Có một lớp học nhỏ, lặng lẽ giữa lòng thành phố. Lớp học chỉ có gần 20 học sinh – là những đứa trẻ khiếm thính. Những đứa trẻ ấy vẫn tạo nên tiết học sôi nổi, nhờ vào những thanh âm đặc biệt.
Trần Ngọc Diệp, sinh năm 2011 ở phường Ninh Khánh (thành phố Ninh Bình). Diệp bị câm điếc bẩm sinh. Nhưng bố mẹ vẫn cố gắng cho em tới trường để hòa nhập ngay từ khi em bước vào độ tuổi mầm non.
Nhưng mỗi ngày đến trường của Diệp vẫn là một hành trình cô đơn, dù bé nhận được sự yêu thương của thầy cô, bạn bè. Bởi lẽ, bé không có cách nào để giao tiếp với thế giới cả. Ở các nhà trường, cũng không thể có giáo viên chuyên biệt để giao tiếp với bé. Hết lớp 1, gia đình cho Diệp nghỉ học và bắt đầu nỗ lực tìm kiếm cơ hội để Diệp được hòa nhập, phát triển như bạn bè cùng trang lứa.
Chị Vũ Thị Hà, mẹ bé Diệp chia sẻ: Tôi cho con lên Hà Nội, tiếp tục thăm khám khắp nơi mong tìm một tia hi vọng chữa được tật cho con nhưng kết quả vẫn không có gì thay đổi. Mỗi khi nhìn thấy sự bế tắc, bất lực của Diệp khi muốn diễn đạt điều gì đó, tôi đau lòng vô cùng.
“Tôi xác định phải chấp nhận thực tế và tìm phương án tốt nhất để con có thể sống vui vẻ với khiếm khuyết của mình. Dẫu con không nói được bằng miệng, nghe được bằng tai thì vẫn có thể nghe bằng mắt và nói bằng tay, tôi quyết định cho con tới lớp học chuyên biệt. Nhưng các lớp học ở Hà Nội khá đắt đỏ, chưa kể con phải sống xa nhà, gia đình không có điều kiện để đồng hành cùng con”- chị Hà nói.
Cách đây hơn 3 năm, chị Hà được giới thiệu tới một lớp học đặc biệt, lớp học chuyên biệt dành cho học sinh khiếm thính ở ngay trên địa bàn thành phố Ninh Bình do thầy giáo Bùi Nam Hà trực tiếp giảng dạy. Thầy giáo Hà cũng là người khiếm thính.
Ngày đầu Diệp tới lớp, được gặp gỡ với những người bạn khiếm thính, được thầy giáo dạy những ngôn ngữ ký hiệu đầu tiên, Diệp đã cảm thấy thật vui vẻ. Em bền bỉ tới lớp và học hành chăm chỉ. Tham gia học tập, Diệp không chỉ được học ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính mà còn được học văn hóa, kỹ năng sống và tham gia nhiều hoạt động văn hóa, thể thao khác dành cho người khiếm thính.
Sau một thời gian học tập, Diệp từ một cô bé nhút nhát, thậm chí hay cáu bẳn ở nhà đã trở nên hoạt bát, vui vẻ hơn nhiều. Diệp có thể giúp bố mẹ nhiều việc, từ chăm sóc các em đến việc nấu nướng những bữa cơm gia đình. Chị Hà cũng tìm hiểu và học hỏi thêm những ngôn ngữ ký hiệu đơn giản để có thể giao tiếp với con.
Đến từ huyện Gia Viễn xa xôi, nhưng chặng đường đến lớp mỗi ngày của bé Đinh Ngọc Ánh bây giờ cũng trở nên đơn giản hơn nhiều. Trước đây, khi mới theo học thì em được bố mẹ chở đi, em được thầy, cô giáo tạo điều kiện ở lại. Nhưng giờ thì Ánh tự tin một mình đi xe bus tới lớp và trở về nhà hàng ngày.
Có mặt trong buổi lễ bế giảng năm học của con gái, ngắm những bức vẽ thể hiện tình cảm của con đối với đồng bào vùng lũ, mẹ bé Ánh là chị Lê Thị Huyền trào nước mắt. Chị Huyền chia sẻ niềm hạnh phúc của cả gia đình trước sự tiến bộ không ngờ của đứa con gái thiệt thòi. Chị Huyền bảo, trước đây, tôi phải đến các tỉnh khác để tìm hiểu về các lớp học dành cho người khiếm thính, nhưng tìm hiểu vậy thôi chứ chưa có điều kiện để gửi con theo học. Thật may mắn là ở tỉnh mình đã có một giáo viên khiếm thính, mở lớp dạy cho trẻ em đồng tật.
“Tham gia vào lớp học, chúng tôi chỉ phải đóng học phí 1 triệu đồng/tháng. Nhưng các con được nhận lại quá nhiều, từ sự yêu thương, chia sẻ và đùm bọc của thầy giáo, bạn bè, đến tiếp nhận những kiến thức, kỹ năng để hòa nhập cộng đồng. Năm nay con 13 tuổi, tuy mới theo học lên đến lớp 4 nhưng con vẫn là một cô bé nhí nhảnh, cũng có những vui buồn của tuổi mới lớn. Tôi thật sự hạnh phúc vì có thể lắng nghe con chia sẻ dù bằng những ký hiệu đặc biệt. Học hết lớp 5, con sẽ hoàn thành chương trình học. Nhưng tôi mong rằng sau đó, con sẽ được gắn bó thêm với lớp học để cùng các bạn học thêm và hoàn thiện các kiến thức, kỹ năng; được học nghề phù hợp để có thể tự chăm lo cho bản thân”- chị Huyền chia sẻ.
Thầy giáo của lớp học đặc biệt này là anh Bùi Nam Hà. Anh Hà bị câm điếc sau một đợt ốm nặng ngày nhỏ. Không chấp nhận lạc lõng trong một thế giới rộng lớn, anh Hà được gia đình cho học ngôn ngữ ký hiệu. Lớn lên, anh tìm vào tận Đồng Nai để theo học các lớp dành cho người khiếm thính cả về văn hóa, kỹ năng, phát triển năng khiếu… Anh Hà cũng được cấp chứng chỉ để giảng dạy cho các đối tượng khiếm thính.
Thông qua sự phiên dịch của vợ-chị Nguyễn Thị Hiền, thầy giáo Bùi Nam Hà chia sẻ: Mở lớp dạy cho trẻ em khiếm thính là ước mơ lớn nhất của tôi. Hiện nay, Chi nhánh Hỗ trợ ngôn ngữ ký hiệu người khiếm thính Ninh Bình là cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho người khiếm thính duy nhất của tỉnh Ninh Bình. Chi nhánh đang thực hiện giáo dục cho 15 học sinh đến từ các địa phương trên địa bàn tỉnh. Năm học vừa qua, với sự tận tình dạy dỗ của giáo viên; sự đồng hành của phụ huynh, các em học sinh đã nỗ lực vượt qua khiếm khuyết về thể chất, vươn lên đạt thành tích trong học tập và tu dưỡng. Trong đó, tỷ lệ hoàn thành tốt là 25%; tỷ lệ hoàn thành là 50%…
Thật vui, khi năm nay đã có 8 học sinh hoàn thành chương trình học lớp 5. Các em đều rất vui vẻ, có thể hòa nhập tốt với cộng đồng. Tôi mong là sẽ có thêm nhiều trẻ khiếm thính có thể được nghe, được nói, được giao tiếp với cộng đồng bằng những ký hiệu đặc biệt. Không chỉ được trang bị kiến thức, kỹ năng để hòa nhập tốt với cộng đồng, lớp học còn là cơ hội để học sinh khám phá tiềm năng, phát huy tốt các thế mạnh, tạo nên những dấu ấn riêng biệt, đồng thời lan tỏa nguồn năng lượng tích cực tới những người khuyết tật. Ước muốn xa hơn là có thể dạy nghề, tạo việc làm cho các em. Tuy vậy, để thực hiện điều này, tôi rất mong có sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, các ngành liên quan và các doanh nghiệp.
Đào Hằng-Ngọc Linh
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/co-mot-lop-hoc-nghe-bang-mat-noi-bang-tay-/d2024100213406912.htm