Chiều 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn.
Cùng với việc phát sóng trực tiếp trên sóng truyền hình và phát thanh, phiên chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tham dự tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, TUV, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các vị ĐBQH tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành có liên quan.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các ĐBQH đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan các nhóm vấn đề: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản (thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng…). Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.
Chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đặt câu hỏi: Thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu đối với sản phẩm hải sản khai thác xuất khẩu của Việt nam vào thị trường EU không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín, vị thế quan hệ ngoại giao của nước ta. Qua 3 lần kiểm tra, đánh giá, mặc dù Ủy ban châu Âu đã ghi nhận, đánh giá cao Việt Nam tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, quyết liệt chống khai thác IUU và có những chuyển biến tích cực. Nhưng đến nay đã gần 6 năm, nước ta chưa gỡ được thẻ vàng. Trong khi Philippines chỉ mất 9 tháng và Thái Lan mất 3 năm gỡ thẻ vàng. Dự kiến Ủy ban châu Âu sẽ tiến hành đánh giá lần 4 vào tháng 10/2023 và nước ta đặt mục tiêu gỡ thẻ vàng trong lần đánh giá này. Trong Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xác định 5 giải pháp để tháo gỡ thẻ vàng. Xin Bộ trưởng cho biết, những giải pháp đó đã đầy đủ, đồng bộ, triệt để chưa và Việt Nam có thể đạt được mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU trong lần đánh giá thứ tư của Ủy ban châu Âu vào tháng 10/2023 sắp tới không?
Trả lời chất vấn của Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ thẻ vàng IUU theo lộ trình đã đề ra, hướng tới mục tiêu cuối cùng là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển.
Bộ trưởng cho biết, so sánh với Philippines hoặc Thái Lan, cấu trúc ngành hàng của các quốc gia này bền chặt hơn Việt Nam, từ ngư dân tới doanh nghiệp đều được xây dựng hệ sinh thái ngành hàng. Các quốc gia này sử dụng các biện pháp rất mạnh, như đánh đắm tàu vi phạm quy định. Trong khi đó ở Việt Nam, gần 60% vi phạm ở các địa phương vẫn chưa được xử lý. Với khó khăn, bất cập trên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và tham mưu, đề xuất các giải pháp đủ sức răn đe nhằm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Trong phiên làm việc chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn ba nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tại phiên chất vấn đã có 26 đại biểu chất vấn, 3 đại biểu tranh luận; một số đại biểu chất vấn liên quan đến trách nhiệm của các Bộ trưởng: Công Thương, Y tế, Tài chính.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chuẩn bị tốt nội dung, tập trung trả lời các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm; giải trình khá đầy đủ, có tinh thần trách nhiệm và cầu thị các vấn đề liên quan đến những tồn tại, hạn chế. Đồng thời ghi nhận nỗ lực của Bộ trưởng trong việc đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục những bất cập trong phạm vi phụ trách khi trả lời các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội.
Qua buổi chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, Chính phủ và các thành viên Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, các cấp, các ngành và các địa phương đã nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến nội dung được lựa chọn để chất vấn. Nhiều giải pháp đã và đang triển khai đạt được kết quả tích cực; cân đối cung cầu, an ninh lương thực quốc gia được đảm bảo, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản từng bước được cải thiện; các giải pháp tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản có bước tiến triển được Ủy ban châu Âu bước đầu ghi nhận.
Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đối với ba lĩnh vực còn bất cập, hạn chế, thiếu sót, đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đảm bảo thu nhập, đời sống cho người nông dân, tạo chuyển biến cụ thể, rõ nét trong thực tế.
Hồng Giang – Đức Lam – Anh Tú