Chiều 20/6, Hội thảo Khoa học “Quản lý và phát triển thành phố di sản Cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO-Nhận thức lý luận, kiến tạo thể chế và hành động địa phương” tiếp tục phiên thảo luận với hai nội dung “Kiến tạo thể chế” và “Hành động địa phương”.
Phát biểu tại phiên chuyên đề, PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, thành viên Tổ chuyên gia tư vấn Quy hoạch quốc gia đã đưa ra một số nhận thức về đô thị di sản và phát triển đô thị di sản gắn với du lịch. Đồng thời phân tích thực trạng phát triển đô thị di sản Ninh Bình gắn với du lịch và những vấn đề đặt ra.
Từ đó đưa ra một số gợi ý định hướng, giải pháp phát triển đối với Ninh Bình như thay đổi tư duy quy hoạch đô thị dựa trên những nguyên tắc cơ bản của hoạt động phát triển du lịch; chú trọng đến các không gian chức năng du lịch, đặc biệt là không gian trải nghiệm; chú trọng ứng dụng công nghệ, khuyến khích sử dụng năng lượng thay thế; chú trọng sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch với vai trò là chủ thể của di sản.
PGS.TS Đỗ Tú Lan, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam trình bày tham luận “Nguyên tắc quy hoạch phát triển đô thị di sản trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Trong đó đưa ra những tác động tích cực và tiêu cực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và đề xuất một số nguyên tắc cơ bản trong quá trình quy hoạch, phát triển đô thị Hoa Lư trong tương lai như: hợp nhất nhưng không hòa tan, đối lập nhưng tương hỗ phát triển, tổ chức chuỗi liên hoàn thống nhất… Đồng thời, PGS.TS Đỗ Tú Lan cũng đưa ra những tác động tích cực và tiêu cực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa.
Với tham luận “Những vấn đề và thách thức đặt ra đối với bảo tồn, phát huy di sản, phát triển du lịch bền vững trong quá trình mở rộng đô thị Ninh Bình”, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tập trung phân tích những hạn chế lớn nhất mà Ninh Bình đang phải đối mặt đó là: hiệu quả kinh tế của ngành du lịch chưa thực sự thuyết phục, chưa thu hút được các nguồn đầu tư lớn, kết cấu hạ tầng các khu du lịch chưa đồng bộ, sản phẩm du lịch chưa phong phú, thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực khác, chưa có chiến lược và kế hoạch quản trị rủi ro để ứng phó kịp thời với thiên tai và các rủi ro khác.
Một số giải pháp được TS. Nguyễn Anh Tuấn đưa ra để phát triển du lịch bền vững trong quá trình mở rộng đô thị Ninh Bình là nâng cao nhận thức đối với du lịch, bảo tồn, phát huy giá trị di sản và phát triển bền vững; quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch; áp dụng giải pháp thuận tự nhiên trong phát triển hạ tầng; kiểm soát sức chứa của điểm đến.
Tại Hội thảo, một số nhà quản lý, nhà nghiên cứu đã tham gia phiên thảo luận bàn tròn để làm rõ hơn các nội dung về hành động địa phương. Trong đó tập trung vào vấn đề quy hoạch, áp dụng mô hình kết cấu hạ tầng xanh trong phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh, bên cạnh thể chế cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, khai thác tốt tiềm năng công nghiệp văn hóa để phục vụ phát triển du lịch, đề xuất những cơ chế, quy định riêng, phù hợp để Ninh Bình phát huy được tiềm năng, thế mạnh.
Nhóm PV
⇒ Chuyên đề “Quản lý và phát triển thành phố di sản Cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO”
⇒ Chuyên đề “Nhận thức lý luận” tại Hội thảo Khoa học
⇒ Chuyên đề “Kiến tạo thể chế” và “Hành động địa phương” tại Hội thảo khoa học
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/chuyen-de-kien-tao-the-che-va-hanh-dong-dia-phuong-tai-hoi/d20240620163826953.htm