức giao dịch trực tiếp tại các cơ quan nhà nước bằng hồ sơ giấy.
Nói về tiện ích của TTHC trên môi trường điện tử, anh Lương Văn Đại, ở xã Khánh An (Yên Khánh) cho biết: Vừa qua, Giấy phép lái xe của tôi đã hết hạn, vì vậy tôi phải làm thủ tục đổi Giấy phép lái xe. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết thủ tục này đã được Sở Giao thông Vận tải giải quyết qua hình thức trực tuyến. Thay vì phải đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, tôi chỉ cần vào Cổng dịch vụ công của tỉnh để thực hiện thủ tục. Trong Cổng đã có sẵn các biểu mẫu và hướng dẫn tỉ mỉ cách thức kê khai, điền thông tin. Thời gian giải quyết đã rút ngắn hơn trước (trước đây 8 ngày, nay giảm xuống chỉ còn 5 ngày), việc trả phí đều được công khai, minh bạch. Điều này giúp người dân và doanh nghiệp chủ động hơn thay vì phải mất công, mất thời gian chờ đợi như trước đây.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp đã góp phần quan trọng đẩy mạnh cải cách TTHC, qua đó cải thiện rõ rệt thứ hạng về các chỉ số CCHC của tỉnh so với các địa phương trong cả nước. Năm 2022, chỉ số CCHC của tỉnh Ninh Bình xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 3 bậc so với năm 2021, cao hơn chỉ số CCHC trung bình của cả nước 1,85%); chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Ninh Bình xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố (cao hơn chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của cả nước 0,98%). Đây là động lực quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng, từng bước thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược, tạo sự bứt phá về tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Mai Lan