Mưa, lũ và tác động của các hình thái thiên tai đã tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống, kinh tế – xã hội. Chính vì vậy, ngay khi bắt đầu mùa mưa, bão, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai.
Thời gian qua, nhiều đợt mưa lớn xảy ra đã làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, với cây lúa, có những đợt mưa gây ngập úng ảnh hưởng đến lúa mới cấy dẫn đến phải gieo cấy lại làm tăng chi phí, chậm thời vụ. Với diện tích lúa chuẩn bị cho thu hoạch mưa lớn gây ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất.
Điển hình như đợt mưa lớn vừa qua do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 2, có khu vực lượng mưa lên đến 457mm đã khiến gần 6.200 ha lúa Mùa trên địa bàn tỉnh vừa cấy ngập sâu dưới nước. Ngay sau đó lại thêm đợt mưa do ảnh hưởng của cơn bão số 2 càng làm gia tăng tình trạng ngập úng, nhiều diện tích lúa không có khả năng phục hồi phải cấy lại. Để nhanh chóng khắc phục hậu quả của đợt mưa lớn, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã vận hành 309 máy bơm/74 trạm và mở 30 cống dưới đê; 13 cống, tràn hồ để tiêu úng, cứu lúa. Nhiều diện tích lúa đến nay đã được tiêu úng nhanh. Đồng thời, các địa phương cũng chỉ đạo, triển khai thực hiện phối hợp với các đơn vị khoanh vùng, điều tiết nước hợp lý cho từng diện tích lúa mới gieo cấy.
Dự báo tâm điểm của mùa mưa bão năm nay ở Ninh Bình sẽ rơi vào khoảng tháng 8 đến đầu tháng 9, do vậy, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã chủ động nguồn lực, phương tiện vận hành các công trình ứng phó mưa lớn bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt quan tâm các hồ chứa nước.
Đồng chí Vũ Trần Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết: Là đơn vị quản lý các công trình thủy lợi, hàng năm Công ty đều triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác quản lý an toàn hồ chứa nước. Công ty đang quản lý tổng số trạm bơm tưới, tiêu, tưới tiêu kết hợp là 152 trạm/655 máy; 219 âu, cống tuyến đê; 7 hồ chứa nước và 1 đập dâng với tổng dung tích hữu ích là 25,51 triệu m3; 314 tuyến kênh, tổng chiều dài kênh là 692.925.9 m.
Để chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết và các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm nay, ngay từ đầu năm, đơn vị đã thành lập đoàn kiểm tra đánh giá chất lượng các công trình, máy móc, thiết bị trước mùa mưa lũ năm 2024 và tổng hợp những hư hỏng cần sửa chữa, thay thế, nâng cấp để làm cơ sở cho việc lập kế hoạch sửa chữa, phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống lụt bão.
Qua kiểm tra Công ty đã đề xuất và tiến hành sửa chữa 94 máy bơm, động cơ, đường ống và thiết bị điện các loại; 122 công trình bệ máy, nền, tường, cửa và mái nhà; 127 cống dưới đê có hiện tượng rò rỉ, thay cánh cống, sửa chữa máy đóng mở; 130 tuyến kênh tưới, tiêu sửa chữa trị rò, xây tường kênh, nạo vét khơi thông dòng chảy. Đặc biệt, Công ty đã tiến hành khảo sát hiện trạng 7 hồ chứa nước là: Yên Quang, Thường Xung, Đá Lải, Đập Trời, Yên Thắng, Yên Đồng, Núi Vá và Đập dâng Thác La phát hiện các điểm xung yếu cần sửa chữa nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu phục vụ mùa mưa bão năm nay.
Bên cạnh đó, Công ty đã bổ sung vật tư, công cụ, dụng cụ và sửa chữa phương tiện, trang thiết bị phòng chống thiên tai đầy đủ, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố. Công tác thông tin liên lạc trong mùa mưa bão cũng đã được chuẩn bị chu đáo. “Chúng tôi thực hiện chế độ trực ban 24/24 giờ, đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” và tăng cường phối hợp với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương nhằm triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan trong mùa mưa lũ năm 2024″, đồng chí Vũ Trần Kiên, Phó Giám đốc Công ty thông tin thêm.
Năm 2024, do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên dự báo thời tiết, thủy văn mùa mưa, bão, lũ sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường. Ninh Bình có khả năng chịu ảnh hưởng của 1-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, 8-11 đợt nắng nóng. Nhiệt độ trung bình toàn mùa ở mức cao, lượng mưa xấp xỉ hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác như giông lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, mưa lớn trong thời gian ngắn gây ngập úng ở đô thị và vùng trũng thấp.
Thêm vào đó, hiện tượng mưa lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc khiến các hồ thủy điện ở thượng lưu đổ về hạ lưu làm mực nước các sông Đáy, sông Hoàng Long lên cao gây khó khăn cho công tác tiêu úng ở các vùng phân lũ và chậm lũ.
Trước những dự báo trên, Công ty đã triển khai đồng bộ các giải pháp để ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan nhất là mưa lớn cục bộ. Trước mắt, Công ty đã hạ thấp mực nước ở các hồ chứa, đảm bảo mực nước sông ở ngưỡng an toàn.
Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho các khu, cụm công nghiệp trong mùa mưa bão, Công ty đã phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Công Thương chủ động khơi thông dòng chảy, sửa chữa các trạm bơm để vận hành an toàn khi có mưa lớn kéo dài.
Mùa mưa bão năm 2024 đang đến và dự báo thời gian tới còn nhiều diễn biến phức tạp. Tin tưởng với sự quan tâm sát sao của các cấp, các ngành, sự chủ động, trách nhiệm của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh và sự ủng hộ của người dân, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho Nhân dân.
Nguyễn Thơm
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/cong-ty-tnhh-mtv-khai-thac-cong-trinh-thuy-loi-tinh-chu-dong/d20240731160754138.htm