Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Tại kỳ họp HĐND tỉnh tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm, xem xét và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của tỉnh. Cử tri và Nhân dân đã có nhiều ý kiến trao đổi với phóng viên Báo Ninh Bình về nội dung, chương trình kỳ họp, cũng như kỳ vọng vào những quyết sách được thông qua.
Thảo luận, xem xét và thông qua nhiều vấn đề quan trọng
Theo dõi chương trình Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, tôi đánh giá kỳ họp diễn ra rất thành công. Tại Kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, thảo luận sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, có trọng tâm, trọng điểm; có nhiều ý kiến phát biểu sâu sắc, trên tinh thần xây dựng, phản ánh khách quan, toàn diện thực tế đời sống xã hội tại hội trường và tại tổ. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp đã đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân với việc đi thẳng vào vấn đề người dân quan tâm, từ đó tạo ra sự hài lòng của đa số cử tri với chất lượng, nội dung chất vấn.
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa XV đã xem xét, biểu quyết thông qua 13 nghị quyết quan trọng nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý, là động lực để tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Tôi mong rằng, các nghị quyết vừa được kỳ họp thông qua sẽ sớm đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Ông Đặng Văn Phú
(Xã Yên Phong, huyện Yên Mô)
Nội dung chất vấn sát thực tế, đại biểu trả lời thẳng thắn, trách nhiệm
Qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa XV, tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu dân cử cũng như chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Phiên chất vấn diễn ra trong không khí thẳng thắn, cởi mở, đi sâu vào các vấn đề người dân đang quan tâm. Các đại biểu đã nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề và không ngại va chạm.
Các nội dung được lựa chọn đưa ra chất vấn phù hợp với tình hình thực tế, được dư luận, cử tri và Nhân dân trong tỉnh quan tâm, như: Việc duy trì và phát triển các sản phẩm OCOP cấp tỉnh; sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Y tế… Các nhóm vấn đề đã được lãnh đạo UBND tỉnh và thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trả lời thẳng thắn, đi vào trọng tâm, đồng thời đã đưa ra các cam kết, giải pháp để khắc phục hạn chế, bất cập nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực phụ trách; qua đó thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm của đại biểu dân cử và các thành viên UBND trước cử tri và Nhân dân.
Thời gian tới, tôi mong muốn các đại biểu HĐND tỉnh sẽ tiếp tục sâu sát, gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, tiếp thu ý kiến từ cơ sở để kịp thời phản ánh tới các cơ quan chức năng giải quyết nguyện vọng chính đáng của cử tri.
Ông Phạm Xuân Đạo
(Xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư)
Bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính
Thực hiện chủ trương về sắp xếp đơn vị hành chính, xã Khánh Thiện sẽ sáp nhập với xã Khánh Tiên (Yên Khánh) thành đơn vị hành chính mới lấy tên là xã Khánh Thiện, nhằm mở rộng diện tích và dân số theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Là Chủ tịch Hội CCB xã Khánh Thiện, ban đầu tôi cũng có chút băn khoăn nhưng khi được tuyên truyền, giải thích về chủ trương này, cá nhân tôi rất đồng tình.
Theo dõi Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa XV, tôi được biết, HĐND tỉnh đã xem xét, quyết nghị ban hành Nghị quyết “Quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp huyện và cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”, tôi cho đây là quyết sách rất kịp thời, phù hợp với thực tiễn.
Với những quy định cụ thể về đối tượng áp dụng, nguyên tắc hỗ trợ, mức hỗ trợ…, Nghị quyết được kỳ vọng không những kịp thời động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, cấp thôn dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính, mà còn tạo thuận lợi cho các địa phương tinh giản biên chế, hoàn thành việc sắp xếp theo kế hoạch. Tôi mong muốn, các địa phương sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết một cách nghiêm túc, nhất là bảo đảm thời hạn chi trả kinh phí hỗ trợ từ khi có thẩm quyền phê duyệt, qua đó góp phần bảo đảm đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ công tác do sắp xếp.
Ông Nguyễn Hải Đường
(Chủ tịch Hội CCB xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh)
Công trình mang tên “Nhà hát Phạm Thị Trân” phù hợp với văn hóa truyền thống của tỉnh
Được biết, Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa XV đã thông qua Nghị quyết đặt tên công trình công cộng Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh Ninh Bình là “Nhà hát Phạm Thị Trân”, tôi rất vui mừng và hoàn toàn ủng hộ. Tôi thường xuyên theo dõi và đã tham gia đóng góp ý kiến từ khi còn là dự thảo Đề án được Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng tới khi Nghị quyết đặt tên công trình công cộng Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Ninh Bình được thông qua.
Khi Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh được khánh thành và đưa vào sử dụng, người dân chúng tôi rất tự hào và phấn khởi vì có công trình khang trang, hiện đại phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.
Là người đam mê nghệ thuật hát chèo nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung, tôi cho rằng đặt tên Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh Ninh Bình là “Nhà hát Phạm Thị Trân” rất hợp lý. Cụ Phạm Thị Trân là bà tổ của nghệ thuật hát Chèo, có những đóng góp quan trọng trong ngành sân khấu Chèo dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng. Trong khi đó, Ninh Bình là một trong những “cái nôi” của nghệ thuật hát Chèo. Việc đặt tên Nhà hát Phạm Thị Trân vừa phù hợp với bản sắc và văn hóa truyền thống của tỉnh, vừa thể hiện sự tri ân, tôn vinh đối với bà tổ của nghệ thuật hát Chèo; đồng thời tạo điểm nhấn, nét đặc trưng riêng cho công trình.
Trong nhịp sống hiện đại, nhiều giá trị truyền thống trong đó có nghệ thuật Chèo dần mai một, công trình mang tên “Nhà hát Phạm Thị Trân” sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh và cả nước.
Bà Đỗ Thị Tố
(Phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình)
Nhóm PV
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/cu-tri-phan-khoi-truoc-thanh-cong-cua-ky-hop-thu-22-hdnd/d20240710111639923.htm