Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam điều hành phiên thảo luận.
Phát biểu mở đầu chuyên đề, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Ninh Bình lựa chọn con đường phát triển là xây dựng Đô thị di sản Cố đô, thể hiện sức mạnh mềm, kết hợp giữa bảo vệ di sản và các nguồn lực văn hóa trên cơ sở phát huy các giá trị Di sản thế giới Tràng An là lợi thế căn bản, nguồn lực, động lực chủ yếu. Điều này không chỉ phù hợp với xu thế chung của thế giới mà còn thể hiện trách nhiệm của Ninh Bình cũng như Việt Nam trong việc bảo tồn các giá trị di sản; đồng thời khơi thông nguồn lực từ tài nguyên di sản phục vụ phát triển kinh tế, tạo sức hút, sức cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế.
Việc UNESCO công nhận Quần thể Danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đồng nghĩa với việc trao cho Ninh Bình một “tấm vé thông hành” để kết nối với các đô thị sở hữu danh hiệu UNESCO trên thế giới nhưng yêu cầu đặt ra cũng hết sức nghiêm ngặt. Chính vì vậy, trong quá trình phát triển chúng ta tránh xây dựng “đô thị nén, đô thị bê tông”. Nếu chúng ta lựa chọn cách thức phát triển không đúng, phát triển nóng, lấn át sẽ dễ dẫn đến nguy cơ thôn tính một đô thị có lịch sử hàng ngàn năm tuổi.
Đặc biệt, trong phân loại đô thị được xác định tại Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng đã nêu: Hà Nội là đô thị trung tâm “siêu đô thị” thì xung quanh đó cần tổ chức hệ thống đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng, đô thị đối ngẫu. Ninh Bình với lợi thế về vị trí địa lý, lịch sử, văn hóa hoàn toàn có thể xây dựng một đô thị đối ngẫu, bổ sung, bồi đắp những thiếu hụt của “siêu đô thị” dựa trên giá trị về cảnh quan, sinh thái, môi trường, trong đó lấy du lịch, dịch vụ, văn hóa làm trọng tâm phát triển kinh tế; lấy kinh tế di sản làm trụ cột.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, để định dạng kinh tế di sản đã có nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đề cập đa chiều bao hàm tất cả các mặt văn hóa, kiến trúc với phương thức tiếp cận là công viên văn hóa di sản, bảo tàng văn hóa di sản, sinh trưởng hóa di sản, tài sản di sản.
Điều này thể hiện giá trị vị thế của Ninh Bình trong tổng thể quốc gia. Mặc dù địa phương đã xác định được hướng đi, hành động căn bản để xây dựng Đô thị di sản Cố đô, tuy nhiên Ninh Bình rất cần được bổ sung đầy đủ về mặt lý luận để định hình rõ hơn về phương thức phát triển của loại hình Đô thị di sản Cố đô, từ đó các nhà quản lý, nhà khoa học kiến nghị cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp. Trên cơ sở này khơi mở cho Ninh Bình những bước đi rõ ràng, vững chắc nhằm xây dựng hình mẫu kết hợp giữa bảo tồn, phục dựng và phát triển kinh tế di sản thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Tại chuyên đề này, Tiến sỹ Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam trình bày tham luận “Ninh Bình: Đô thị di sản – Du lịch sở hữu danh hiệu UNESCO” với những nội dung về nhận thức đô thị di sản; tiêu chí đô thị di sản; đặc trưng cấu trúc, chức năng đô thị di sản Ninh Bình, kinh tế di sản và định hướng cho Ninh Bình.
Theo Tiến sỹ Trương Văn Quảng, khái niệm và tiêu chí về đô thị di sản còn khá mới và đang từng bước được hoàn chỉnh. Theo đó, đô thị di sản là một chỉnh thể lịch sử đặc trưng, một sản phẩm của nền văn minh đô thị, kết hợp hữu cơ các thành tố vật chất và tinh thần, kiến trúc và văn hóa, trong sự hòa quyện với thiên nhiên, là xuất phát điểm chi phối tất thảy.
Ninh Bình là kinh đô cổ, nơi hội tụ nhiều giá trị tiêu biểu, đặc sắc về lịch sử, văn hóa, cảnh quan và con người. Đặc biệt, những giá trị nổi bật của Kinh đô Hoa Lư – Kinh đô của Việt Nam thế kỷ X đã tạo lập các giá trị bản sắc đặc trưng nhất của không gian lịch sử – văn hóa làm nguồn lực chủ yếu, động lực mạnh và lợi thế căn bản cho Ninh Bình hướng tới Đô thị di sản văn minh, hiện đại, đại diện cho cực tăng trưởng phía Nam châu thổ sông Hồng.
Tiến sỹ Trương Văn Quảng cũng cho rằng, phát triển kinh tế di sản là một lĩnh vực kinh tế đặc biệt, dựa trên các giá trị của di sản để phát triển kinh tế. Đây là một xu hướng phát triển được nhiều quốc gia, nhiều địa phương quan tâm. Để phát triển kinh tế di sản, Ninh Bình trước hết cần định lượng giá trị di sản một cách bài bản, khoa học. Ngoài ra, Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 23/8/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 – 2030, trong đó mục tiêu đến năm 2025 sẽ định hình tính chất đơn vị hành chính mới sau hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư là “Đô thị Cố đô – Di sản” là đúng đắn và có tầm nhìn.
Để phát triển Ninh Bình trở thành một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cùng với việc thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU thì việc lập đề án Đô thị di sản – Du lịch là rất quan trọng, tạo khung chiến lược, nền tảng, căn cứ, có giá trị cốt lõi để Ninh Bình từng bước vững chắc đi lên, phát triển bền vững.
Tại hội thảo, bà Vương Phan Liên Trang, Phó Tổng giám đốc Công ty tư vấn enCity cho rằng để đạt được mục tiêu trở thành “Đô thị di sản thiên niên kỷ”, Ninh Bình có thể học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm quý báu của các quốc gia và địa phương, từ đó xây dựng một mô hình đô thị di sản độc đáo, bền vững và mang bản sắc riêng.
Dựa trên những kinh nghiệm trong dự án bảo tồn di sản toàn quốc tại Singapore và một số địa phương tại Việt Nam do công ty này thực hiện, bà Trang cũng đề xuất 6 nhóm giải pháp mà Ninh Bình có thể áp dụng như: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên, Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử, Phát triển du lịch bền vững và kinh tế xanh, Phát triển hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, Nâng cao nhận thức cộng đồng, Hợp tác quốc tế.
Để làm rõ hơn những nội dung của chuyên đề này, Ban tổ chức đã tiến hành thảo luận bàn tròn với sự tham gia của các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; Phạm Sanh Châu, nguyên Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO, Bộ Ngoại giao; Lê Doãn Hợp, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.
Tại đây, các nhà quản lý, các nhà khoa học đã trao đổi làm rõ hơn những giá trị, lợi thế, nổi bật của Ninh Bình; câu chuyện bảo tồn; các vấn đề liên quan đến kinh tế di sản, với cách tiếp cận trên phương diện toàn cầu, quan điểm cạnh tranh. Các ý kiến đều khẳng định xây dựng Ninh Bình thành đô thị di sản là một sứ mệnh lịch sử mang tính quốc gia, từ đó đòi hỏi phải có nguồn lực, cơ chế, chính sách phù hợp.
Nhóm PV
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/chuyen-de-quan-ly-va-phat-trien-thanh-pho-di-san-co-do-so/d20240620140418827.htm