Khơi dậy tình đoàn kết, nghĩa đồng bào
Thực hiện Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các ban, ngành của tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, phối hợp tổ chức có hiệu quả Ngày hội ở tất cả các khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh. Hàng năm ngay từ đầu năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức Ngày hội tại các khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh gắn với kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, bảo đảm phù hợp với điều kiện cụ thể và gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thường xuyên chỉ đạo đổi mới nội dung và cách thức tổ chức Ngày hội, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo nên bước chuyển mới và trở thành hoạt động xã hội rộng lớn, thiết thực động viên, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thật sự là “Ngày hội của nhân dân”.
Theo đó, việc tổ chức Ngày hội ở khu dân cư được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Phần Lễ được thực hiện trang trọng, phần Hội được tổ chức trực tiếp tại các khu dân cư với nhiều nội dung phong phú, đa dạng như: tổ chức các hoạt động biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian, thi đấu thể thao cầu lông, bóng bàn, nhiều tiết mục ca ngợi quê hương, đất nước mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; qua Ngày hội, nhiều nét đẹp văn hóa của cộng đồng dân cư ở địa phương được bảo tồn, phát huy như: sinh hoạt văn hóa cồng – chiêng ở Nho Quan, hát xẩm ở Yên Mô, hát chèo ở Yên Khánh…, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh, phát huy bản sắc dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa mới ở địa phương. Một số khu dân cư đã phối hợp tổ chức được “Bữa cơm đại đoàn kết” vui vẻ, phấn khởi… Ngày hội đã trở thành nơi kết nối cộng đồng dân cư, khơi dậy, củng cố và phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, vận động nhân dân tích cực, chủ động cùng chính quyền các cấp trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Trong dịp tổ chức Ngày hội, các địa phương tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; MTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên, các doanh nghiệp, các tôn giáo vận động ủng hộ giúp đỡ xây mới và sửa chữa nhiều ngôi nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ người có công… Thông qua các hoạt động chăm lo cho người nghèo trong dịp tổ chức Ngày hội, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 8,6% năm 2004 (theo tiêu chí cũ), xuống còn 2,45% năm 2022 (theo tiêu chí mới).
20 năm qua, toàn tỉnh có trên 2.000 nhà Đại đoàn kết được xây mới và bàn giao cho các hộ gia đình nhân dịp tổ chức Ngày hội (trong đó có 32 ngôi nhà ấm tình đoàn kết lương-giáo được chức sắc hai tôn giáo chung tay hỗ trợ với kinh phí xây dựng trên 6 tỷ đồng, đây là mô hình Dân vận khéo do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động); gần 1.000 căn nhà được sửa chữa; các chi hội khuyến học, dòng họ khuyến học trao tặng quà khuyến học cho các em học sinh có thành tích trong học tập.
Qua việc tổ chức Ngày hội, tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân, tương ái của các tầng lớp nhân dân tại cộng đồng dân cư được củng cố và phát huy, thực hiện tốt các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, khơi dậy tinh thần tự chủ, tự giác của nhân dân địa phương trong xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp ở khu dân cư, đấu tranh, phê phán các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, các tai, tệ nạn xã hội (mại dâm, ma túy, cờ bạc…), xây dựng đời sống văn hóa, củng cố tình đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm ở địa phương góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội của địa phương, của tỉnh.
Phát huy vai trò tự quản của mỗi cá nhân, cộng đồng dân cư
Từ năm 2017, nhằm góp phần hiện thực hóa, cụ thể hóa công tác tuyên truyền, động viên, khích lệ người dân địa phương trong phát huy vai trò chủ thể, tích cực tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy xây dựng chủ đề Ngày hội của từng năm gắn với thực hiện chương trình công tác năm của tỉnh; hướng dẫn MTTQ các cấp trong tỉnh tổ chức đánh giá kết quả thực hiện chủ đề Ngày hội của năm trước, phát động, kêu gọi người dân hưởng ứng, chung sức thực hiện chủ đề của năm tiếp theo. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả được nhân rộng.
Tiêu biểu là các mô hình: vận động nhân dân hiến tặng giác mạc; mô hình “Khu dân cư tự quản về văn minh du lịch”; “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình” trên địa bàn dân cư; khu dân cư “Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”; “Chống rác thải nhựa, chung tay bảo vệ môi trường”; “Đảm bảo trật tự an toàn giao thông”; “Xứ, họ đạo bình yên – Chùa tinh tiến về an ninh trật tự”; “Vận động các vị chức sắc tôn giáo hỗ trợ học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn”… Các mô hình tự quản ở khu dân cư đã góp phần nâng cao ý thức của nhân dân trong việc tự nguyện, tự giác tham gia, vì vậy có ý nghĩa thiết thực, quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi lạc hậu, hình thành thói quen tốt đẹp của người dân.
Đáng chú ý nhiều mô hình đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân, các vị chức sắc, chức việc tôn giáo tham gia như mô hình “Vận động đồng bào có đạo và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”, đến nay đã có trên 47.000 hộ dân, 417 khu dân cư ký kết tham gia thực hiện; một số giáo xứ cùng với các chùa đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp tổ chức phát động xây dựng mô hình (điển hình là huyện Kim Sơn có 4 chùa, 3 giáo xứ; thành phố Tam Điệp có 1 chùa, 1 giáo xứ; huyện Yên Mô có 1 chùa, 1 giáo xứ). Kết quả của các mô hình đã góp phần tích cực thực hiện các nội dung, tiêu chí về xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Cũng thông qua tổ chức các hoạt động trong Ngày hội, nhiều nhà văn hóa ở khu dân cư (thôn, xóm, phố) được phát huy hiệu quả, trở thành nơi để gắn kết tình làng, nghĩa xóm ở địa phương thông qua các hoạt động tập luyện thể dục thể thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ…, góp phần giảm tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống văn minh của cộng đồng dân cư ở địa phương. Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh có 142/143 (đạt 99,30%) xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, 1.609/1.679 (đạt 95,83%) thôn, xóm, phố có nhà văn hóa gắn với sân chơi thể thao; có 272.864/297.033 (đạt 91,86%) gia đình văn hóa, 1.638/1.679 (đạt 97,56%) khu dân cư văn hóa.
Qua 20 năm tổ chức, toàn tỉnh có trên 1.500 tập thể và trên 100.000 cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu được biểu dương tại Ngày hội. Qua 20 năm tổ chức Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” bằng cách làm sáng tạo, linh hoạt, tại mỗi khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã và đang nhân lên những giá trị và ý nghĩa của Ngày hội, để hàng năm cứ vào ngày 18/11, mỗi người dân trên khắp khu dân cư lại được gặp gỡ, giao lưu, được thể hiện quyền làm chủ của mình. Thông qua Ngày hội, tình làng, nghĩa xóm thêm bền chặt, những giá trị văn hóa, bản sắc tốt đẹp được bảo tồn, dân chủ được phát huy, vai trò tự quản trong Nhân dân được khẳng định đã củng cố và mở rộng khối Đại đoàn kết toàn dân để chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng đổi mới.
Mai Lan