Sinh ra ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, nghệ sỹ trẻ Bùi Văn Tự từng khiến giới chuyên môn kinh ngạc và thán phục vì biệt tài hiếm có của anh, đó là “điêu khắc ánh sáng”.
Theo chân anh Bùi Văn Tự khám phá khu triển lãm “Hành trình nhật ký xuyên không” tại Phim trường Dấu chân Tiền sử (thành phố Ninh Bình), chúng tôi được “mắt thấy tai nghe” về trường phái nghệ thuật độc đáo mà chàng trai trẻ đang theo đuổi.
Tại không gian này là bộ sưu tập gần 100 tác phẩm điêu khắc ánh sáng do chính Bùi Văn Tự sáng tác kể câu chuyện về các giai đoạn phát triển của con người. Từ khi con người phát hiện ra lửa đến thời kỳ nông nghiệp rồi đến thời kỳ cách mạng khoa học kỹ thuật.
Xuyên suốt “Hành trình nhật ký xuyên không”, du khách không khỏi trầm trồ trước màn “hóa thân” kỳ ảo, độc đáo của những khối đồ vật tưởng chừng được sắp xếp vô tri, vô giác. Khi thì hiện ra hình ảnh con khủng long, voi ma mút, gia đình vượn cổ lúc là hình ảnh người mẹ ôm con và những bối cảnh của buổi bình minh sơ khai.
Ngoài ra, nơi đây cũng trưng bày chân dung của nhiều vị anh hùng dân tộc như vua Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều nhà khoa học, danh họa, nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới như Albert Einstein, Nikola Tesla, Leonardo da Vinci, Beethoven…
Điều đặc biệt của các tác phẩm này là bằng những chất liệu thoạt nhìn tưởng là phế thải như mảnh gốm vỡ, những khúc gỗ lũa, cuộn dây điện, ống bơ, đôi dép cũ, vỏ lon nước ngọt,… sắp xếp lộn xộn, nhưng dưới đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo cùng sự hỗ trợ của ánh sáng, nghệ sỹ trẻ Bùi Văn Tự đã tạo ra những chiếc bóng độc đáo, ấn tượng.
Anh Bùi Văn Tự cho biết: Nghệ thuật “Điêu khắc ánh sáng” là môn nghệ thuật kết hợp giữa điêu khắc và ánh sáng, từ đó tạo nên hình ảnh độc đáo từ phần bóng của vật thể. Sứ mệnh của loại hình nghệ thuật này là kể những câu chuyện về văn hóa, về đời sống thông qua chiếc bóng. Chiếc bóng vốn vô tri vô hồn nhưng nghệ thuật điêu khắc ánh sáng đã biến chiếc bóng thành những câu chuyện, những mảnh tâm hồn khác nhau dựa vào từng cảm xúc”.
Kể về hành trình đến với trường phái nghệ thuật này, nghệ sỹ trẻ sinh năm 1992 cho hay: Trong một lần dựng hòn non bộ, khi dùng đèn hắt vào tường, tôi vô tình thấy bóng của nó giống như hình một chú gấu. Lúc đó tôi chợt nghĩ, tại sao mình không điêu khắc ánh sáng theo ý tưởng và hình thù riêng? Hành trình đi tìm “hình” của những chiếc “bóng” chính thức bén duyên từ đó…
Song người ta thường chỉ điêu khắc trên các chất liệu như gốm, gỗ, kim loại còn điêu khắc ánh sáng khi đó chưa từng xuất hiện ở Việt Nam. Giai đoạn đầu khi bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng là điều không hề dễ dàng, nhất là khi đó Bùi Văn Tự mới chỉ là cậu sinh viên năm ba còn thiếu kiến thức, không có người đi trước chỉ dẫn, khai mở.
Năm 2022, sau một thập kỷ theo đuổi, nghệ sỹ trẻ Bùi Văn Tự lần đầu tiên cho ra mắt công chúng triển lãm “Ánh sáng tri thức”. Các tác phẩm của anh được giới chuyên môn và người yêu nghệ thuật đánh giá cao về tính sáng tạo, độc đáo về một trường phái mới mẻ. Từ đó đến nay anh liên tục cho ra đời nhiều tác phẩm đặc sắc.
Giáo sư Trương Quốc Bình, nguyên Giám đốc Bảo tàng Việt Nam nhận xét: Điêu khắc ánh sáng là trường phái nghệ thuật mới, đòi hỏi nhiều yếu tố như tài năng, thẩm mỹ, hội họa, kiến trúc, mỹ thuật,… Bùi Văn Tự là một trong những người tiên phong khai mở và phát triển loại hình này tại Việt Nam. Các tác phẩm của anh không những đảm bảo sự chặt chẽ về bố cục, ánh sáng mà còn toát lên những câu chuyện, thông điệp rất ý nghĩa, nhân văn.
Trong suốt một thập niên theo đuổi môn nghệ thuật mới, nghệ sỹ 9x từng làm các công việc khác nhau như kỹ sư xây dựng, giám đốc sáng tạo ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Ngoài khu triển lãm tại Phim trường Dấu chân Tiền sử, anh cũng có nhiều tác phẩm đang được trưng bày tại Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt (Hà Nội).
Chia sẻ về chặng đường sắp tới, Bùi Văn Tự cho biết anh đang hoàn thiện dự án “Lịch sử Tràng An – Từ ngọn lửa đầu tiên cho đến những di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới” với mục đích mang đến không gian trải nghiệm, cung cấp cái nhìn tổng quát cho du khách về sự phát triển của con người từ thời tiền sử đến nay, cùng các di tích, danh thắng, các địa danh của Tràng An và mối liên hệ của các di tích trong suốt chiều dài lịch sử nhằm góp phần xây dựng và phát triển Quần thể danh thắng Tràng An. Dự án bao gồm 3 nội dung chính là Người Tràng An thời tiền sử; Cuộc cách mạng nông nghiệp tại Tràng An; Tràng An hôm nay bảo tồn và phát triển.
Với dự án mới đang thực hiện, nghệ sỹ trẻ Bùi Văn Tự mong muốn sẽ góp phần tạo thêm điểm đến hấp dẫn cho du khách, từ đó góp phần bảo tồn, gìn giữ di sản một cách bền vững.
Minh Hải-Anh Tuấn