Trong 10 năm qua, huyện Hoa Lư đã phát huy hiệu quả sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng chung sức bảo vệ cảnh quan, môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh du lịch góp phần bảo vệ bền vững di sản.
Đồng chí Nguyễn Văn Cường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoa Lư cho biết: Nhận thức ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng của Quần thể danh thắng Tràng An-Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện luôn xác định công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, trọng tâm là công tác bảo vệ cảnh quan, môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh du lịch vùng di sản.
Từ việc thống nhất quan điểm trên, Huyện ủy, HĐND huyện đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, nhất là tại vùng lõi di sản; công tác vệ sinh môi trường; hỗ trợ phát triển du lịch…; giao chính quyền các cấp cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện. Đồng thời, giao Ban Tuyên giáo Huyện ủy xây dựng các nội dung như: văn bản pháp luật về di sản; quan điểm, chủ trương của tỉnh, của huyện trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản; định hướng phát triển du lịch; các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường, cảnh quan, xây dựng nếp sống và văn minh du lịch… thành các tài liệu cung cấp cho các đảng bộ, chi bộ tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên trong các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng. Bên cạnh đó, chỉ đạo MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, các địa phương vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân chung sức bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống, văn minh du lịch thông qua các phong trào thi đua, cuộc vận động, các mô hình hiệu quả, thiết thực.
Trong công tác bảo vệ môi trường, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hoa Lư là điển hình tiêu biểu trong việc quán triệt, thực hiện tốt sự chỉ đạo của Huyện ủy, với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Đồng chí Phạm Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hoa Lư cho biết: Phong trào “10 phút sạch nhà, sạch ngõ” là mô hình tiêu biểu nhất của phụ nữ huyện tham gia bảo vệ môi trường. Vào 6 giờ sáng mỗi ngày, cán bộ, hội viên phụ nữ toàn huyện thực hiện quét dọn khuôn viên nhà ở, đường làng, ngõ xóm. Từ một mô hình điểm được triển khai từ năm 2022, đến nay đã được lan tỏa đến 91/91 chi hội, huy động trên 21.000 hội viên phụ nữ và Nhân dân tham gia thực hiện.
Bên cạnh sự tích cực của Hội Phụ nữ, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội huyện Hoa Lư cũng triển khai thực hiện nhiều mô hình đạt hiệu quả, góp phần xây dựng nếp sống văn minh như: mô hình “Đám hiếu văn minh” của MTTQ huyện; mô hình “Đường cờ” của Hội Cựu chiến binh; mô hình “Camera an ninh” của Công an; các mô hình “Điểm Wifi miễn phí”, “Điểm quét mã QR giới thiệu về di tích lịch sử-văn hóa” của Huyện đoàn… Qua các mô hình đã thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và Nhân dân các địa phương cùng tham gia, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan khu dân cư, xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ gìn những nét đặc trưng về văn hóa, lịch sử và đảm bảo tính bền vững của vùng di sản.
Tại xã Ninh Hải-nơi có khu du lịch Tam Cốc-Bích Động thuộc vùng lõi Di sản Tràng An, trong cơ cấu kinh tế của xã, ngành dịch vụ, du lịch chiếm hơn 87%. Để tiếp tục khai thác hiệu quả, bền vững du lịch, dịch vụ, ngày càng nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã Ninh Hải xác định mục tiêu xây dựng Khu du lịch Tam Cốc Bích Động trở thành điểm sáng văn minh, văn hóa và an toàn.
Đồng chí Đinh Xuân Tú, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ninh Hải cho biết: Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh du lịch là vấn đề được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Bên cạnh giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong từng chi bộ, từng hội, đoàn thể và từng thôn, xã cũng tích cực phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn xây dựng văn hóa ứng xử, giao tiếp nơi công cộng, văn hóa thương mại, văn hóa giao thông cho những người làm dịch vụ du lịch ở địa phương. Đồng thời, huy động các lực lượng tăng cường công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự; chú trọng công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm… Đặc biệt, từ năm 2022, xã đã xây dựng mô hình “Thôn văn minh, văn hóa, an toàn” tại thôn Đam Khê Ngoài để làm điểm, từ đó nhân rộng ra 4 thôn còn lại.
Có thể thấy, cả hệ thống chính trị cùng mỗi người dân huyện Hoa Lư đã và đang nhận thức đúng về giá trị đặc biệt quan trọng của Quần thể danh thắng Tràng An, tính cấp thiết của công tác bảo tồn và phát triển bền vững di sản, từ đó chuyển hóa thành hành động chung sức, đồng lòng trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường sáng-xanh sạch-đẹp, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh du lịch vùng di sản.
Bài, ảnh: Thái Học