Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong tháng 2/2024, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu cho 8 dự án, tăng 7 dự án so với cùng kỳ; cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án, tăng 5 lượt dự án so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký là 2.266 tỷ đồng, gấp 7,46 lần so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với thu hút đầu tư, hoạt động đăng ký doanh nghiệp tiếp tục duy trì. Tháng 2, toàn tỉnh đã đăng ký thành lập mới 57 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, mặc dù giảm 39 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc so với cùng kỳ nhưng tổng số vốn đăng ký đạt 502,5 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 180 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, tăng 23 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký đạt 916,2 tỷ đồng, tăng 26,9% so với cùng kỳ.
Như vậy, mặc dù theo nhận định tình hình kinh tế trong nước tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng của bối cảnh thế giới song với những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, Ninh Bình đang dần trở thành “thỏi nam châm” hút vốn đầu tư. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh của tỉnh tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 94 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc hoạt động trở lại, tăng 2,17% so với cùng kỳ; chấp thuận thay đổi cho 221 lượt doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, tăng 41,7% so với cùng kỳ.
Đồng chí Đinh Thị Thúy Ngần, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để có được kết quả trên, thời gian qua, công tác xúc tiến đầu tư (XTĐT) được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, tập trung đổi mới. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh duy trì tiếp doanh nghiệp định kỳ vào thứ 5 của tuần cuối tháng với mục đích trực tiếp nghe phản ánh, kiến nghị và xem xét, cho ý kiến vào phương án giải quyết với nguyên tắc, quan điểm nhất quán, xuyên suốt là giải quyết nhanh, rõ, đúng pháp luật, góp phần tăng cường củng cố mối quan hệ giữa chính quyền các cấp với người dân, doanh nghiệp theo phương châm “chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan rà soát, cập nhật danh mục các dự án thu hút đầu tư; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực về công tác XTĐT; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức, đại sứ quán, các đoàn công tác của các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, trung tâm XTĐT của các địa phương tổ chức hoạt động XTĐT để quảng bá, kêu gọi đầu tư vào tỉnh.
Ban Xúc tiến đầu tư tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc họp chuyên đề giữa các nhà đầu tư và các sở, ban, ngành có liên quan nhằm nắm bắt, xem xét giải quyết, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án thu hút đầu tư lớn, tiềm năng.
Mặc dù hoạt động thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp của tỉnh đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, trong năm 2024, hoạt động thu hút đầu tư tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ biến động tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới, cũng như sự cạnh tranh đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ ngày càng tăng, hoạt động XTĐT sẽ ngày càng áp lực và khó khăn hơn.
Trên cơ sở phân tích tình hình trong nước, thế giới, các điều kiện thực tếở địa phương, để thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động XTĐT trong năm 2024 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các khâu đột phá trong XTĐT, đặc biệt là XTĐT tại chỗ, hỗ trợ đầu tư, coi đây là giải pháp then chốt nâng cao hiệu quả XTĐT. Xây dựng chương trình XTĐT chủ động, có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm phù hợp với các quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ninh Bình cũng chủ động đưa ra những chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả nhằm đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư hiện hữu, duy trì sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan kịp thời cập nhật các xu hướng đầu tư trên thế giới, các định hướng của Đảng, Chính phủ; phối hợp với các đại điện XTĐT tại các nước để nắm bắt định hướng chính sách của nước sở tại và các Tập đoàn lớn. Đồng thời, tỉnh cũng chủ động rà soát các khu công nghiệp để chuẩn bị quỹ đất sạch sẵn sàng đón làn sóng đầu tư nước ngoài; triển khai giải phóng mặt bằng, hạ tầng tại các cụm công nghiệp, khu công nghiệp một cách đồng bộ, kịp thời bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư.
Đồng chí Bùi Duy Quang, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cho biết: Ninh Bình đang tập trung phát triển khu công nghiệp theo hướng Khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ đồng bộ, hiện đại, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; đảm bảo phù hợp với mục tiêu phát triển xanh, bền vững, gắn với phát triển Đô thị di sản thiên niên kỷ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khai thác tối đa hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đã và đang hình thành, tạo những động lực mới cho sự đột phá phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Theo đó, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đẩy mạnh XTĐT, tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp. Trước mắt là các khu công nghiệp-dịch vụđô thị Tam Điệp II và Phú Long. Bên cạnh đó, xây dựng khu công nghiệp thông minh, nhà máy thông minh; nâng cao chất lượng (về hạ tầng, cảnh quan môi trường) và hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp hiện có. Tiếp tục đồng hành với các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tham gia từ đầu quá trình xem xét, lựa chọn nhà đầu tư thứ cấp, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, đảm bảo đúng quan điểm, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.
Nguyễn Thơm