Nhân kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2023), sáng 24/8, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi thăm, tặng quà cán bộ Lão thành cách mạng trên địa bàn xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan. Cùng đi có lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo huyện Nho Quan.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn đã đến thăm, tặng quà các cán bộ lão thành cách mạng: bà Lương Thị Rước, sinh năm 1920, ở thôn Đồi Thờ (bà Rước tham gia cách mạng từ tháng 8/1943 diện không thoát ly); ông Vũ Đức Quế, sinh năm 1928, thôn Xuân Quế (ông Quế tham gia cách mạng từ năm 1943 diện không thoát ly); ông Nguyễn Văn Lừng, sinh năm 1924, ở thôn Xanh (ông Lừng tham gia cách mạng từ năm 1942 diện không thoát ly).
Tại các nơi đến thăm, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đã ân cần thăm hỏi sức khỏe của các cán bộ lão thành cách mạng và gia đình. Đồng thời vui mừng khi thấy các cụ mạnh khỏe, minh mẫn, được gia đình và chính quyền địa phương quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo. Ghi nhận những đóng góp của các cán bộ lão thành cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: các bậc lão thành cách mạng là vốn quý của đất nước, là điểm tựa tinh thần của các thế hệ hôm nay.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chúc các cán bộ lão thành cách mạng sức khỏe, trường thọ, luôn là chỗ dựa tinh thần động viên con cháu phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương, nỗ lực học tập, lao động, công tác tốt, đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương… Đồng chí mong các cán bộ lão thành cách mạng luôn là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực của người cách mạng để thế hệ trẻ ngày nay và lớp lớp con cháu học tập, noi theo.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định, việc quan tâm, chăm lo cho những gia đình chính sách, người có công với cách mạng là truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đồng thời là tình cảm, trách nhiệm của mọi người dân. Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đảm bảo các gia đình có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân trong khu dân cư. Hiện nay, tổng số người hoạt động cách mạng trước Cách mạng Tháng 8/1945 được công nhận trên địa bàn tỉnh là 1.167 người, số người còn sống 36 người, trong đó, cán bộ lão thành cách mạng là 25 người, cán bộ tiền khởi nghĩa là 11 người.
Hồng Vân – Minh Quang