Ngày 30/8, đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) do đồng chí Phó Cục trưởng Nguyễn Quý Dương dẫn đầu đã đi kiểm tra thực tế đồng ruộng, đánh giá tình hình sâu bệnh trên lúa Mùa ở tỉnh Ninh Bình.
Tiếp và làm việc với đoàn có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh.
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Vụ Mùa 2024, toàn tỉnh gieo cấy trên 31 nghìn ha lúa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 13/7 đến ngày 25/7/2024, nhiều diện tích lúa mới gieo cấy đã bị ngập úng, phải dặm tỉa, gieo cấy lại. Vì vậy đến ngày 5/8/2024 toàn tỉnh mới cơ bản kết thúc gieo cấy và muộn hơn so với vụ Mùa 2023 từ 10-15 ngày.
Đến thời điểm này, đa phần các diện tích lúa trên địa bàn tỉnh đều đang sinh trưởng, phát triển tốt, đã có khoảng 5.000 ha lúa trỗ bông, tập trung chủ yếu ở các huyện Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh.
Về tình hình sâu bệnh, vụ này, thời gian phát sinh các đối tượng sinh vật gây hại muộn hơn trung bình nhiều năm và muộn hơn so với vụ Mùa năm 2023 từ 5-7 ngày. Tổng diện tích nhiễm các đối tượng sinh vật gây hại trên toàn tỉnh đến ngày 29/8/2024 là gần 18.800 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng là 4.046,9 ha. Diện tích đã phòng trừ là 5.475 ha. Các đối tượng sinh vật gây hại chính là: Sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá,… có mức độ hại tương đương so với vụ Mùa năm 2023.
Sau khi nghe báo cáo và đi kiểm tra thực tế đồng ruộng tại các huyện Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn, đồng chí Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV ghi nhận những nỗ lực trong công tác chỉ đạo và kết quả đạt được của vụ Mùa 2024 tính đến thời điểm này tại Ninh Bình.
Đồng chí lưu ý, năm nay, Ninh Bình cũng như một số địa phương khác như Nam Định, Hà Nam, Thái Bình… bị ảnh hưởng của trận mưa lớn đầu vụ khiến nhiều diện tích bị ngập úng, phải dặm tỉa, gieo cấy lại. Do vậy sẽ có rất nhiều trà lúa khác nhau, đặc biệt những trà lúa gieo cấy lại phải sang đầu hoặc trung tuần tháng 10 mới trỗ bông hết được. Nguy cơ sâu đục thân hai chấm, sâu cuốn lá nhỏ lứa cuối cộng dồn gây hại rất cao.
Bên cạnh đó với thời tiết mưa nhiều, bệnh khô vằn, bạc lá cũng rất cần lưu tâm. Đáng lo ngại hơn là tình trạng lúa trỗ bông muộn gặp rét đầu vụ có thể ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn, làm lép hạt, ảnh hưởng đến năng suất. Do đó, tỉnh phải đặc biệt quan tâm, cắt cử cán bộ bám sát đồng ruộng, phân rõ các trà lúa, tùy tình hình cụ thể ở các địa phương, xác định đối tượng sinh vật gây hại chính để xác định thời gian, thời điểm cụ thể, biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả, bảo đảm sản xuất vụ Mùa an toàn và thắng lợi.
Nguyễn Lựu – Anh Tuấn
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/cuc-bao-ve-thuc-vat-kiem-tra-tinh-hinh-sau-benh-hai-lua-tai/d20240829114038746.htm