Cùng tham gia Đoàn khảo sát có đồng chí Đinh Văn Tiên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Ninh Bình; lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy; Văn phòng Tỉnh ủy; Hội LHPN tỉnh, lãnh đạo các địa phương có mô hình, điển hình “Dân vận khéo”… Đây là một trong những hoạt động nhằm chuẩn bị cho việc biên tập, xuất bản cuốn sách “100 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021-2025″.
Tại huyện Yên Mô, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng các thành viên trong Đoàn đã đi khảo sát mô hình Dân vận khéo “Vận động các hộ sản xuất thực hiện mô hình lắp đặt nhà màng, hệ thống tưới tiết kiệm để trồng các cây trồng có giá trị kinh tế cao” tại xã Yên Từ do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện triển khai thực hiện.
Từ năm 2022, Phòng đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn khảo sát, lựa chọn các hộ có vốn, có kỹ thuật, có quỹ đất, vận động các hộ tham gia thực hiện mô hình, tổ chức đi tham quan ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; đồng thời tham mưu HĐND huyện ban hành Nghị quyết số 04, dành nguồn ngân sách huyện hỗ trợ 40% chi phí lắp đặt, không quá 300 triệu đồng/1.000 m2 để khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình lắp đặt nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm, tiến hành trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm như dưa vân lưới, dưa lê Hàn Quốc, dưa lê Thái Kim, dưa chuột baby…
Từ 3 hộ thực hiện mô hình ban đầu, đến nay toàn huyện có 23.300 m2 lắp đặt nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm để trồng các cây trồng có giá trị kinh tế cao, doanh thu đạt khoảng 250-350 triệu đồng/1.000 m2 nhà màng, lợi nhuận thu được từ 125-175 triệu đồng, gấp từ 10-15 lần so với sản xuất truyền thống.
Tại đây, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Mai Văn Tuất ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, chính quyền các cấp, các hội, đoàn thể đã có nhiều cách làm hay, tích cực hỗ trợ, tuyên truyền, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Để mô hình tiếp tục phát huy hiệu quả, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu thời gian tới, các cấp, các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương cần tiếp tục hỗ trợ giống, vốn, đưa nhiều giống mới vào sản xuất, giúp tăng vụ, nâng cao chất lượng, giá trị, thương hiệu sản phẩm, xây dựng các sản phẩm OCOP đặc trưng, đẩy mạnh tuyên truyền để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện, tăng giá trị trên 1 ha đất canh tác, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Tiếp đó, Đoàn đã đi khảo sát mô hình “Hỗ trợ thành lập Hợp tác xã sản xuất dược liệu và kết hợp chưng cất tinh dầu” của Hội LHPN tỉnh tại xã Yên Thái, huyện Yên Mô.
Từ năm 2022, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ xã Yên Thái thành lập “HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Thành Công” tại thôn Tiền Thôn với 17 thành viên, tập trung chuyển đổi diện tích đất màu kém hiệu quả và đất chua khó canh tác sang trồng cây dược liệu với diện tích 15 ha, phục vụ chưng cất tinh dầu. Đến nay có 22 thành viên tham gia HTX. Hiện sản phẩm tinh dầu Bạch đàn chanh của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Doanh thu HTX đạt trên 1,3 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của thành viên đạt trên 35 triệu đồng/năm. HTX đã thu hút 30 lao động nông nhàn tham gia làm việc.
Đánh giá cao hiệu quả mô hình hoạt động của HTX, cho đây là cách làm mới cần tiếp tục được quan tâm đầu tư, hỗ trợ để mở rộng quy mô, tăng giá trị trong thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành cần có chính sách hỗ trợ chuyển đổi đất nông nghiệp phù hợp giúp HTX mở rộng vùng nguyên liệu trồng cây dược liệu, có giải pháp hỗ trợ về vốn để HTX nâng cao năng lực sản xuất, tăng cường quảng bá sản phẩm, xây dựng thêm nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3, 4 sao.
Các thành viên HTX cũng cần đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chú trọng đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển mô hình trồng dược liệu, chưng cất tinh dầu kết hợp du lịch trải nghiệm, phát triển theo đúng định hướng của tỉnh, từng bước đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tại thành phố Tam Điệp, Đoàn đã khảo sát mô hình “Xây dựng Công an phường kiểu mẫu” tại phường Trung Sơn. Từ năm 2022, trước tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhằm nâng cao các tiêu chí trong xây dựng phường văn minh đô thị, Đảng ủy, UBND phường đã chỉ đạo Công an phường triển khai đồng bộ các nhiệm vụ để xây dựng Công an phường kiểu mẫu, thành lập, phát huy hiệu quả hoạt động của 21 tổ tuần tra nhân dân, kịp thời hòa giải 3 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; cung cấp 87 tin giúp lực lượng Công an ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật…
Đánh giá cao việc công an phường Trung Sơn xây dựng và triển khai hiệu quả mô hình dân vận khéo trên lĩnh vực ANTT, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy mong muốn trong thời gian tới mô hình sớm được đánh giá, rút kinh nghiệm, nâng tầm và nhân ra diện rộng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của thành phố Tam Điệp. Cấp ủy, chính quyền thành phố cần có cơ chế hỗ trợ để mô hình hoạt động hiệu quả hơn.
Tiếp đó, Đoàn đã khảo sát mô hình “Tuyên truyền, vận động tuyến đường bích họa” của Khối Dân vận Đảng ủy phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình được triển khai tại phố Thanh Sơn năm 2024. Mô hình được xây dựng nhằm góp phần ngăn chặn và loại bỏ tình trạng quảng cáo, rao vặt không đúng quy định, đồng thời triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 16 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường quản lý đô thị, bảo đảm an toàn giao thông, trật tự xây dựng, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường; nâng cao chất lượng thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.
Để thực hiện mô hình, Khối Dân vận phường đã chủ trì phối hợp với Đoàn thanh niên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chi ủy phố Thanh Sơn vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên, nhân dân đóng góp kinh phí trên 60 triệu đồng vẽ 20 bức tranh tường với tổng diện tích trên 200 m2, góp phần tạo điểm nhấn về cảnh quan đô thị và văn hóa công cộng, xây dựng nếp sống văn minh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, xây dựng cảnh quan, diện mạo phường ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, đạt chuẩn đô thị văn minh.
Đánh giá cao hiệu quả triển khai mô hình dân vận khéo tại phường Bích Đào, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng, mô hình được triển khai là rất phù hợp, nhất là trong tương lai thành phố Ninh Bình sẽ hợp nhất với huyện Hoa Lư để mở rộng địa giới hành chính, hướng tới thành phố di sản, thành phố du lịch. Những mô hình cụ thể, thiết thực này sẽ góp phần tạo điểm nhấn cho cảnh quan đô thị. Đồng chí bày tỏ tin tưởng mô hình sẽ tạo được tính lan tỏa cao, huy động đông đảo các lực lượng tham gia, giúp giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn cảnh quan môi trường, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, cùng thành phố hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
* Sáng 14/8, đồng chí Đỗ Việt Anh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh đã đi khảo sát một số mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan. Cùng đi có lãnh đạo huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan.
Tại các địa phương, Đoàn khảo sát đã nghe báo cáo kết quả thực hiện và tham quan thực tế mô hình “Trồng sen Nhật và sen giống mới gắn với phát triển du lịch” tại xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư; mô hình “Tổ liên gia đoàn kết” tại xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn; mô hình “Hợp tác xã na trái vụ, tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long” tại xã Phú Long, huyện Nho Quan.
Mô hình trồng sen Nhật và sen giống mới được trồng tại Khu du lịch Hang Múa xã Ninh Xuân với diện tích 5ha với các giống sen: Bách Diệp, Super cánh Trắng, cung Đình cánh Hồng… Vào khoảng tháng 6-7 hàng năm, sen nở đẹp nhất, đây cũng là thời điểm thu hút nhiều du khách đến tham quan.
Bên cạnh việc tham quan, ngắm cánh đồng sen, du khách còn có thể thưởng thức các đặc sản làm từ sen như củ sen, hạt sen sấy, ngó sen và được trải nghiệm hương vị đầy cuốn hút của trà sen Hang Múa. Hiện sản phẩm chè sen Hang Múa đã được công nhận là sản phẩm OCOP của địa phương. Mô hình trồng sen giống mới tại Khu du lịch Hang Múa đã có những thành công nhất định, góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho nhân dân.
Mô hình “Tổ liên gia đoàn kết” tại xóm Đông, thônTrinh Phú, xã Gia Thịnh được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2006, gồm 1 Tổ trưởng, 1 Tổ phó và 33 thành viên. Trong thời gian qua, Tổ liên gia đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đặt ra, củng cố lòng tin trong Nhân dân, được chính quyền địa phương ghi nhận. Trong đó, hưởng ứng Cuộc vận động toàn dân xây dựng nông thôn mới, Tổ đã vận động Nhân dân trong thôn ủng hộ vật liệu, ngày công đổ bê tông 1 km đường với số tiền trên 53 triệu đồng; vẽ tranh, quét sơn hai bên đường với số tiền gần 16 triệu đồng.
Gia đình các thành viên trong Tổ duy trì các nghề làm nón truyền thống, các ngành nghề phụ, tích cực sản xuất, kinh doanh, làm giàu bền vững. Công tác giảm nghèo được thực hiện hiệu quả, đến nay không còn hộ nghèo, hộ khá giàu đạt 70%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 70 triệu đồng/năm. Công tác vệ sinh môi trường được duy trì, đường làng, ngõ xóm luôn sạch đẹp, thông thoáng, đảm bảo giao thông đi lại.
Tổ thường xuyên phối hợp làm tốt công tác hòa giải, giải quyết các vụ việc mâu thuẫn phát sinh trong Nhân dân, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy, làm tốt phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc…
Để mô hình trồng na phát triển bền vững, được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, xã Phú Long đã thành lập “HTX na trái vụ, tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long”. HTX hoạt động có định hướng rõ ràng, các thành viên luôn đoàn kết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển, đưa thương hiệu na Phú Long ngày càng vươn xa ra thị trường. Bên cạnh đó, xã cũng tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực nhân rộng mô hình, biến khó khăn thành lợi thế để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Đến nay, mô hình đã có 45 hộ trồng với tổng diện tích lên tới 147 ha. Toàn bộ quy trình sản xuất được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện na Phú Long đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao. Sản phẩm thu hoạch đến đâu, tiêu thụ hết đến đó đã đem lại nguồn thu nhập khá cho bà con nông dân.
Qua nghe báo cáo và khảo sát thực tế, đồng chí Đỗ Việt Anh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh đánh giá cao nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đơn vị của địa phương đã chỉ đạo, tổ chức và triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo”. Đồng thời, yêu cầu trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm nhân rộng các mô hình, đem lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Đồng chí cũng ghi nhận những ý kiến, kiến nghị từ cấp ủy, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, HTX và các hộ gia đình tham gia các mô hình “Dân vận khéo” như: hỗ trợ xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm na Phú Long, quan tâm hỗ trợ hệ thống tưới tiêu vùng sản xuất, xây dựng đường giao thông phục vụ vùng sản xuất hàng hóa…
Hồng Giang-Đinh Ngọc
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/cac-dong-chi-lanh-dao-tinh-khao-sat-mo-hinh-dien-hinh-dan/d2024081411584457.htm