Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, ngày 16/1, Quốc hội thảo tại tổ và thảo luận tại hội trường về: dự thảo Nghị quyết về “Một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”; việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Theo đó, trong chương trình buổi sáng, các đại biểu thảo luận tại tổ. Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Quảng Bình, Tiền Giang.
Thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết “Một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”, đại biểu Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình thống nhất với việc ban hành chính sách đặc thù để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Cơ bản thống nhất với các nội dung, chính sách của dự thảo Nghị quyết và đồng tình cao với cơ chế sử dụng ngân sách Nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa. Trong đó, đề xuất quy định chủ dự án phát triển sản xuất (gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người dân) khi được giao thực hiện việc mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cũng được tự quyết định phương thức mua sắm hàng hóa trong phạm vi nội dung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đại biểu, việc ban hành cơ chế này sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, HTX, người dân, nhất là giảm thiểu thời gian thực hiện cũng như những bất cập trong thực hiện Luật Đấu thầu.
Đối với phương án đề xuất về “cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất”, đại biểu tán thành với phương án thứ 2 (Chủ dự án phát triển sản xuất quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước trong thời gian thực hiện dự án. Cơ quan quản lý dự án chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát quá trình quản lý, sử dụng tài sản. Cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định hỗ trợ, chuyển giao quyền sử dụng, quyền sở hữu các trang thiết bị, công cụ, tài sản có giá trị nhỏ cho người dân, hộ gia đình tham gia dự án ngay từ khi phê duyệt dự án. Sau thời điểm kết thúc dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cơ quan quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chủ dự án phát triển sản xuất tổ chức kiểm kê, đánh giá và xử lý tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước). Tuy nhiên, nếu thực hiện cơ chế này, đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ khẩn trương chỉ đạo ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về xác định tài sản giá trị nhỏ và quy trình xử lý tài sản, tạo nền tảng khung pháp lý để các địa phương thực hiện.
Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý cụ thể về các phương án đề xuất thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong chương trình buổi chiều, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về hai dự thảo trên, trong đó tập trung làm rõ về một số vấn đề như: cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm; về sử dụng ngân sách Nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ phát triển sản xuất; về phân bổ vốn thực hiện Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu…
Mai Lan – Tuấn Anh