Mai Thị Vân Anh ở xã Ninh Thắng (Hoa Lư) hiện là sinh viên năm thứ 2 nghề nấu ăn, Khoa Kinh tế Du lịch (Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình). Với đam mê, tâm huyết và kỹ năng nghề ngày càng được nâng cao, Vân Anh tự tin về những dự định sắp tới trong tương lai.
Vân Anh chia sẻ: Thế mạnh trong phát triển kinh tế ở xã Ninh Thắng là du lịch. Bản thân em nhận thấy nghề nấu ăn là một nghề rất có tương lai vì phù hợp với xu hướng phát triển của địa phương. Vì vậy, tốt nghiệp THPT, em đã lựa chọn nghề nấu ăn để theo học.
Sau khi tốt nghiệp, em sẽ xin vào làm ở nhà hàng lớn để học hỏi thêm kỹ năng, văn hóa ẩm thực của nhiều nơi và tích lũy về tài chính. Mục tiêu trong tương lai của em là tự mở được nhà hàng ở quê hương mình. Với em, ẩm thực không chỉ là món ăn mà đó còn là những câu chuyện văn hóa qua lời kể hấp dẫn của người đầu bếp.
Xác định ngành Du lịch, trong đó có nghề nấu ăn là một trong những ngành nghề trọng điểm của tỉnh trong giai đoạn hiện nay, Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình đã đầu tư mạnh cả về cơ sở vật chất, nhân lực… để thu hút học viên.
Ông Trần Công Quyền, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình cho biết: Căn cứ vào định hướng phát triển nghề trọng điểm của tỉnh, nhà trường đã chủ động đón đầu xu hướng, đưa vào đào tạo ngành Kỹ thuật chế biến món ăn với mục tiêu thu hút được nhiều người học, góp phần tạo ra nhân lực cho địa phương và xuất khẩu lao động.
Mỗi năm, số lượng học viên theo học nghề Kỹ thuật chế biến món ăn tại Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình khoảng 300 học sinh, sinh viên. Ngay trong quá trình học, học sinh, sinh viên có thể tự tìm việc làm ở các nhà hàng gần trường với các công việc như: sơ chế, bày bàn, hoặc đảm nhiệm một công đoạn trong chế biến. Theo số liệu lần vết của Trung tâm Tuyển sinh, các em tốt nghiệp nghề Kỹ thuật chế biến món ăn đều tìm được việc làm có thu nhập khá tốt, nhiều em đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, làm việc tại các nhà hàng của Nhật Bản.
Nghề Công nghệ ô tô cũng là một trong những lĩnh vực nghề nghiệp trọng điểm của tỉnh, được các cơ sở đào tạo nghề chú trọng trong công tác đào tạo những năm gần đây. Được đào tạo bài bản, được tiếp cận nhiều công nghệ hiện đại; sau khi học, sinh viên dễ dàng tìm được việc làm phù hợp, hoặc tự tạo việc làm cho bản thân… đó là những lợi thế cơ bản, tạo nên sức “hút” đặc biệt cho nghề Công nghệ ô tô hiện nay.
Sau khi học xong THPT, không dự thi đại học, em Nguyễn Thiện Khiêm (thành phố Ninh Bình) nộp hồ sơ đi học nghề. Nghề mà em chọn đó là Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Cơ điện, Xây dựng Việt Xô. “Nghề Công nghệ ô tô đòi hỏi ở người học sự tỉ mỉ, tinh thần ham học hỏi và nỗ lực thích ứng với sự thay đổi công nghệ diễn ra hàng ngày. Nhưng niềm đam mê sẽ giúp em vượt qua thách thức”- Khiêm nói.
Những nỗ lực đương đầu với khó khăn, thách thức khi học ngành Công nghệ ô tô của Thiện Khiêm còn được đền đáp bởi sự rộng mở về cơ hội việc làm. Theo thống kê của cơ sở đào tạo, các học viên tốt nghiệp ra trường đều dễ dàng xin được việc làm. Thậm chí, có nhiều người có thu nhập ngay khi đang trong thời gian thực tập.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện, Xây dựng Việt Xô cho biết: Khoa Cơ khí động lực hiện nay giảng dạy 2 nghề: Nghề vận hành máy thi công nền và Nghề công nghệ ô tô. Đội ngũ giảng viên hiện nay có 18 người, 100% đều đạt chuẩn theo quy định. Nghề Công nghệ ô tô là nghề trọng điểm khu vực ASEAN.
Từ năm 2017, nghề Công nghệ ô tô đã được đầu tư từ dự án AFD của Chính phủ Pháp với nguồn kinh phí 1,5 triệu EURO. Dự án đã đầu tư về trang thiết bị dạy học nghề công nghệ ô tô: Xe ô tô; Mô hình; Thiết bị; Dụng cụ… và chương trình, học liệu đào tạo. Do đó, về cơ bản, các trang thiết bị phục vụ cho đào tạo hiện nay của nhà trường đã đáp ứng được yêu cầu về công nghệ và nhu cầu của doanh nghiệp.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đã hợp tác với các doanh nghiệp như Hyundai Thành Công; Mitshu Ninh Bình… cùng tham gia xây dựng chương trình, giáo trình, đào tạo, thực tập sản xuất và tiếp nhận học viên sau khi tốt nghiệp vào làm việc.
Với những lợi thế đó, hàng năm, nghề Công nghệ ô tô là nghề học tuyển được nhiều học viên nhất ở Trường Cao đẳng Cơ điện, Xây dựng Việt Xô. Ở thời điểm hiện tại, toàn khoa có trên 300 học viên. Được đánh giá là nghề hợp xu hướng, tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc sau khi ra trường đạt từ 90% trở lên. Trong đó, có nhiều em mạnh dạn mở các garage ô tô, giải quyết việc là cho nhiều lao động, đảm bảo nguồn thu nhập tốt.
Đầu tư, phát triển các ngành, nghề trọng điểm để đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường lao động trong và ngoài nước, đó là xu thế tất yếu mà các cơ sở đào tạo nghề đã và đang nắm bắt. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hình thành đội ngũ lao động lành nghề, mở rộng cơ hội tìm việc làm với thu nhập cao cho lao động.
Trong giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 7 trường công lập (5 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp), được lựa chọn đào tạo 29 ngành, nghề trọng điểm (tính theo đơn vị trường và cấp độ), với 8 nghề cấp độ quốc tế, 7 nghề cấp độ khu vực ASEAN, 14 nghề cấp độ quốc gia.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Thực tế cho thấy, thông qua chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm ở giai đoạn 2021-2020, chất lượng đào tạo, tay nghề của học sinh, sinh viên của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên rõ rệt. Sinh viên ra trường tiệm cận gần nhất với yêu cầu của thị trường lao động, do đó dễ dàng tìm được việc làm với mức thu nhập tốt.
Phát huy những kết quả đã đạt được, ngành Lao động sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất bổ sung các ngành, nghề trọng điểm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.
Đào Hằng Minh Quang
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/chu-trong-dao-tao-nghe-trong-diem/d20241011092144564.htm