Cựu chiến binh Đàm Ngọc Bính (phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình)-một trong những người trực tiếp tham gia chiến đấu tại Sài Gòn trong ngày 30/4/1975 không giấu nổi niềm xúc động xen lẫn tự hào khi nhớ về những năm tháng được tham gia chiến dịch mang tên Bác-Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ông kể: Vào đầu tháng 4 năm 1975, khi tôi đang làm giảng viên tại Trường Hạ sĩ quan thông tin thì được cấp trên quyết định bổ nhiệm làm Tiểu đội trưởng Đội 15W (Đại đội 18, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312) và được giao nhiệm vụ đặc biệt: Cùng các đơn vị trong đội hình Sư đoàn 312 hành quân thần tốc vào chiến trường miền Nam, bổ sung lực lượng cho đội quân chủ lực tiến công vào đầu não của địch ở Sài Gòn.
Nhận lệnh của Quân ủy Trung ương: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”, với quyết tâm “Có lệnh là đi, có địch là đánh, đánh thắng giòn giã”, ông Bính cùng đồng đội hành quân xuyên rừng, vượt núi. Sau 14 ngày đêm, đơn vị có mặt ở khu vực tập kết Đồng Xoài, kịp thời tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau đó, đơn vị nhận nhiệm vụ bao vây tiêu diệt địch ở cứ điểm Lai Khê, ngăn chặn Sư đoàn 5 Việt Nam Cộng hòa-rút về nội đô.
Đêm ngày 27 rạng sáng 28/4, Sư đoàn 312 được lệnh nổ súng, đánh chiếm cứ điểm Lai Khê, tiêu diệt Sư đoàn 5 Việt Nam Cộng hòa. Sau 3 ngày chiến đấu kiên cường, sáng 30/4, quân ta đã làm chủ tình hình, chiếm toàn bộ cứ điểm Lai Khê. Gần trưa ngày 30/4, địch ở cứ điểm Lai Khê kéo cờ trắng ra hàng, tên Chuẩn tướng Lê Nguyên Vĩ (Chỉ huy Sư đoàn 5 Ngụy) rút chạy về biệt thự riêng rồi tự sát.
“Đến trưa ngày 30/4, chúng tôi nhận tin Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Tôi nhớ, hôm đó trời mưa rất to. Nhận được tin Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện, chúng tôi chạy ào ra ngoài, rồi ôm nhau, hò reo, mừng vui chiến thắng. Các chiến sĩ hô vang: “Hồ Chí Minh Muôn năm”, “Mẹ ơi, miền Nam giải phóng rồi”, “Quê hương ơi, giải phóng rồi…”-ông Bính xúc động nhớ lại.
Sau ngày 30/4/1975, cùng với các đơn vị thuộc cánh quân chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn, Sư đoàn 312 được giao nhiệm vụ quân quản thành phố và tiếp quản các cơ sở quân sự của địch. Ông Bính và đồng đội đã nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần cảnh giác cách mạng, vừa hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản, vừa cùng với cán bộ và Nhân dân thành phố truy quét tàn binh địch; thu hồi, quản lý trang bị, vũ khí của địch; tham gia xây dựng chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang ở cơ sở, góp phần nhanh chóng ổn định đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân Sài Gòn.
Một vinh dự lớn với cựu chiến binh Đàm Ngọc Bính, đó là chỉ sau 2 tuần kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được tham gia đội hình diễu binh mừng chiến thắng vĩ đại của dân tộc, được tổ chức tại Sài Gòn vào ngày 15/5/1975. “Trong ngày diễu binh, cán bộ và chiến sĩ Sư đoàn 312 đội ngũ chỉnh tề cùng các quân chủng, binh chủng toàn quân và đoàn đại biểu các tầng lớp nhân dân Sài Gòn rầm rộ tiến qua lễ đài giữa tiếng hô vang chào đón của hàng vạn quần chúng nhân dân. Cuộc duyệt binh và diễu hành quần chúng hoành tráng ấy không chỉ thể hiện sức mạnh dân tộc mà còn là dịp để cố kết lòng người, xóa tan đi những tuyên truyền phản động trước đó của Ngụy quyền về người chiến sĩ quân giải phóng”- ông Bính khẳng định.
Đã 49 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, nhưng đối với cựu chiến binh Nguyễn Văn Công ở thôn Ngô Thượng, xã Ninh Hòa (Hoa Lư), mỗi khi nhắc về những ngày tháng đặc biệt đó là nhắc nhớ về quãng thanh xuân tươi đẹp đầy nhiệt huyết. Trong tâm trí người lính già, ký ức, niềm vui về ngày chiến thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên.
Ông Công cho biết: Trước khi bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, quân ta thừa thắng, giải phóng từ tỉnh này sang tỉnh khác. Vì vậy không khí chiến thắng cũng trở nên dồn dập khắp các chiến trường miền Nam. Liên tục các tin chiến thắng báo về từ nhiều nơi đã khiến cho những chiến sĩ trẻ mới mười tám, đôi mươi như chúng tôi ngày ấy càng thêm vững tin về tinh thần quyết chiến, quyết thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 30/4/1975, Quân ta mở đợt tiến công cuối cùng, tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đây là thắng lợi vĩ đại nhất, trọn vẹn nhất, kết thúc 30 năm kháng chiến lâu dài, gian khổ, ác liệt nhất nhưng cũng rất vẻ vang của dân tộc Việt Nam. “Khi chúng tôi nhận được tin Dinh Độc Lập đã hoàn toàn được giải phóng, anh em chiến sĩ reo hò vui chiến thắng. Thời khắc đó, chúng tôi ôm ghì lấy nhau khóc vì vui sướng khi đất nước được hòa bình, song cũng rưng rưng nhớ tới những đồng đội đã hy sinh, nhất là những chiến sĩ đã ngã xuống ở cửa ngõ Sài Gòn ngay trước giờ giải phóng. Họ đã không may mắn được chứng kiến thời khắc huy hoàng của đất nước”- cựu chiến binh Nguyễn Văn Công tâm sự.
Cũng theo cựu chiến binh Nguyễn Văn Công: Sài Gòn ngày 30/4 năm ấy rợp cờ hoa, người dân cầm cờ giải phóng đứng chật hai bên đường vẫy chào quân giải phóng, khuôn mặt ai cũng hân hoan, rạng rỡ; nhiều người hô vang “Sài Gòn giải phóng rồi! Sài Gòn giải phóng rồi!”.
Ông Công chia sẻ: Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, năm 1976, tôi ra quân, chuyển ngành và được cử làm Trạm trưởng Trạm đường sông số 2 (Yên Mô). Đến năm 1978 khi Đảng, Nhà nước có chủ trương cử cán bộ, chuyên gia dân sự và quân sự với lực lượng quân tình nguyện sang làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, tôi đã tình nguyện tái ngũ, làm nhiệm vụ huấn luyện chính trị tại Ban Chính trị, Trường Hạ sĩ quan Quân khu 3 và phục vụ tại đó đến năm 1987.
Trở về với đời thường, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, cựu chiến binh Nguyễn Văn Công luôn tiên phong trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ chủ chốt của xã như: Phó Bí thư Đảng ủy, Bí thư Đảng ủy xã Ninh Hòa. Năm 2010, ông nghỉ hưu. Hồi tưởng lại ký ức gần 50 năm trước, cựu chiến binh Nguyễn Văn Công bồi hồi, xúc động chia sẻ: Tôi tự hào và may mắn là một trong những người con của Cố đô Hoa Lư được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào thời khắc lịch sử vĩ đại của dân tộc-giải phóng miền Nam, thống nhất non sông. Để có được hòa bình, độc lập, tự do ngày hôm nay, biết bao đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh xương máu, mồ hôi và nước mắt. Ở xã Ninh Hòa quê tôi ngày ấy, cùng đợt nhập ngũ với tôi có 8 thanh niên, vậy mà sau giải phóng chỉ còn 4 người trở về… Vì vậy, tôi mong rằng, thế hệ trẻ hôm nay luôn tự hào, ghi nhớ và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chia tay cựu chiến binh Nguyễn Văn Công, đâu đó vang lên những ca từ: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay/Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây/Sài Gòn ơi! Vững tin đã bao năm rồi, một ngày vui giải phóng…”.
49 năm đã đi qua, ngày 30/4/1975 đã đi vào trang sử hào hùng và chói lọi chiến công của dân tộc ta trên con đường dựng nước, giữ nước, để đến hôm nay, mỗi độ tháng Tư về, triệu triệu con tim Việt Nam lại trào dâng cảm xúc đặc biệt, thôi thúc mỗi người quyết tâm hành động, phát huy thành quả Chiến thắng 30/4, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Mai Lan