Giá trị thương hiệu của Hoa Lư – Ninh Bình
nhìn từ mối tương giao với Thăng Long – Hà Nội
Nhìn lại không gian lịch sử văn hóa Hoa Lư – Ninh Bình qua các thời kỳ lịch sử, đặt không gian đó trong các mối quan hệ khu vực ta thấy: Hoa Lư không chỉ là một đế đô bề thế mà còn là một căn cứ quân sự có tầm chiến lược; không chỉ là một đô thành có địa thế hiểm yếu mà còn là một trung tâm kinh tế, văn hóa quan trọng của đất nước. Địa thế của Cố đô Hoa Lư, của hành cung Vũ Lâm, của phòng tuyến Tam Điệp, cửa biển Thần Phù và hai tuyến giao thông huyết mạch: Thượng đạo, Thiên lý…, tất cả đều cho thấy vị thế hiểm yếu, chiến lược của một vùng đất. Đó là nguồn tài nguyên lớn, có giá trị, ý nghĩa đặc biệt với kinh đô Thăng Long – Hà Nội và sự trường tồn của một quốc gia.
Những khuôn mẫu, mô hình, ý tưởng sáng tạo của các triều Đinh, Tiền Lê… đã có ảnh hưởng sâu rộng đến tư duy phát triển của các triều đại Lý – Trần và nhiều triều đại sau. Vì thế, có thể khẳng định mối quan hệ giữa Hoa Lư – Ninh Bình với Thăng Long – Hà Nội là mối quan hệ bản chất, tự nhiên, máu thịt. Như vậy, một cách tự nhiên, lịch sử đã tạo lập nên những cặp quan hệ hay mô hình liên kết giữa các cố đô với kinh đô (thủ đô hiện đại) ở Đông Á: Luang Prabang – Viêng Chăn (Lào), Angkor – Phnom Penh (Campuchia), Borobudur – Jakarta (Indonesia), hay Nara – Kyoto với Edo (Tokyo, Nhật Bản). Đó là quan hệ cộng tồn, cộng sinh, cộng mệnh. Hà Nội và Ninh Bình chắc chắn đã nhận ra những thế mạnh ưu trội, riêng có đó và nên sớm có chiến lược hợp tác bền chặt để tạo ra giá trị tương hỗ “cùng thắng”, cùng phát triển.
Để nâng tầm, phát triển mối quan hệ cộng tồn, cộng sinh, cộng mệnh với Thủ đô Hà Nội, tỉnh cũng nên có chiến lược bảo tồn, trao truyền và phát huy nguồn tài nguyên nhân văn – văn hóa đặc sắc của vùng đế đô. Nên sớm có kế hoạch để động viên, bảo tồn những “Di sản văn hóa sống” của các làng nghề, của các điệu hát cổ…; khảo sát, kiểm kê để đánh giá xác thực nguồn tài nguyên, trữ lượng văn hóa (vật thể, phi vật thể) và từ đó lọc chọn ra những giá trị văn hóa đặc sắc, riêng có của Ninh Bình. Trong các chương trình công tác, tuyên truyền, giáo dục, Ninh Bình nên đề ra phương châm: Tự hào về di sản – Phát triển từ di sản – Phồn vinh cùng di sản.
Cùng với đó, Ninh Bình nên sớm có Nghị quyết và Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, Công nghiệp sáng tạo. Nên có kế hoạch đầu tư để xây dựng một (hay một tổ hợp) Tập đoàn du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh mạnh của Ninh Bình, để khẳng định thương hiệu và quảng bá thương hiệu du lịch sinh thái và dịch vụ văn hóa cao cấp của tỉnh. Học tập kinh nghiệm của Nara và Kyoto, trong quan hệ hợp tác với một số trường đại học, viện nghiên cứu ở Hà Nội, Ninh Bình nên sớm có một cơ sở đào tạo chất lượng cao (có thể đề xuất Trường Đại học Hoa Lư) về Du lịch sinh thái, văn hóa và Di sản học ở cả ba bậc học.
Tỉnh cần đẩy mạnh tư duy liên kết nội vùng và liên Á, tức là nên thiết lập và không ngừng củng cố mối quan hệ với các Khu Di sản văn hóa, Khu bảo tồn thiên nhiên đã được UNESCO ghi danh ở trong nước và Đông Nam Á, châu Á để gia tăng nền kinh tế chia sẻ, quảng bá giá trị toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An, phát triển thương hiệu du lịch sinh thái cao cấp và học tập các phương thức quản lý tốt, cách làm hay của thế giới để không ngừng làm mới, làm giàu cho giá trị, giá trị thương hiệu và các di sản văn hóa Hoa Lư – Tràng An – Ninh Bình, đồng thời cũng là để tính kế “sâu rễ, bền gốc” lấy văn hóa, khát vọng cống hiến của con người làm điểm tựa cho sự nghiệp chấn hưng đất nước.
Phát huy giá trị thương hiệu di sản tại Ninh Bình
theo hướng bền vững trong bối cảnh mới
Ninh Bình là tỉnh có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, nơi giao thoa của các vùng văn hóa. Các di sản ở Ninh Bình là một trong những tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, có giá trị và mang lại nguồn thu lớn nhất trong phát triển du lịch của tỉnh.
Để khai thác các thương hiệu di sản một cách hiệu quả, bền vững, xứng đáng với vị thế đặc biệt nổi trội của “di sản kép”, những năm gần đây, bên cạnh sự nỗ lực bảo vệ môi trường, bảo tồn và gìn giữ những giá trị của di sản, Ninh Bình đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư vào du lịch. Công tác lập quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển du lịch; thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng; công tác quản lý Nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến, quảng bá… được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm thực hiện.
Trong giai đoạn 2019 – 2020, lượng khách đến với Ninh Bình có mức tăng trưởng cao, bình quân đạt 12,19%/năm. Sau những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, từ năm 2022 đến nay, trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch, du lịch Ninh Bình đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn của thương hiệu di sản thiên nhiên, văn hóa Ninh Bình với du khách trong nước và quốc tế.
Di sản văn hóa là một tài sản quý giá, mà từ đó có thể xây dựng thành các thương hiệu cho Ninh Bình, tạo ra sự khác biệt trong cạnh tranh về dịch vụ du lịch, xây dựng lòng trung thành của khách hàng và tăng doanh số hoạt động. Thời gian tới, để phát huy giá trị thương hiệu di sản văn hóa của tỉnh Ninh Bình trong bối cảnh mới, tỉnh cần tiếp tục nâng cao nhận thức về giá trị thương hiệu. Coi nhận thức là xuất phát điểm của hành động. Nhận thức đúng thì hành động đúng. Nhận thức về vai trò của di sản văn hóa thời gian qua vẫn còn chưa đúng tầm. Cần phải tiếp tục có những giải pháp cụ thể để nâng cao nhận thức của các bên tham gia.
Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư cho bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Đây là giải pháp quan trọng nhất để đảm bảo cho các di sản được bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài. Việc đầu tư cần tập trung vào các hạng mục như: trùng tu, tôn tạo các di tích, xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đào tạo nguồn nhân lực…
Du lịch là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất trong việc phát huy giá trị các di sản. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cần phải được thực hiện một cách bền vững, không làm ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân địa phương. Cộng đồng dân cư có quyền tham gia và hưởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch; có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương như các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, ngành, nghề thủ công truyền thống, sản xuất hàng hóa của địa phương; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường.
Tỉnh cũng cần có chính sách và chiến lược hoạch định nguồn nhân lực du lịch lâu dài, từ đó có kế hoạch đào tạo và sử dụng một cách hiệu quả và hợp lý. Đặc biệt, chú trọng nâng cao văn hóa giao tiếp, ứng xử của người làm du lịch. Đây cũng chính là một phần không thể thiếu hình thành thương hiệu di sản. Tăng cường hợp tác quốc tế là một giải pháp quan trọng để học hỏi kinh nghiệm và huy động nguồn lực từ các nước khác trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản.
Việc phát huy giá trị thương hiệu các di sản văn hóa ở tỉnh Ninh Bình theo hướng bền vững là một nhiệm vụ quan trọng và cần được thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả. Bằng việc thực hiện các giải pháp trên, tỉnh Ninh Bình có thể phát huy giá trị các di sản để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của tỉnh.
Xây dựng thương hiệu ngành công nghiệp ô tô Ninh Bình:
Kinh nghiệm của Tập đoàn Thành Công
Là một địa phương sở hữu đa dạng về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên văn hóa, với rất nhiều hoạt động đầu tư, phát triển du lịch trọng điểm và bài bản, Ninh Bình đến nay đã được du khách trong và ngoài nước biết đến và định vị là một điểm đến hấp dẫn của thế giới. Tuy nhiên, nhắc tới Ninh Bình, chúng ta cũng phải nhắc tới đây là một trong ba trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô lớn nhất cả nước, bên cạnh Quảng Nam và Vĩnh Phúc. Đây là địa phương đặt trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất khu vực của liên doanh Hyundai Thành Công Việt Nam, sản xuất, lắp rắp những chiếc ô tô thương hiệu Hyundai được phân phối trên toàn Việt Nam.
Thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/ TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, trong đó lấy công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch là một lĩnh vực ưu tiên phát triển, năm 2007, tỉnh Ninh Bình mời gọi, thu hút Tập đoàn Thành Công đầu tư nghiên cứu, triển khai các dự án công nghiệp ô tô, xây dựng thương hiệu ngành công nghiệp ô tô tại Ninh Bình. Thực hiện chiến lược của tỉnh, Tập đoàn Thành Công đã tập trung xác định và triển khai ba nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, xây dựng nhà máy: Năm 2009, Tập đoàn Thành Công đã bắt tay vào đầu tư dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Ninh Bình. Đến năm 2011, Nhà máy sản xuất ô tô Hyundai đầu tiên của Tập đoàn Thành Công được khánh thành tại Khu công nghiệp Gián Khẩu, huyện Gia Viễn. Tháng 11/2022, Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô số 2 (HTMV2) tại Khu công nghiệp Gián Khẩu mở rộng được khánh thành – là một trong những công trình, dự án trọng điểm của tỉnh chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc, 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình và 15 năm Tập đoàn Thành Công đầu tư tại tỉnh Ninh Bình, đưa tổng công suất các nhà máy sản xuất, lắp ráp xe Hyundai của Liên doanh Hyundai Thành Công Việt Nam tại Khu công nghiệp Gián Khẩu lên 180.000 xe/năm, hiện thực hóa mục tiêu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khác trong khu vực, đưa liên doanh Hyundai Thành Công Việt Nam trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất khu vực của Hyundai Motor trong những năm tới.
Hai là, chất lượng sản phẩm và kênh phân phối: Từ một dòng xe đầu tiên là Hyundai Avante, đến nay, Tổ hợp sản xuất, lắp ráp ô tô Hyundai tại Ninh Bình đang sản xuất, lắp ráp 34 dòng xe ô tô du lịch và thương mại, đáp ứng đa dạng các phân khúc thị trường và thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam. Một điểm đáng nói khác, Liên doanh Hyundai Thành Công Việt Nam là một trong những đơn vị sở hữu mạng lưới đại lý phân phối lớn nhất thị trường ô tô hiện nay. Ngoài ra, sự gia tăng mạng lưới đại lý cũng đi đôi với sự nâng cao chất lượng quy trình vận hành và chất lượng dịch vụ, từ đội ngũ tư vấn bán hàng cho đến các công cụ hạ tầng hiện đại, hướng đến xu thế công nghệ bán hàng 4.0.
Thứ ba, tập trung đầu tư vào con người, ưu tiên xây dựng lực lượng lao động, nhân sự tại địa phương. Chỉ khi chính con người của địa phương tạo ra giá trị cho địa phương mình mới có thể tạo ra sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Đi theo chiến lược này, hiện nay, trong số 3.500 nhân sự đang làm việc tại Tổ hợp sản xuất, lắp ráp ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam thì có tới 70% là con em người Ninh Bình.
Với sự ủng hộ, tạo điều kiện, đồng hành và tháo gỡ khó khăn từ lãnh đạo các cấp và nhân dân trong tỉnh, cùng chiến lược phát triển của Tập đoàn Thành Công, Liên doanh Hyundai Thành Công Việt Nam đã đưa thương hiệu Hyundai trở thành một thương hiệu Top đầu thị trường, thường xuyên chiếm khoảng 20% thị phần xe du lịch Việt Nam. Điều đáng nói, các hoạt động đầu tư cho ngành ô tô của TC Group tại Ninh Bình đã trở thành hạt nhân thu hút hàng loạt các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô đến đầu tư tại Ninh Bình, là đầu tàu giúp hình thành và phát triển ngành công nghiệp lắp ráp ô tô, công nghiệp phụ trợ ô tô, điện tử…, đưa Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất cả nước; là minh chứng cho sự hấp dẫn của Ninh Bình trong thu hút đầu tư đối với các tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới, khẳng định cho định hướng phát triển, chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ “nâu” sang “xanh” của Ninh Bình đang phát huy hiệu quả tích cực, tiến tới đưa Ninh Bình trở thành địa phương phát triển mạnh và bền vững.
Với vị thế của Ninh Bình và định hướng phát triển ngành công nghiệp của tỉnh, chúng tôi tin rằng, Liên doanh Hyundai Thành Công Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khác nói chung sẽ tiếp tục có sự phát triển thuận lợi trên quê hương Ninh Bình, tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng của Ninh Bình trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và đẩy mạnh hơn nữa chiến lược công nghiệp ô tô quốc gia.
Xây dựng Slogan gắn chặt với những biểu tượng nhận diện đặc trưng riêng có
Ninh Bình là vùng đất chứa đựng đậm đặc trầm tích lịch sử, giá trị văn hóa, giàu bản sắc, cốt cách riêng có, với sự quyện chặt của các yếu tố địa – chính trị, địa – kinh tế, địa – văn hóa, địa – tôn giáo, địa – quân sự, địa – tự nhiên, sinh thái. Lịch sử hàng nghìn năm bền bỉ, kiên cường mở đất, dựng nghiệp, chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi biên cương và lao động sản xuất góp phần hình thành nên hệ giá trị địa phương Ninh Bình. Những giá trị này vừa thâu thái vừa mang những giá trị phổ quát quốc gia – dân tộc, vừa kết tinh những giá trị tinh túy, đặc thù riêng có của vùng đất địa linh nhân kiệt Cố đô Hoa Lư mà không nơi nào có được, trở thành tài sản vô giá của các thế hệ người Ninh Bình trên hành trình xây dựng và bảo vệ quê hương, đồng thời là cơ sở định hình triết lý phát triển, thúc đẩy chiến lược truyền thông…, góp phần xây dựng thương hiệu địa phương trong giai đoạn phát triển mới.
Slogan của tỉnh là danh xưng phải kết tinh được đặc trưng nổi trội, giá trị khác biệt, đặc sắc nhất của tỉnh (thiên nhiên hùng vĩ – địa thế trung tâm – văn hóa di sản – kinh tế phát triển – xã hội an toàn – quốc phòng vững chắc – nhân dân hạnh phúc), vừa định hình thương hiệu của một tỉnh Cố đô giàu bản sắc văn hóa, phát triển xanh, vừa tạo sức hấp dẫn, cuốn hút đối với đông đảo du khách trong và ngoài nước, theo đó có thể là: Ninh Bình – Viên ngọc ẩn giấu đẹp nhất”; “Ninh Bình: Miền di sản – vùng đất kỳ tứ”; “Ninh Bình: Khởi đầu mới, sức sống mới, tương lai mới của vùng đất cố đô”; “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”…
Slogan gắn chặt với những biểu tượng nhận diện đặc trưng riêng có, tiêu biểu, mang lịch sử, truyền thống, văn hóa, phẩm chất, cốt cách tinh túy của vùng đất, con người Ninh Bình, theo đó phía tiền cảnh nên là Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, hậu cảnh là hình ảnh cách điệu Quần thể danh thắng Tràng An, có vẽ hình vòng cung uốn lượn như núi đá (biểu trưng của hành cung Vũ Lâm, ba mặt núi đá) và hình ảnh cách điệu bông lau (“Hoa Lư vốn tiếng Hán là “hoa lau”)… Cùng với bộ nhận diện thương hiệu của tỉnh, cần gắn với chiến lược truyền thông bài bản, mang tầm quốc tế, vừa bảo đảm độ lan tỏa về diện, tần suất, cường độ xuất hiện đều đặn, liên tục, sử dụng đa kênh truyền thông (báo chí, các phương tiện truyền thông xã hội, các phương tiện truyền thông mới…; quan tâm dùng SEO để từ khóa “Ninh Bình” nổi nhiều trên Google…), vừa có trọng tâm, trọng điểm (truyền thông và hình ảnh về Ninh Bình cần ưu tiên đều đặn xuất hiện trên 5 cơ quan báo chí chủ lực quốc gia (cấp độ 1): Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản; xuất hiện trên các cơ quan báo chí có lượng người đọc, người xem lớn nhất (cấp độ truyền thông 2): VnExpress, báo Lao động, Dân trí, Tuổi trẻ, Thanh niên, Vietnamnet, Quân đội nhân dân…
Nghiên cứu hợp tác với các tập đoàn truyền thông lớn của thế giới sản xuất những sản phẩm truyền thông chất lượng cao để phát sóng trên các kênh quốc tế. Mời các phóng viên thường trú nước ngoài của các tập đoàn truyền thông lớn trên thế giới; các đại sứ quán nước ngoài… về với Ninh Bình để trải nghiệm và cảm nhận về văn hóa, vùng đất, con người nơi đây.
Tỉnh cần phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tập đoàn lớn của Việt Nam hợp tác với các nhà sản xuất lớn của Hollywood (như Warner Bros, Marvel Studios, Universal Pictures, Walt Disney, 20th Century Fox, Paramount Pictures, Sony Pictures Studios…) để xây dựng phim trường kết hợp với địa điểm du lịch; sản xuất các bộ phim “bom tấn” ở Việt Nam, trong đó trọng điểm là Ninh Bình. Liên kết với các trang du lịch nổi tiếng nhất của thế giới để xây dựng các tour du lịch chất lượng cao về Ninh Bình. Ký kết hợp tác với các Cố đô trên thế giới, hợp tác với công ty du lịch lớn trong nước và thế giới, các hãng bay xây dựng tour du lịch chất lượng cao kết nối đến với các Cố đô trên thế giới. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chất lượng để tổ chức các hội nghị, hội thảo, sự kiện, cuộc gặp quốc tế lớn tại Ninh Bình…
Giá trị các địa danh, danh nhân và lễ hội trong xây dựng thương hiệu địa phương
Khi du lịch, nhất là du lịch văn hóa đã trở thành một ngành kinh tế lớn, một “ngành công nghiệp không khói” khổng lồ, bùng phát trên quy mô toàn cầu, thì nhu cầu đối với việc quảng bá các sản phẩm du lịch như những hàng hóa ngày càng trở nên cấp bách.
Việc Ninh Bình và các địa phương khác triển khai chiến lược phát triển thương hiệu địa phương chính là góp phần thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, làm cho văn hóa thực sự trở thành một nguồn lực nội sinh quan trọng của quá trình phát triển bền vững; làm cho văn hóa thấm sâu vào lĩnh vực kinh tế và các lĩnh vực khác – và chỉ theo cách đó, văn hóa mới từng bước “ngang hàng” với chính trị, kinh tế và xã hội.
Ninh Bình là một trong số rất ít địa phương ở nước ta có nguồn tài nguyên địa danh rất to lớn, phong phú và có giá trị tiêu biểu, rất đặc sắc. Khi nói đến Ninh Bình thì người ta liên tưởng ngay đến những địa danh đã nổi tiếng và có độ nhận diện cao như: Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, Tam Điệp – Biện Sơn, Vườn Quốc gia Cúc Phương; đầm Vân Long, Hang Múa, Núi và chùa Non Nước… Bên cạnh đó, còn có những làng nghề, các địa điểm gắn với các đặc sản, những hoạt động kinh tế tiêu biểu hoặc với các sự kiện lịch sử, văn hóa của thời kỳ cận – hiện đại.
Ninh Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra nhiều bậc danh nhân, có cả những người là vĩ nhân trong lịch sử Việt Nam, cho nên việc phát triển thương hiệu quê hương Ninh Bình dựa trên tên tuổi, danh tiếng của các danh nhân là việc làm rất cần thiết, nhằm góp phần khơi dậy mạnh mẽ niềm tự hào, tình yêu quê hương tha thiết của nhân dân Ninh Bình, đồng thời phát huy cao độ được nguồn lực văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, Tổ quốc.
Cùng với đó, Ninh Bình cũng là mảnh đất của những lễ hội rất nổi tiếng. Thực tế cho thấy, từ lâu lễ hội đã được coi là sự kiện văn hóa vùng và liên vùng và “trẩy hội” đã in sâu vào tâm trí của dân chúng. Việc khai thác, phát huy giá trị lễ hội để gia tăng sức hấp dẫn cho các địa phương đã và đang trở thành xu hướng thịnh hành ở trên thế giới và ở Việt Nam. Phát triển thương hiệu địa phương dựa trên việc bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội văn hóa, lễ hội truyền thống và hiện đại là một vấn đề khá phức tạp, cần phải được triển khai một cách khoa học, bài bản, chuyên nghiệp. Việc quảng bá và quản trị thương hiệu lễ hội cũng đòi hỏi tính công phu, bài bản hơn, nghiêm cẩn hơn, nhất là quảng bá gắn với những sản phẩm du lịch.
Từ kinh nghiệm rút ra được từ thực tiễn ở Ninh Bình, ở các địa phương khác của Việt Nam và trên thế giới, Ninh Bình cần sớm hoạch định một chiến lược phát triển thương hiệu địa phương dựa trên việc phát huy giá trị nguồn tài nguyên địa danh phục vụ sự phát triển nhanh và bền vững, trước hết là phát triển du lịch của tỉnh. Mục tiêu của chiến lược này là nhằm góp phần phát triển thương hiệu tỉnh Ninh Bình, tạo nên những thương hiệu mạnh, có sức hấp dẫn cao, góp phần nâng cao vị thế, danh tiếng của quê hương, con người Ninh Bình, trở thành một nguồn lực mềm to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của tỉnh.
Trên cơ sở kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo trên thế giới, ở Việt Nam và ngay trên đất Ninh Bình, chúng tôi khẳng định đây là việc làm cần thiết, tất yếu, có triển vọng tốt cần được lãnh đạo và nhân dân Ninh Bình xem xét như một nội dung quan trọng của chiến lược, kế hoạch phát triển bền vững của tỉnh nói chung và chiến lược, kế hoạch phát triển văn hóa, con người Ninh Bình nói riêng. Khẳng định như vậy để lãnh đạo, người dân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà có sự quan tâm thỏa đáng và có quyết tâm, có sự đầu tư phù hợp cho công việc này.
Giá trị danh hiệu UNESCO trong xây dựng thương hiệu địa phương Ninh Bình
Các danh hiệu UNESCO đem lại cho chúng ta không những sự công nhận của thế giới, mà còn đưa các địa điểm, những di sản phi vật thể được công nhận ấy vào mạng lưới kết nối của thế giới, giúp chúng ta có cơ hội học hỏi kinh nghiệm của bạn bè và được giới thiệu cũng như phát huy bản sắc dân tộc, cũng là giúp chúng ta xây dựng được thương hiệu riêng của Việt Nam nói chung và của từng địa phương nói riêng.
Một trong những thuận lợi trong việc xây dựng thương hiệu địa phương là được sự công nhận của thế giới về tính độc đáo của mình. Tỉnh Ninh Bình hiện sở hữu 2/57 danh hiệu UNESCO của Việt Nam: Một là, Quần thể danh thắng Tràng An (2014) – Di sản thiên nhiên – văn hóa; Hai là, thực hành Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt (2016) – Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (đồng sở hữu). Đó là một tiền đề vững chắc cho việc xây dựng thương hiệu địa phương.
Đi sâu vào từng danh hiệu, ta có thể thấy: Danh hiệu di sản thiên nhiên – văn hóa Quần thể danh thắng Tràng An đã mang trong mình rất nhiều yếu tố để phát triển thương hiệu địa phương. Đây là di sản thiên nhiên ẩn chứa trong mình sự độc đáo về địa chất của dãy núi đá vôi 250 triệu năm đã phong hóa tạo thành những cảnh quan sông nước, hang động, cánh đồng, ao hồ, là nơi bảo tồn và chứa đựng nhiều hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi… Chính những độc đáo về địa chất đó đã tạo ra sự đa dạng sinh học có thể khai thác một cách bền vững. Cảnh quan tươi đẹp nơi đây đã đóng góp quan trọng trong du lịch sinh thái cũng như nghiên cứu khoa học.
Về mặt lịch sử, nơi đây còn nhiều di tích lịch sử thời Đinh và thời Trần. Bởi vậy, Quần thể danh thắng Tràng An đã trở thành di sản thế giới kép đầu tiên ở Việt Nam với những giá trị nổi bật về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử – văn hóa và kiến tạo địa chất; cũng là địa danh được đầu tư để trở thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế. Người Ninh Bình hoàn toàn có quyền tự hào về di sản này của mình.
Nguồn kiến tạo địa chất, đa dạng sinh học, bề dày về lịch sử cũng như vẻ đẹp văn hóa của Ninh Bình, nhất là những di sản đã được UNESCO ghi danh, đã tạo điều kiện cho Ninh Bình phát triển ở trong nước cũng như bước ra quốc tế một cách vững vàng, thúc đẩy những điểm nổi trội của địa phương một cách bền vững, đưa ra những cam kết phù hợp và hấp dẫn cho các đối tượng mục tiêu, cũng tức là người dân, doanh nghiệp ở địa phương.
Những thuận lợi do các di sản được UNESCO ghi danh đã tạo ra thế mạnh được công nhận trên bình diện thế giới của tỉnh Ninh Bình. 9 năm trước, danh hiệu di sản mà UNESCO trao tặng cho Quần thể Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An cũng là điểm khởi đầu để mở ra một thời kỳ mới cho ngành Du lịch Ninh Bình. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản một cách bền vững. Ngày hôm nay, Ninh Bình được UNESCO đánh giá là một trong những địa phương thành công trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản để phát triển du lịch bền vững. Nhờ đó, Ninh Bình đang giữ vững vị trí trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh thu hút lượng khách cao nhất cả nước.
Xây dựng thương hiệu địa phương không phải là một chiến dịch quảng cáo hay một khẩu hiệu, đó là một chiến lược lâu dài, mang tầm nhìn được chia sẻ rộng rãi, tác động đến mọi hành động từ xúc tiến đầu tư, khai thác thiên nhiên, du lịch thiên nhiên, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh bền vững đến các chính sách quản lý đô thị và hấp dẫn người nhập cư. Với bề dày văn hóa, lịch sử của mình, mong rằng Ninh Bình sẽ tiếp tục đạt được thêm các danh hiệu khác của UNESCO, làm phong phú thêm những điểm đặc sắc được thế giới công nhận của mình.