Ngày 12/9/2024, UBND tỉnh Ninh Bình có Công điện số 24/CĐ – UBND về việc tập trung triển khai ứng phó với mưa lũ, gửi: Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể; các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.
Công điện nêu rõ: Những ngày qua, tại Bắc Bộ đã liên tiếp xảy ra mưa rất lớn trên diện rộng, lũ một số nơi trên thượng nguồn đã vượt mức lũ lịch sử, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đã xảy ra ở nhiều địa phương gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Các hồ chứa đã được vận hành góp phần cắt lũ giảm lũ ở hạ du nhưng lũ trên các tuyến sông ở Bắc Bộ vẫn lên mức báo động 2 đến báo động 3, một số nơi vượt báo động 3, gây ngập lụt nghiêm trọng vùng ven sông, đe dọa an toàn đối với đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Theo dự báo, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu tiếp tục lên, duy trì ở mức cao trong nhiều ngày, diễn biến rất phức tạp. Mực nước sông Hoàng Long tại Bến Đế (lúc 11h: 4,79 m), khả năng lên mức 5,20-5,40 m (trên báo động 3 từ: 1,20-1,40 m), trên sông Đáy tại Ninh Bình (lúc 11h: 4,09 m) tiếp tục lên mức 4,15-4,35 m (trên báo động 3 từ: 0,65-0,85 m). Lũ trong sông lên cao, kết hợp với mưa lớn; nguy cơ uy hiếp an toàn đê điều, gây lũ quét, sạt lở đất đá ở vùng núi, ngập lụt vùng ven sông, vùng trũng thấp ở diện rộng; có thể gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Thực hiện Công điện số 93/CĐ-TTg ngày 11/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó với lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình.
Để chủ động ứng phó với lũ lớn, đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể; thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm Công điện số 93/CĐ-TTg ngày 11/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 23/CĐ-UBND ngày 10/9/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình và tập trung triển khai một số nội dung sau:
1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố: Chỉ đạo Đảng ủy, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền đến nhân dân các biện pháp chủ động ứng phó với mưa, lũ, lụt; huy động tối đa lực lượng Công an, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, lực lượng quản lý đê nhân dân tổ chức trực, tuần tra 24/24 trên từng km đê và các cống dưới đê trên địa bàn quản lý. Kịp thời phát hiện, xử lý ngay các sự cố có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ.
Rà soát, kiểm tra, sẵn sàng triển khai trên thực tế các phương án hộ đê toàn tuyến; phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu theo phương châm “bốn tại chỗ”; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị tại các trọng điểm xung yếu để kịp thời triển khai hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu.
Phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi sẵn sàng chuẩn bị phai cổng dự phòng tại vị trí cửa cống trên các tuyến đê.
Tiếp tục rà soát, triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân sinh sống tại các khu vực ngoài bãi sông (kể cả trong các tuyến đê bối có nguy cơ mất an toàn), kiên quyết không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm khi lũ lên cao (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).
UBND các huyện Nho Quan, Gia Viễn thường xuyên thông tin cho người dân về tình hình mưa, lũ; chuẩn bị sẵn sàng phương án di dân trong trường hợp phải xử lý vận hành tràn Lạc Khoái và tràn Đức Long, Gia Tường. UBND thành phố Tam Điệp có phương án đảm bảo an toàn cho nhân dân trong trường hợp xảy ra lũ quét và ngập úng cục bộ.
2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành
2.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai công tác phòng, chống lũ, hộ đê theo cấp báo động để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, trong đó phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê (đặc biệt là các tuyến đê từ cấp III trở lên).
2.2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đảm bảo quân đội là lực lượng chủ lực thực hiện nhiệm vụ hộ đê theo đúng phương án; phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn rà soát, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra; chuẩn bị lực lượng, phương tiện hỗ trợ di dân trên địa bàn huyện Gia Viễn và huyện Nho Quan khi có yêu cầu.
2.3. Công an tỉnh đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực sơ tán dân cư đi và đến, trật tự an toàn giao thông, sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương cứu hộ, cứu nạn ứng phó với lũ lớn.
2.4. Sở Giao thông Vận tải triển khai chỉ đạo đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa, không để xảy ra sự cố với phương tiện giao thông thủy gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, các cầu qua sông, nhất là trên các tuyến sông có lũ lớn.
2.5. Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh triển khai vận hành công trình đảm bảo tiêu úng theo đúng quy trình vận hành được phê duyệt và theo ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
2.6. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Bình tăng cường công tác dự báo, cảnh báo mưa lũ, bảo đảm kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó lũ.
2.7. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình, hệ thống đài truyền thanh các cấp tăng cường các thông tin về diễn biến của mưa lớn, lũ, sạt lở đất, ngập úng đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
2.8. Các sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với các địa phương triển khai công tác ứng phó với mưa lũ theo quy định.
3. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Ninh Bình.
P.V
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/cong-dien-so-24-cua-ubnd-tinh-ve-viec-tap-trung-trien-khai/d20240912154655834.htm