Chị Tô Thị Thắm (xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh) bị bệnh lý giác mạc từ năm 12 tuổi. Lớn lên, có người yêu thương, thông cảm và kết duyên cùng chị. Hai vợ chồng trẻ lần lượt sinh 2 người con. Bao năm qua, chị Thắm đã tận tay chăm sóc các con bằng sự mơ hồ của ánh sáng. Chị Thắm chưa bao giờ thôi khao khát một lần được nhìn thấy vạn vật, thấy người thân thương, thấy sự hối hả của cuộc sống… Nhưng đó vẫn là ước mơ xa vời.
Nhưng điều kỳ diệu ấy đã xảy ra. Năm 2019, chị Thắm được ghép giác mạc lần đầu tiên. Năm 2020, chị Thắm tiếp tục được ghép giác mạc ở bên mắt còn lại. Khi bác sĩ mở băng mắt sau ca phẫu thuật ghép giác mạc, hình ảnh mà chị Thắm nhìn thấy đầu tiên đó là chồng và hai đứa con nhỏ. Các con đã lớn, xinh xắn và ngoan ngoãn, chị Thắm đã có thể cùng chồng viết tiếp ước mơ xây đắp một gia đình hạnh phúc, nuôi dạy những đứa con ngoan bằng một cặp mắt sáng trong, tinh tường.
“Tôi đã nhìn thấy cuộc đời bằng cặp giác mạc được hiến tặng của một người thiện lương. Cuộc sống của tôi đã bước sang một trang mới, tươi tắn, lạc quan và đẹp đẽ. Tôi sẽ cố gắng sống một cuộc đời có nghĩa nhất, hạnh phúc nhất để báo đáp tấm lòng cao đẹp của những người đã khuất. Tôi mong rằng, với nghĩa cử cao đẹp của những người đã khuất, sẽ có thêm thật nhiều người bị bệnh lý về giác mạc có thể được tìm thấy ánh sáng như tôi”- chị Thắm xúc động.
Câu chuyện về hành trình đi tìm ánh sáng, những tâm sự từ trái tim chị Thắm đã mang lại niềm xúc động mạnh mẽ cho rất nhiều gia đình có người thân hiến tặng giác mạc có mặt tại hội trường Lễ tôn vinh “Nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng giác mạc” do Bộ Y tế, Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với UBND tỉnh, UBND huyện Kim Sơn tổ chức vừa qua, trong đó, có anh Đinh Văn Hải ở xã Kim Đông – một trong những đại diện của các gia đình có người hiến tặng giác mạc được tôn vinh lần này.
Anh Hải kể: Từ khi biết bản thân mắc bệnh ung thư, bố tôi đã có tâm nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Tâm nguyện của bố là vậy, nhưng vì trong gia đình có 5 anh, chị, em nên việc thực hiện di nguyện ấy cũng phải có sự bàn bạc, thống nhất. Với sự vận động kịp thời của Hội Chữ thập đỏ xã, anh, chị, em của tôi cũng đã đồng ý. Với giác mạc của cha tôi để lại, tôi hi vọng có một cuộc đời mới được hồi sinh. Bản thân tôi cũng sẽ đi đăng ký hiến tặng giác mạc trong thời gian tới.
Theo số liệu từ Bệnh viện Mắt Trung ương, hiện nay ở nước ta có hàng chục nghìn người còn phải sống trong cảnh mù lòa do các bệnh lý giác mạc gây ra. Những người không may mắn đó sẽ phải sống trong cảnh mù lòa như vậy nếu không có giác mạc để thay thế.
PGS.TS.BS Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: Kỹ thuật ghép giác mạc giúp cho những người không may bị mù do các bệnh lý giác mạc tìm lại được ánh sáng đã được thực hiện từ rất lâu trên thế giới cũng như Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề gặp nhiều khó khăn nhất đó là nguồn giác mạc để phẫu thuật còn hạn chế. Số lượng giác mạc Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận hàng năm vẫn không đủ so với số lượng bệnh nhân chờ ghép. Đó cũng là khó khăn chung trên thế giới và đặc biệt là tại Việt Nam – nơi từ ngàn đời nay tư tưởng định kiến chết toàn thây đã ăn sâu vào tiềm thức, tư tưởng. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, trong thời gian qua đã có thêm nhiều người tham gia hiến tặng giác mạc.
Kể từ ngày 5/4/2007, sau ca hiến tặng giác mạc đầu tiên trong cả nước của cụ bà Nguyễn Thị Hoa ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, đến nay, cả nước đã có trên 963 người hiến giác mạc của 20 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó tỉnh Ninh Bình có số lượng người hiến tặng dẫn đầu trong cả nước với số lượng gần 500 người. Riêng huyện Kim Sơn đã có 417 người hiến tặng. Tính riêng tháng 12/2023, cả nước có 4 ca hiến giác mạc thì tỉnh Ninh Bình có 1 trường hợp.
Với những kết quả đã đạt được, tỉnh Ninh Bình nói chung, huyện Kim Sơn nói riêng đã trở thành điểm sáng, là đơn vị dẫn đầu cả nước trong phong trào hiến tặng giác mạc. Ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết: Để có những kiến thức trong việc tuyên truyền, vận động hiến tặng giác mạc, địa phương đã phối hợp cùng Ngân hàng Mắt Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn về nâng cao kiến thức và kỹ năng vận động truyền thông hiến tặng giác mạc cho hàng nghìn tình nguyện viên. Trong số những tình nguyện viên đó có các vị Linh mục, các vị Chánh trương, Trùm trưởng, các vị chức sắc, chức việc Công giáo, các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, tăng ni Phật giáo trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động hiến tặng giác mạc khi qua đời trên hệ thống truyền thanh của huyện, của xã cũng như kết hợp tuyên truyền trong các buổi họp khu dân cư. Ngoài ra, những tình nguyện viên Chữ thập đỏ còn xuống tận hộ gia đình vận động, tư vấn cho người dân về ý nghĩa nhân đạo, cao đẹp của chương trình, cũng như giải thích những điều mà người dân đang quan tâm về việc hiến tặng các bộ phận cơ thể người, trong đó có hiến giác mạc.
Hội Chữ thập đỏ huyện cũng phân công các tình nguyện viên phụ trách theo địa bàn dân cư, nắm chắc các đối tượng như người cao tuổi, người có bệnh hiểm nghèo, để có phương pháp, hình thức tiếp cận phù hợp, thường xuyên gần gũi, sẻ chia những khó khăn, vướng mắc về hiến tặng giác mạc với gia đình. Việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức đã làm cho mọi người hiểu ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của chương trình, từ đó nhiệt tình hưởng ứng tham gia và vận động con cháu trong dòng họ cùng tham gia.
Từ năm 2007 đến nay, huyện Kim Sơn đã tuyên truyền, vận động được trên 12 nghìn người đăng ký hiến tặng giác mạc khi qua đời. Hiện nay đã có 417 người hiến tặng giác mạc thành công đem lại nguồn ánh sáng quý giá cho hàng trăm người mù, nay đã nhìn thấy bình thường như bao người khác, đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Những đơn vị tiêu biểu làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hiến tặng giác mạc đó là: Xã Cồn Thoi, Văn Hải, Kim Mỹ, Định Hóa, Kim Tân, Kim Định…
Đào Hằng-Minh Quang