Hướng mạnh về cơ sở
Ngay sau thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Ninh Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã kịp thời cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội thành 5 chương trình công tác để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sâu sát, cụ thể với các giải pháp, lộ trình phù hợp, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ và hướng mạnh về cơ sở.
Với phương châm hướng mạnh về cơ sở, Thành ủy đã quán triệt và thực hiện nghiêm việc phân công các đồng chí Thành ủy viên, lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng, Văn phòng Thành ủy, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội thành phố dự sinh hoạt hàng quý với chi bộ thôn, tổ dân phố thuộc Đảng bộ các phường, xã để theo dõi, hướng dẫn các chi bộ tổ chức sinh hoạt. Việc phân công các đồng chí cấp ủy cấp trên dự sinh hoạt định kỳ với chi bộ trực thuộc Đảng bộ xã, phường đã đem lại hiệu quả tích cực: các đồng chí cán bộ cấp thành phố sâu sát cơ sở hơn, nắm tình hình, kịp thời giải quyết những băn khoăn, thắc mắc của đảng viên ở cơ sở hoặc phản ánh với cấp có thẩm quyền để xử lý, giải quyết. Nhờ vậy, chất lượng sinh hoạt của chi bộ khu dân cư từng bước được nâng lên, khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo ở địa phương.
Điểm nổi bật trong đổi mới phương thức lãnh đạo, đó là Thành ủy đã coi trọng và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Thành ủy đã chỉ đạo các chi bộ, đảng bộ thực hiện nghiêm việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Chủ đề công tác hàng năm của Tỉnh ủy, Thành ủy. Thường trực Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chủ đề công tác năm của Tỉnh ủy, Thành ủy bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đã đề ra. Lãnh đạo thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội, ban hành thông báo chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị chủ trì để tổ chức thực hiện. Chỉ đạo theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố. Kịp thời xử lý nghiêm trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ và thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo UBND thành phố đã có văn bản phê bình lần 1 đối với 20 cán bộ quản lý các phòng, ban, xã, phường và phê bình 18 tập thể do thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ và ý kiến chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy. Cùng với đó, Thành ủy chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, trong đó đề cao công tác phối hợp giữa công tác kiểm tra Đảng với công tác thanh tra của Nhà nước, giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tiếp nhận và giải quyết đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo theo quy định, không để tồn đọng.
Thành ủy Ninh Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm Quyết định số 1248-QĐ/TU ngày 15/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quy định về lãnh đạo các cấp thực hiện đối thoại trực tiếp với nhân dân. Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, lãnh đạo các cấp trên địa bàn thành phố đã tổ chức 154 cuộc đối thoại, trong đó Thường trực Thành ủy tổ chức 3 hội nghị đối thoại, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội thành phố tổ chức 12 hội nghị đối thoại, Đảng ủy các phường, xã, các tổ chức chính trị – xã hội phường, xã tổ chức 140 hội nghị đối thoại. Qua hội nghị đối thoại, những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, tạo được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân; Quy chế dân chủ ở cơ sở tiếp tục được coi trọng, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy, khơi dậy được tiềm năng, sức sáng tạo và tinh thần đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, trở thành động lực quan trọng để thành phố hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.
Bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, xây dựng đô thị
Hướng mạnh về cơ sở, quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở, thành phố Ninh Bình đã và đang tạo sự đồng thuận trong nhân dân và tạo ra những đột phá trong phát triển kinh tế.
Với lợi thế là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh, thành phố đã tranh thủ sự quan tâm ủng hộ của tỉnh và phát huy tối đa các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị, quan tâm xây dựng các công trình hạ tầng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Trong đó tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, chỉnh trang đô thị, xử lý ô nhiễm môi trường…
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư 118 công trình, với tổng mức đầu tư 3.124 tỷ đồng; trong đó tập trung cải tạo, chỉnh trang một số tuyến đường trục chính, một số công trình tạo điểm nhấn đô thị và quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa các công trình giáo dục và các công trình phúc lợi công cộng khác. Đồng thời đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ đô thị, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đô thị; hệ thống điện chiếu sáng và trang trí chiếu sáng; cải tạo các điểm, nút giao thông, biển báo, biển chỉ dẫn, giải phân cách. Đầu tư xây dựng công viên cây xanh công cộng (đã triển khai xây dựng phương án đầu tư xây dựng đối với cảnh quan hai bờ sông Vân (đoạn từ cầu Lim đến sông Đáy); Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế; công viên cây xanh núi Ngọc Mỹ Nhân); đầu tư một số dự án trọng điểm về xây dựng trường học, trạm y tế như: Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Nam Thành; Trường Mầm non Nam Bình; Trường Mầm non Bích Đào; Trạm Y tế xã Ninh Phúc… Xây dựng, cải tạo, nâng cấp các nghĩa trang nhân dân trên địa bàn thành phố… Các công trình được đầu tư xây dựng đã và đang tạo điểm nhấn trong phát triển đô thị của thành phố.
Trong phát triển kinh tế, thành phố đã chủ động, tích cực kêu gọi, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế tư nhân, hộ gia đình đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Chú trọng duy trì, phát triển và bảo tồn làng nghề mộc truyền thống; kêu gọi đầu tư trên địa bàn như: Khu công nghiệp Phúc Sơn, Cụm công nghiệp Cầu Yên. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng lợi thế từng vùng sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, an toàn, sản xuất tiên tiến, tập trung phát triển sản phẩm đặc sản, đặc hữu, sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với địa bàn thành phố; tăng cường các giải pháp thu ngân sách…
Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, kinh tế thành phố tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ. Nổi bật là hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển; đặc biệt là các hoạt động kinh doanh khách sạn, dịch vụ du lịch được phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát; công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển. Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 110.088 tỷ đồng, tăng 37,1% so với năm 2021 và tăng 66,9% so với năm đầu triển khai Nghị quyết (năm 2020); tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 28.562 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm 2021. Tốc độ tăng doanh thu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh bình quân hàng năm đạt 17,6%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 66,3 triệu đồng/năm, tăng 2% so với năm 2020. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2022 đạt 1.682 tỷ đồng, tăng 1,4% so với năm 2020 và vượt 97% so với chỉ tiêu Đại hội. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả cao được nhân rộng như: mô hình trồng lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ tại phường Ninh Sơn; mô hình nuôi ốc, nuôi cua và nuôi gà an toàn sinh học tại xã Ninh Nhất; mô hình trồng hoa phục vụ du lịch tại xã Ninh Tiến…
Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Năm 2022, tổng số hộ nghèo của thành phố giảm xuống còn 289 hộ, có 3/14 phường, xã không còn hộ nghèo.
Những kết quả đạt được sau hơn hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX đã tạo tiền đề quan trọng để thành phố tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh, bứt phá vươn lên, sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố Ninh Bình theo tiêu chí đô thị loại I.
Mai Lan