Trong hoạt động kinh doanh ngày nay, việc đảm bảo một môi trường lao động an toàn không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là trách nhiệm đạo đức và xã hội của mỗi doanh nghiệp, từ đó quyết định đến sự ổn định và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Thời gian gần đây, dư luận không khỏi bàng hoàng, day dứt khi liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng, khiến nhiều người thương vong tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Điển hình như vụ cháy khí metan trong hầm lò ở Quảng Ninh, làm 4 công nhân chết; vụ nổ tại cụm công nghiệp Phú Lâm, tỉnh Bắc Ninh làm 1 người chết, 2 người bị thương. Tiếp đó là vụ tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái làm chết 7 công nhân và 3 người bị thương. Gần đây nhất là vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng do nổ lò hơi tại Nhà máy gỗ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai khiến 6 người chết và nhiều người bị thương… Những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, những cái chết thương tâm xảy ra trước và trong Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2024 khiến dư luận bàng hoàng, để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.
Đối với Ninh Bình, theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 93 vụ tai nạn lao động, trong đó có 8 vụ tai nạn lao động chết người, làm chết 9 người và hàng chục người khác bị thương. Thực tế cho thấy, dù đã có nhiều bài học đắt giá trong việc cần phải tuân thủ cũng như tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động, nhưng câu chuyện về việc cần thiết phải đảm bảo sự an toàn tuyệt đối trong quá trình lao động, sản xuất vẫn chưa được người sử dụng lao động và người lao động quan tâm, chú trọng, đặt lên hàng đầu.
Phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn lao động, đặc biệt là các vụ tai nạn nghiêm trọng, cơ quan chức năng nhận thấy, nguyên nhân chủ quan chiếm phần lớn, lên tới 75%. Những nguyên nhân này bắt nguồn từ sự coi nhẹ, làm việc không tuân thủ quy trình, quy định, chủ quan, thiếu trách nhiệm, lơ là của người sử dụng lao động và người trực tiếp làm việc. Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cán bộ chưa cao, chưa sâu sát trong chỉ đạo thực hiện.
Cùng với đó là một số doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động chưa đầu tư thỏa đáng về phương tiện, đồ dùng, dụng cụ sử dụng cho công tác bảo hộ lao động. Một bộ phận người lao động dù đã được huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động nhưng do ý thức chủ quan, sơ suất, chạy theo năng suất, số lượng sản phẩm nên để xảy ra tai nạn… Thêm nữa, việc tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động chưa thực sự hiệu quả, chưa dự báo, kiểm soát hết các nguy cơ có thể xảy ra tai nạn lao động để kịp thời có các biện pháp phòng tránh hiệu quả…
Trong các Công điện được ban hành sau các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ đều yêu cầu khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật, không để xảy ra các vụ tai nạn tương tự… Tai nạn lao động có thể giảm được khi người sử dụng lao động và người lao động ý thức được đầy đủ trách nhiệm của mình và càng cẩn thận bao nhiêu thì tai nạn càng ít bấy nhiêu. Khi tai nạn lao động giảm xuống mức thấp nhất, có nghĩa là chất lượng cuộc sống của người lao động được nâng cao. Cần xuất phát từ nguyên tắc hướng về con người, trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh, việc duy trì an toàn tính mạng của người lao động phải được coi là quan trọng nhất và đặt lên hàng đầu, trên hết.
Để dòng chữ “An toàn là trên hết” không chỉ là khẩu hiệu treo tại các doanh nghiệp, công trường, mà trở thành nguyên tắc vàng, là yêu cầu bắt buộc trong quá trình lao động, đòi hỏi phải có sự vào cuộc và hưởng ứng tích cực từ nhiều phía. Trong đó, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cần chủ động và phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo nên ý thức trách nhiệm và hiểu biết về an toàn lao động trong toàn xã hội.
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tại các doanh nghiệp. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ các đơn vị kiểm tra, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc… Ngành chức năng cần nắm bắt, nâng cao hơn nữa công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong các đơn vị, tập trung vào một số nội dung, như thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động; quan tâm công tác quản lý, kỹ thuật an toàn; chú trọng phòng ngừa tai nạn, đình chỉ, xử lý các hoạt động sản xuất kinh doanh trái phép… Từ đó mới có thể bảo đảm được tính mạng và tài sản, hạn chế thấp nhất số vụ tai nạn lao động, giảm thiệt hại cho người lao động và doanh nghiệp.
Bài, ảnh: Huy Hoàng