Ngày 15/7, Kiểm toán Nhà nước và UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị công bố Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc kiểm toán Chuyên đề việc điều tiết, quản lý, sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh và Chuyên đề về việc quản lý và cho thuê đất công ích giai đoạn 2022-2023 tại tỉnh Ninh Bình.
Dự hội nghị về phía Kiểm toán Nhà nước có đồng chí Đoàn Chiến Thắng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực XI; các thành viên trong Đoàn kiểm toán.
Đại biểu tỉnh có đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán.
Tại hội nghị, đồng chí Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực XI Nguyễn Đình Hòa đã công bố Quyết định số 1355/QĐ-KTNN của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc kiểm toán Chuyên đề việc điều tiết, quản lý, sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh và Chuyên đề về việc quản lý và cho thuê đất công ích giai đoạn 2022-2023 tại tỉnh Ninh Bình.
Mục tiêu của hoạt động kiểm toán này nhằm đánh giá tính trung thực, hợp lý của thông tin, số liệu điều tiết, thông tin tài chính (nguồn vốn đầu tư, chi phí đầu tư thực hiện) của các dự án; đánh giá việc tuân thủ theo Nghị quyết HĐND tỉnh Ninh Bình về việc điều tiết, quản lý, sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý và cho thuê đất công ích của địa phương; phát hiện những tồn tại, bất cập trong cơ chế, chính sách để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí, sai phạm trong quá trình thực hiện để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Nội dung kiểm toán tập trung vào việc điều tiết, quản lý, sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; nguồn vốn đầu tư, chi phí đầu tư thực hiện các Dự án; việc tuân thủ pháp luật, chế độ quản lý đầu tư xây dựng, tài chính, kế toán và các chính sách pháp luật khác có liên quan; việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý và cho thuê đất công ích, việc hạch toán, quản lý các khoản thu, nguồn thu từ đất công ích.
Phạm vi kiểm toán là năm 2023 và các thời kỳ trước, sau có liên quan của các đơn vị được kiểm toán. Riêng kiểm toán chi tiết các dự án thì tính từ khi triển khai dự án đến thời điểm 30/6/2024. Thời hạn kiểm toán: 45 ngày kể từ ngày công bố Quyết định kiểm toán.
Theo Quyết định, sẽ có 9 đơn vị được kiểm toán trong lần này. Trong đó có 3 đơn vị tổng hợp gồm: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước và 6 huyện, thành phố trong tỉnh gồm: thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp, huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đoàn Chiến Thắng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực XI mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của tỉnh Ninh Bình, các đơn vị được kiểm toán để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu đặt ra. Đồng thời nhấn mạnh, trong quá trình làm việc, Đoàn kiểm toán sẽ có kế hoạch sớm, cụ thể để tránh ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đơn vị được kiểm toán.
Thông báo sơ lược với Đoàn kiểm toán về những kết quả trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh những tháng đầu năm, đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng cảm ơn Kiểm toán Nhà nước luôn đồng hành với tỉnh Ninh Bình trong quá trình phát triển đó.
Nhấn mạnh, tỉnh Ninh Bình đang quyết tâm đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, mang đặc trưng của Đô thị di sản thiên niên kỷ và rất mong Kiểm toán Nhà nước trong quá trình triển khai nhiệm vụ sẽ chia sẻ, hỗ trợ, góp ý để hoạt động quản lý nhà nước, việc sử dụng tiền và ngân sách nhà nước, đặc biệt là vấn đề đấu giá giá trị quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh ngày càng có hiệu quả, công khai, minh bạch.
Đối với 2 chuyên đề kiểm toán lần này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị được kiểm toán phối hợp tốt với cơ quan kiểm toán, thực hiện nghiêm túc việc cung cấp thông tin, tài liệu, đảm bảo đúng tiến độ và các yêu cầu theo quy định, trong đó giao Sở Tài chính làm đầu mối.
Đồng chí cũng mong muốn qua đợt kiểm toán này, cơ quan kiểm toán sẽ chỉ ra những kết quả tích cực đã đạt được, cũng như những việc còn sai sót, bất cập để tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các đơn vị, địa phương được kiểm toán thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ được giao, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển.
Nguyễn Lựu, Anh Tuấn
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/cong-bo-quyet-dinh-kiem-toan-chuyen-de-tren-dia-ban-tinh/d2024071511124351.htm